“Vị khách” cảm cúm
Cảm cúm là bệnh thường gặp thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm hô hấp cấp. Cảm cúm do nhiều loại vi rút gây ra và không giống như bệnh cảm lạnh thông thường. Các triệu chứng của bệnh cảm cúm thường đến một cách đột ngột, nhất là lúc thay đổi thời tiết và giao mùa. Virus cảm cúm dễ lây lan khi tiếp xúc với những đồ vật trong nhà như: Điện thoại, điều khiển tivi (điều hòa), ho, hắt hơi… Do đó, chúng mình nên rửa tay đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh… để loại bớt tác nhân gây bệnh. Để ngăn ngừa cảm cúm, bạn nên ăn các loại thực phẩm có nhiều vitamin C để hỗ trợ tăng cường sức đề kháng toàn diện cho cơ thể.
Bệnh đường hô hấp
Các bệnh viêm đường hô hấp như viêm họng, viêm amidan thường gây sốt cao kèm theo ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nghẹt mũi khiến giọng nói của chúng mình bị thay đổi, đau và sưng rát họng. Nếu không kịp thời chữa trị bệnh sẽ trở thành viêm phế quản, viêm phổi hoặc chuyển thành mãn tính sẽ khó chữa trị hơn. Để phòng ngừa, khi trời bắt đầu trở lạnh, chúng mình nên giữ ấm phần ngực, cổ, bàn tay, bàn chân. Bạn nên đeo khẩu trang khi đến những nơi đông người, rửa tay mỗi khi ăn xong hoặc khi đi vệ sinh và súc miệng nước muối mỗi sáng và tối. Khi thấy cơ thể có những triệu chứng như hắt hơi, sổ mũi hay đau họng thì bạn cần phải báo với bố mẹ ngay để kịp thời chữa trị.
Vấn đề về tiêu hóa
Vào mùa Thu, sức đề kháng của cơ thể chúng mình thường giảm nên khó chống lại ảnh hưởng của các vi khuẩn gây bệnh. Do đó, hệ tiêu hóa của bạn càng dễ bị ảnh hưởng nặng nề. Các bệnh như đầy hơi, chậm tiêu là nguyên nhân gây khó chịu cho mọi người trong mùa Thu. Để giảm nguy cơ mắc các chứng bệnh về tiêu hóa, chúng mình nên ăn uống khoa học, ăn đúng giờ và không nên bỏ bữa. Hạn chế các loại thức ăn có thể khiến chúng mình đầy bụng và khó tiêu như khoai tây chiên, thức ăn quá cay, quá béo, sôcôla. Bạn nên ăn các loại thịt nạc và cá để cung cấp chất đạm cho cơ thể. Ăn sữa chua cũng là một cách giúp cơ thể chúng mình tăng sức đề kháng và dễ tiêu hóa thức ăn hơn.