Nín thở chờ trạm Thiên Cung-1 của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất

Nín thở chờ trạm Thiên Cung-1 của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất
HHT - Trạm không gian Thiên Cung-1 đang bị mất kiểm soát của Trung Quốc được dự báo rơi xuống Trái Đất vào cuối tuần này.

Trạm vũ trụ Thiên Cung-1, niềm tự hào một thời của ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc, đã đi đến những ngày cuối cùng. Trạm vũ trụ này được Trung Quốc phóng lên vào năm 2011. Trải qua 6 nhiệm vụ thành công, trạm được mệnh danh là một biểu tượng chứng minh tham vọng chinh phục vũ trụ của quốc gia rộng lớn này. Nhưng đến năm 2016, giới khoa học Trung Quốc buộc phải xác nhận họ đã mất quyền kiểm soát Thiên Cung-1, và cuối tuần này chính là thời điểm nó rơi xuống Trái Đất của chúng ta. 

Các nguồn thông tin cho một tờ báo tại Trung Quốc cho biết việc dự đoán chính xác thời gian và vị trí rơi của trạm vũ trụ này là điều cực kỳ khó vì bị tác động bởi nhiều yếu tố như tính thất thường của lực cản tầng ngoài khí quyển và tốc độ rơi cực nhanh (lên đến 27.000 km/ giờ).

Theo đài BBC, Ủy ban Phối hợp Xử lý rác vũ trụ của liên cơ quan không gian các nước (IADC), gồm 13 cơ quan hàng không vũ trụ do ESA đứng đầu, đang theo dõi đường đi của Thiên Cung-1. Với chiều dài hơn 10 m và nặng hơn 8 tấn, trạm không gian này lớn hơn hầu hết vật thể nào do con người tạo ra từng rơi trở lại Trái Đất. 

Nó dự kiến bị đốt cháy một phần sau khi rơi vào khí quyển. Phần còn lại sẽ bị vỡ thành nhiều mảnh và rơi rải rác xuống một khu vực có diện tích hàng ngàn km vuông. Nhiều khả năng là tất cả đều rơi xuống biển.

Nín thở chờ trạm Thiên Cung-1 của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất ảnh 1

Trạm Thiên Cung-1 được dự đoán sẽ bốc cháy phần lớn trong khí quyển.

Thế nhưng một số nhà khoa học không chắc chắn hoàn toàn về nguy cơ trạm Thiên Cung-1 gây ảnh hưởng tới con người khi rơi xuống Trái Đất.

Alan Duffy, nghiên cứu sinh ở Trung tâm Vật lý thiên văn và Siêu máy tính ở Đại học Công nghệ Swinburne, Australia, cho rằng, bởi Trung Quốc giữ kín thông tin về trạm vũ trụ khiến việc đánh giá mức độ rủi ro gặp khó khăn.

Ông Holger Krag, chuyên gia của ESA, cho đài BBC hay khoảng 1,5 - 3,5 tấn bộ phận của Thiên Cung-1 có thể không bị đốt cháy trong khí quyển và rơi xuống Trái Đất. 

Tuy nhiên, các nhà khoa học trấn an nguy cơ các mảnh nhỏ của trạm không gian dài 12 m, nặng 8,5 tấn rơi xuống khu vực đông dân cư là rất thấp, chỉ 1/1 nghìn tỷ.

Một bài viết của Văn phòng Kỹ thuật Vũ trụ Không gian Trung Quốc đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước cho hay: “Mọi người không cần quá lo lắng khi trạm vũ trụ quay về Trái Đất. Nó sẽ không đâm xuống Trái Đất một cách kinh khủng như trong kịch bản khoa học viễn tưởng, nhưng sẽ giống một trận mưa sao băng”.

Tín hiệu mới nhất về trạm Thiên Cung-1 đã được Cơ quan Nghiên cứu Vũ trụ quốc gia Malaysia (Angkasa) ghi nhận vào hôm 30/3. Theo Angkasa, một vệt sáng lớn xuất hiện trong 81 giây trên bầu trời Malaysia vào khoảng 3h19 phút (giờ địa phương) khi Thiên Cung-1 rơi từ độ cao 182.462 km xuống 182.407 km.

Angkasa khuyến cáo người dân không nên chạm tay hay nhặt bất cứ vật thể khả nghi nào. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) ước tính trạm không gian này sẽ trở lại khí quyển Trái Đất trong khoảng thời gian từ ngày 30/3 đến 2/4.

Nín thở chờ trạm Thiên Cung-1 của Trung Quốc rơi xuống Trái Đất ảnh 2

Hình ảnh trạm Thiên cung-1 rơi được hệ thống radar theo dõi của Viện Fraunhofer FHR ở Đức chụp được.

Đây không phải là lần đầu tiên các mảnh vỡ từ trạm vũ trụ không gian rơi xuống Trái Đất bởi vào năm 2001, trạm Mir nặng 135 tấn của Nga rơi có kiểm soát, với phần lớn các bộ phận bị đốt cháy trong quá trình đi qua bầu khí quyển, phần còn lại rơi xuống biển.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

Bầu trời Dubai bỗng chuyển màu xanh lá cây giữa mưa bão lịch sử, là hiện tượng gì?

HHT - Trong lúc mưa bão chưa từng có tiền lệ đang diễn ra, bầu trời ở thành phố Dubai (UAE) bỗng nhiên chuyển thành màu xanh lá cây và không khí dường như có một lớp bụi. Hình ảnh này khiến nhiều người sợ hãi, cho rằng trông giống như trong các bộ phim về thảm họa thiên nhiên. Vậy hiện tượng này được giải thích thế nào?