Đà Nẵng:

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo

TPO - Nông dân vùng trồng mía ép nước lớn nhất Đà Nẵng đang gặp khó vì mía tiêu thụ chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chất lượng mía không cao do ngập lụt kéo dài vào cuối năm ngoái.
Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 1

Sáng sớm, những cánh đồng mía ở xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) rộn ràng tiếng người, tiếng xe công nông. Nông dân tranh thủ trời còn chưa nắng gắt để thu hoạch mía. Mía ở Hòa Bắc được thu mua để cung cấp cho các cửa hàng nước mía giải khát trên khắp thành phố. Ảnh: Giang Thanh

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 2

Đã vào chính vụ, nhưng năm nay những cánh đồng mía ở Hòa Bắc lại vắng bóng thương lái do chất lượng không cao. Từ 4h sáng, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hay (thôn An Định, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) hì hụi chặt mía để bỏ mối cho các cửa hàng nước mía là bạn hàng lâu năm.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 3

Năm nay, mía Hòa Bắc thấp, nhỏ do ảnh hưởng của đợt lụt cuối năm 2020; cùng với đó, tình hình dịch bệnh kéo dài khiến người trồng mía gặp khó trong tiêu thụ. "Vì tự bỏ mối cho các bạn hàng quen nên nhà tui bán cũng được 70 nghìn đồng/bó. Chứ nếu thương lái thu mua, có khi chỉ được 40.000 đồng đến 50.000 đồng/bó, mà phải mía đẹp mới có giá đó", chị Hay nói.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 4

Gần trưa, gia đình anh Trương Văn Dũng (41 tuổi, thôn Nam Yên, xã Hòa Bắc) vẫn "đội nắng" để chặt mía lấy gọn. Khoảng 4 sào mía bị hư hỏng, thân thấp, nhỏ nên anh Dũng chỉ đành chặt lấy ngọn để làm giống cho mùa sau.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 5

Trồng được gần 2 mẫu mía, hư hại hết 1/5, vụ mía này gia đình anh Dũng cũng chỉ lấy công làm lời. "Cuối năm ngoái, lụt kéo dài khiến mía ngâm nước cả tháng trời nên chất lượng vụ này không cao. Dịch bệnh khiến cho việc tiêu thụ mía cũng bị ảnh hưởng", anh Dũng nói.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 6

Mọi năm, nếu không có dịch COVID-19, anh Dũng chủ động ép mía và bỏ nước mía đóng chai cho các khu công nghiệp, bếp ăn, cửa hàng... ở Đà Nẵng. Mỗi ngày có thể tiêu thụ mấy trăm chai (mỗi chai 1,5l). "Nếu không có dịch, khách du lịch lên đây cũng rất đông, tui ép mía bán cho khách uống tại chỗ và mang về rất nhiều. Nhưng năm nay, khách không thấy đâu, mối bỏ mía chai cũng ít, mà sợ dịch cũng không dám đi. Nguồn thu đó coi như bỏ, chỉ có bán cho thương lái, mà thương lái cũng không mặn mà", anh Dũng chia sẻ.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 7

Theo ông Lê Minh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Bắc, để hỗ trợ đầu ra cho nông dân trồng mía, thông qua kênh của Hội Nông dân thành phố, Hội Nông dân xã đã kêu gọi ủng hộ mua mía ép đóng chai với giá 20.000 đồng/1,5l.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 8

"Hiện, chúng tôi đã nhận được những đơn đặt hàng đầu tiên. Hội sẽ phân phối số lượng đến cho từng hộ để các hộ ép mía, đóng chai và giao tận nơi cho khách đặt hàng. Đây là giải pháp trước mắt để hỗ trợ nông dân trồng mía trên địa bàn", ông Tuấn nói.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 9

Ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho biết, vụ hè thu năm nay, toàn xã trồng 120ha mía ép nước, trong đó còn 70ha chưa được thu hoạch. Tổng sản lượng mía khoảng 2.000 - 2.500 tấn, dự kiến kết thúc thu hoạch vào cuối tháng 8/2021.

Nông dân Đà Nẵng hì hụi chặt mía từ tinh mơ trong nỗi lo ảnh 10

"Do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài nên nông dân đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ. Hiện, Hội Nông dân phối hợp với các hội đoàn thể trên địa bàn triển khai điểm bán hàng nước mía đóng chai lưu động để hỗ trợ người dân. UBND xã và Hội Nông dân cũng đã gửi công văn cho Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP. Hiện, Trung tâm cũng đã có văn bản báo cáo Sở NN&PTNT để có phương án hỗ trợ người dân", ông Nhân nói.

MỚI - NÓNG