Từ khi nào nữ quyền “thành kiến” với nữ tính
Mở Google và gõ từ khóa “bánh bèo”, “nữ tính”, chúng mình sẽ nhận được loạt kết quả điển hình như “Quên bánh bèo đi, giờ là thời đại…”, “Không còn bánh bèo, những cô nàng mạnh mẽ đã thống trị…”. Từ truyền thông cho đến nhiều cá nhân đều đề cao sự mạnh mẽ ở nữ giới bằng việc nhân danh nữ quyền và phủ định nữ tính.
Sẽ có rất nhiều bạn cho rằng, yểu điệu thục nữ như vậy thì còn gì là nữ quyền? Nhiều bạn hiểu nhầm nữ quyền là hành động “dìm” nam giới xuống để tôn nữ giới lên, phụ nữ đấu tranh cho nữ quyền lúc nào cũng phải mạnh mẽ, cá tính, bản lĩnh hơn người, và phải khép lại sự nữ tính, tránh xa vùng “bánh bèo” phủ sóng.
Thế nhưng, nữ tính có thật là thể hiện sự yếu đuối của phái nữ? Năm 2016, từ điển Tiếng Anh nổi tiếng của Hoa Kỳ - Merriam-Webster đã phải sửa câu ví dụ về từ “nữ tính” (feminity): She managed to become a CEO without sacrificing her feminity (Cô ấy đã trở thành Giám đốc điều hành mà không phải hy sinh sự nữ tính của mình) sau khi một cô gái tweet về dòng ví dụ đó trên mạng Twitter với thái độ không đồng tình. Lập tức, nhà văn Alison Segel ở Los Angeles đã chỉ ra sự phân biệt ở đây bằng lý lẽ thuyết phục rằng: Có ai nói “Anh ấy đã trở thành Giám đốc điều hành mà không phải hy sinh sự nam tính của mình” hay không? Nữ tính hay nam tính không ngăn một người thành công, mạnh mẽ hay độc lập trong cuộc sống.
Vậy nên, nói nữ quyền (feminism) thời nay không thể giữ sự nữ tính lại càng sai lầm và thể hiện một cái nhìn chưa chính xác đối với chủ nghĩa này. Thực tế, nữ quyền ra đời nhằm đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ về chính trị, văn hóa, kinh tế, xã hội. Rộng hơn, nó là sự đấu tranh cho bình đẳng giữa hai giới, dù là nam hay nữ cũng có cơ hội ngang bằng trong việc theo đuổi những mục tiêu trong cuộc sống. Vì là nữ quyền, nên có quyền nữ tính.
Không phải nữ quyền nửa mùa
Việc áp đặt cá tính của một người cũng giống như bắt họ phải khoác lên mình chiếc áo không phù hợp. Ở Hàn Quốc có một phong trào rất nổi là No Bra, những người phụ nữ xứ kim chi đấu tranh cho quyền tự do lựa chọn mặc hay không mặc áo ngực hàng ngày. No Bra ra đời bởi họ cho rằng áo ngực thường gây ra một số ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và họ muốn bản thân được thoải mái thay vì cứ phải gò bó trong chiếc áo gây phiền toái.
Bản chất của nữ quyền chính là ở đó, mỗi người được đối xử công bằng, được tự do thực hiện những mục tiêu, nắm bắt những cơ hội cho mình. Nữ quyền không hề tạo ra quy tắc chung trong ứng xử và phong cách cá nhân. Suy nghĩ nữ quyền thì phải gồng lên mạnh mẽ, phải ăn mặc hầm hố, kẻ mắt mèo, tô môi trầm, cá tính mạnh như một nữ cường và bài xích sự nữ tính dần trở thành một phong trào khiến nhiều người adua theo để trở thành ai đó không phải mình nhưng hợp thời, hợp lòng xã hội.
Bạn Khánh Vân (19 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình quen một số bạn rất tôn vinh nữ quyền. Tuy nhiên, họ có tư tưởng là nữ quyền đồng nghĩa với anti “bánh bèo” và cho rằng kiểu dịu dàng, thuần khiết thì sao thể hiện được cái “quyền” của nữ. Mình đã phải tránh những cô nàng ấy để không bị chỉ trích là “không hợp thời” vì kiểu nữ tính điển hình. Mình vẫn muốn tự tin hơn, mạnh mẽ hơn nhưng nó không phải là gồng mình trở thành ai khác”.
Bản chất của nữ quyền ở chỗ: Nữ là người, nam cũng là người, giới tính nào cũng phải được đối xử công bằng. Quyền lợi giới tính không phải là việc co kéo một chiếc chăn, người này ấm thì kẻ kia lạnh. Chúng mình nữ quyền, chứ không nữ quyền nửa mùa theo kiểu trào lưu, áp đặt cá tính và lối sống của người khác. Bởi vì như thế chúng ta chỉ đang mượn cái cớ là nữ quyền một cách rất nhân văn nhưng hành động thì lùi lại cả nghìn năm - ép buộc người khác theo ý mình.
Dám nữ tính, dám là chính mình!
Cá là cá thể, tính là tính cách, cá tính là tính cách cá nhân, mỗi người có quyền tự do trong việc thể hiện mình, có quyền cá tính, cũng có quyền nữ tính.
Sự nữ tính không chỉ là dịu dàng, điệu đà... mà còn là cách một cô gái yêu và chăm sóc bản thân mình, nhận thức rõ những giá trị của bản thân. Sự nữ tính là một cô gái dám thể hiện mình, ngay thẳng không sợ sệt trước những phán xét của người khác, bản lĩnh trước những bão giông trong cuộc sống… Dù có mạnh mẽ đến đâu, sâu thẳm trong mỗi chúng ta vẫn là một cô gái, vẫn luôn tồn tại sự nữ tính rất tự nhiên.
Bạn Anh Thư (17 tuổi, THPT Bình Sơn) chia sẻ: “Với mình, nữ quyền là phải sống hết mình với con người thật, mỗi người là một phiên bản giới hạn. Thế nên mình không bị lung lay trước những quan điểm sai lệch mà một số người đang gán vào nữ quyền”.
Nhà văn, nhà đấu tranh cho nữ quyền người Pháp thế kỷ XX, Semone de Beawor từng nói: “Một cô gái không phải sinh ra để làm phụ nữ, mà để trở thành phụ nữ”. Đúng thế, chúng ta không phải “làm” theo khuôn mẫu nào hết, chúng ta “trở thành” phiên bản của chính mình. Nếu vì nữ quyền mà chúng ta áp đặt cách ăn mặc, diện mạo, bản sắc cá nhân của ai đó thì có còn là nữ quyền?