Rhoda Rodriguez-Diaz, 21 tuổi, là sinh viên tâm lí học ở thành phố Leicester, Anh. Cô nổi tiếng trong trường bởi khả năng ngủ vi diệu. Một cái chợp mắt của nữ sinh có thể kéo dài tới 22 giờ mỗi ngày. Nữ sinh thường thức dậy để ăn đồ ăn vặt, uống nước và đi vệ sinh. Tuy nhiên, những điều này diễn ra trong khi cô bạn không thể ý thức được và nó giống như một giấc mơ khi ngủ.
Điều tồi tệ nhất là việc ngủ của nữ sinh có thể kéo dài tới ba tuần. Việc ngủ liên tiếp đã khiến cô bỏ quên các kỳ thi, bài kiểm tra. Kết quả, nữ sinh đã trượt năm thứ hai đại học sau khi ngủ qua kỳ thi cuối năm quan trọng của mình.
"Thật khó chịu khi mọi người gọi tôi là lười biếng", Rhoda giải thích. "Tôi đấu tranh để đối phó với những ảnh hưởng của việc ngủ. Thật là bực bội vì tôi không thể nào ngăn chặn những giấc ngủ".
Được biết, từ khi còn nhỏ, Rhoda đã được chẩn đoán mắc chứng tăng cường ngủ (hyperinsomnia) nhưng hóa ra bác sĩ đã lầm. Tháng 9/2018, các bác sĩ cuối cùng mới phát hiện ra sinh viên ngành tâm lý mắc Hội chứng Kleine-Levin - Người đẹp ngủ rất hiếm gặp, tỷ lệ mắc là 1/1 triệu người.
"Cuộc sống vẫn tiếp diễn trong khi tôi đang ngủ", cô giải thích. "Khi tôi thức dậy, tôi đau đớn nhận ra mình đã bỏ lỡ 1 tuần. Điều tồi tệ hơn là thật khó để giải thích cho người khác hiểu dù tôi có đấu tranh hoặc giải thích cỡ nào đi chăng nữa".
Rhoda nhớ lại: "Khi tôi lên bốn hoặc năm tuổi, tôi đã có thể ngủ hai hoặc ba tuần nhưng các bác sĩ không thể chẩn đoán đó là bệnh gì. Rất may, việc ấy chỉ xảy ra đúng 1 lần cho đến khi tôi 15 -16 tuổi, tôi ngủ ngày càng nhiều hơn và thường xuyên bị bạn bè trêu chọc".
Hội chứng hiếm gặp cũng khiến cô luôn cảm thấy mệt mỏi và không kiểm soát được cân nặng. Thời gian gần đây khi đã biết chính xác căn bệnh mình gặp phải, nữ sinh đã quyết tâm đương đầu với nó.
Ngoài ra, bạn bè cũng thường tìm cách hỗ trợ. Nhà trường cũng đã cho phép Rhoda học lại năm thứ 2, vì việc không đến lớp là do căn bệnh bất khả kháng.
- Hội chứng Kleine-Levin (KLS) là một rối loạn hiếm gặp khiến người bệnh thường xuyên buồn ngủ và có thể ngủ tới 20 giờ mỗi ngày
- Rối loạn này có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai, tuy nhiên, nam thiếu niên thường là đối tượng dễ mắc phải. Theo thống kê, khoảng 70 phần trăm những người mắc chứng rối loạn này là nam giới.
- Các triệu chứng phổ biến của bệnh bao gồm buồn ngủ cực độ và khó thức dậy vào buổi sáng. Ngoài ra, một số người còn có thể phải đối mặt với hiện tượng ảo giác, mất phương hướng, khó chịu, thèm ăn hoặc ham muốn tình dục quá mức