Trong nhiều trường hợp, thầy cô giáo hằng ngày còn tiếp xúc với học sinh nhiều hơn chính bố mẹ của học sinh đó. Vì vậy, không có gì là quá lời khi nói thầy cô có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giúp xây dựng tính cách, tư duy của trẻ em.
Tuy nhiên, nếu thầy cô có cách hành xử không phù hợp thì cũng có thể góp phần gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể tới học sinh của mình, mà trường hợp của một cô giáo ở Malaysia là một ví dụ.
Thầy cô giáo có vai trò rất quan trọng trong việc giúp xây dựng tính cách của trẻ em. Ảnh minh họa: Shutterstock. |
Mới đây, mẹ của một nữ sinh lớp 4 ở Malaysia đã chia sẻ trên mạng xã hội vụ việc liên quan đến con gái cô. Cô kể rằng, vài hôm trước, khi đến trường đón con thì nhìn từ xa đã thấy con khóc. Lúc cô con gái gặp mẹ thì càng khóc dữ dội hơn. Mẹ gặng hỏi thì cô bé kể rằng cô giáo đã nhiều lần chê em là “thừa cân” ngay trước mặt bạn bè. Ngoài ra, cô giáo hay so sánh em với các bạn khác. Chưa hết, cô giáo còn trêu “béo như em thì hết hy vọng lấy chồng”.
Bị chế giễu và so sánh nhiều lần, giờ cô bé không chịu được nữa nên mới khóc, kể với mẹ và nói không muốn đến lớp.
Nữ sinh bị bắt nạt nhiều lần bởi chính cô giáo mình. Ảnh: Kasihgoldputrajaya. |
Sau đó, người mẹ đã viết thư khiếu nại gửi tới hiệu trưởng nhà trường. Người mẹ kể rằng, hôm gặp hiệu trưởng, cả cô và con gái đều ấm ức nên òa khóc, khiến hiệu trưởng thậm chí còn không biết người bị bắt nạt là người mẹ hay cô con gái.
Nhà trường cho biết, cô giáo đã bị yêu cầu viết bản tường trình.
Nhưng không dừng lại ở đó, người mẹ quyết định đưa sự việc này lên mạng xã hội, như một thông điệp gửi tới cô giáo và tất cả mọi người về vấn đề chế giễu ngoại hình và bắt nạt người khác.
Người mẹ viết: “Ai cũng có cảm xúc và cũng muốn được khen ngợi, trẻ em cũng vậy”.
“Ai cũng có cảm xúc và cũng muốn được khen ngợi, trẻ em cũng vậy”. Ảnh minh họa: iStock. |
Bài đăng của người mẹ đã được xem hơn 300.000 lượt. Rất nhiều người thông cảm với nữ sinh, an ủi em, đồng thời chia sẻ những trải nghiệm của chính họ. Đa số đều đồng ý rằng, lúc bị bắt nạt và chế giễu ở trường là “một trong những thời điểm tồi tệ nhất cuộc đời”.
Ngoài ra, có những ý kiến rằng việc giáo dục về sự tôn trọng cảm xúc của người khác và chống bắt nạt phải được nhấn mạnh hơn nữa. Bởi có những việc mà nhiều bạn, thậm chí một số thầy cô, coi là “bình thường”, như nói những lời chê bai, mỉa mai, châm chọc, so sánh… thực ra cũng chính là bắt nạt và cũng có thể gây tổn thương, mất tự tin lâu dài.