Nước nghèo thúc giục các nước giàu giữ lời hứa chi 100 tỷ USD chống biến đổi khí hậu

0:00 / 0:00
0:00
COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Scotland. (Ảnh: Reuters)
COP26 đang diễn ra tại Glasgow, Scotland. (Ảnh: Reuters)
TPO - Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), nhiều nước đang phát triển kêu gọi những nền kinh tế lớn của thế giới thực hiện lời hứa từ nhiều năm trước về việc hỗ trợ tài chính để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu.

Các lãnh đạo thế giới, chuyên gia môi trường và nhà hoạt động có mặt tại hội nghị ở Glasgow đều cho rằng phải hành động quyết liệt để ngăn tình trạng ấm lên toàn cầu, đe doạ tương lai của hành tinh.

Nhiệm vụ khó khăn mà các nhà đàm phán phải đối mặt là việc Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) không đạt được đồng thuận về những mục tiêu mới tại cuộc họp thượng đỉnh vào cuối tuần qua ở Rome (Ý).

G20 chiếm tới 80% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính và carbon dioxide của cả thế giới. Đây là nguyên nhân chính khiến nhiệt độ toàn cầu tăng, làm tăng tần suất xảy ra những trận sóng nhiệt, bão lũ và hạn hán.

Bị chậm lại 1 năm vì đại dịch COVID-19, COP26 năm nay được kỳ vọng sẽ duy trì mục tiêu khống chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Để làm điều đó, thế giới cần những cam kết lớn hơn để giảm phát thải, dành hàng tỷ USD đầu tư cho các nước đang phát triển và hoàn tất quy định để triển khai Thoả thuận Paris năm 2015, sau khi đã được gần 200 nước ký kết.

Năm 2009, các nước phát triển cam kết chịu trách nhiệm chính cho tình trạng ấm lên toàn cầu bằng cách dành 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2020 để giúp các nước đang phát triển xử lý hậu quả.

Tuy nhiên, cam kết đó chưa được thực hiện, dẫn đến sự mất lòng tin và lưỡng lự của một số nước đang phát triển trong việc giảm phát thải.

Lần này, lãnh đạo các nước như Kenya, Bangladesh, Barbados và Malawi kêu gọi những nước giàu thực hiện lời hứa của mình.

“Số tiền mà các nước giàu cam kết dành cho các nước kém phát triển nhất không phải tiền quyên góp, mà là chi phí dọn sạch”, Tổng thống Malawi Lazarus McCarthy Chakwera phát biểu tại hội nghị.

“Cả châu Phi nói chung và Malawi nói riêng đều không nhận câu trả lời ‘không’. Không chần chừ thêm nữa”, ông nói.

Trung Quốc hiện là nước phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất thế giới. Trong phát biểu bằng văn bản gửi tới hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng các nước phát triển cần làm nhiều hơn nữa và hỗ trợ các nước đang phát triển làm tốt hơn.

Tuy nhiên, sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Ả-rập Xê-út có thể kìm hãm tiến triển mà COP26 có thể đạt được.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG