Theo TS Nguyễn Đăng Mậu, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng nông nghiệp, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, La Nina mang theo một số đặc điểm chính như nhiệt độ nước biển giảm: Nhiệt độ mặt nước biển ở khu vực trung tâm và phía đông của Thái Bình Dương trở nên lạnh hơn bình thường, thường là dưới mức trung bình.
La Nina thường gây ra những thay đổi lớn đối với thời tiết toàn cầu. La Nina có thể làm gia tăng số lượng và cường độ của các cơn bão nhiệt đới ở khu vực Đại Tây Dương, đồng thời giảm bớt hoạt động bão ở Thái Bình Dương. Các khu vực bị ảnh hưởng bởi La Niña thường phải đối mặt với các thách thức trong sản xuất nông nghiệp. Lũ lụt hoặc hạn hán, ảnh hưởng đến sản lượng mùa màng và an ninh lương thực.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
TS Nguyễn Đăng Mậu cho biết thêm, trong thời kỳ La Nina, thường xảy ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan trong đó gây ra các trận mưa lớn, có tác động mạnh mẽ đến cả môi trường tự nhiên và hoạt động kinh tế - xã hội. Thực tế ở miền Bắc nước ta, từ đầu mùa mưa tổng lượng mưa hầu hết đều cao hơn trung bình mọi năm từ 30-80%. Một số nơi còn cao hơn 80-100%.
Đưa ra cảnh báo tới các địa phương trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng phòng Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: "Đối với các tỉnh vùng núi phía Bắc, chúng ta phải chủ động ứng phó với mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét. Chúng ta cần phải có những biện pháp, đặc biệt cần nâng cao công tác tuyên truyền, kỹ năng hướng dẫn cho người dân cũng như các cấp chính quyền cơ sở; chủ động rà soát những khu vực dân ở, có nguy cơ rủi ro cao cần tổ chức di dời, khơi thông luồng lạch bị ách tắc... Khi có tình huống thiên tai xảy ra, các chính quyền địa phương cần túc trực, tăng cường lực lượng hướng dẫn, theo dõi, giám sát".
Cũng theo ông Nguyễn Văn Hải, đối với các tỉnh miền Trung và các khu vực khác nói chung, cần chủ động rà soát ngay phương án ứng phó với bão, lũ lớn, đặc biệt sự vào cuộc của tất cả người dân và chính quyền cơ sở đóng vai trò then chốt, đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng, chống thiên tai hiện nay.