Ôm vé BlackPink, kiếm lời từ 'thần tượng' không dễ!

0:00 / 0:00
0:00
TP - Không ít người ôm vé BlackPink phải thốt lên hai tiếng: “Tuyệt vọng”, bởi tình trạng đẩy vé khó khăn hiện tại. Trong cơn bĩ cực, họ tìm mọi cách cứu mình: Kêu gọi người thân, quen đi xem BlackPink; phát tờ rơi trong đó khẳng định vé của họ chính chủ, chấp nhận dẫn qua cổng mới nhận tiền, thậm chí có người còn cho phép mua vé BlackPink bằng hình thức trả góp… Kiếm lời từ “thần tượng” thật gian nan!

Từ giấc mơ có thật đến giấc mộng kinh hoàng

“Ôm vé ngày nào mất ngủ ngày ấy” là tâm sự một người đang muốn đẩy vé BlackPink. Ai cũng dự đoán 2 đêm (đêm 29, đêm 30/7/2023) của nhóm nhạc Hắc Hường tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) sẽ cháy vé khét lẹt. Vì thế khi vé được mở bán nhiều người cố gắng “ôm”, vừa để đi xem, vừa để kinh doanh. Một số người ôm vé bây giờ quay ra trách những người đưa Hắc Hường về Việt Nam đã đẩy vé quá cao, khiến việc bán vé không thuận lợi: “Chắc chắn khi ban tổ chức chọn Hà Nội là điểm dừng chân của BlackPink cũng đã “đo” lượng người hâm mộ nhóm nhạc này ở Việt Nam. Nhưng họ tự tin thái quá khi đẩy giá vé lên quá cao, cứ tưởng với mức giá nào khán giả ta cũng “đu” hết”, một vị lên tiếng.

Sự thể đã rõ, chỉ những loại vé có mức giá dễ chịu 1,2 triệu; 1,8 triệu; 3,8 triệu mới “sold out” (bán sạch) trên kênh bán hàng chính thống. Thực tế cũng chỉ thực sự “cháy” ở hạng 4 (1,8 triệu); hạng 5 (1,2 triệu). Còn hạng 3 (3,8 triệu đồng) tuy “cháy” trên web của ban tổ chức song ngoài chợ sang nhượng vé vẫn ê hề, thậm chí đến thời điểm này đã có dấu hiệu chịu hạ giá (so với giá gốc). Bây giờ không phải lúc người mua lo lừa đảo mà là lúc người bán bắt đầu không giữ được bình tĩnh, khi người mua chỉ hỏi mà không mua, hoặc đòi hạ giá quá mức, hay chỉ hứa hẹn mà không chịu chuyển khoản, không chịu đặt cọc.

Nhớ khi thông tin BlackPink dừng chân ở Việt Nam, nhiều người như không tin nổi đã thốt lên sung sướng: “Giấc mơ có thật”. Thế mà giờ đây giấc mơ có thật đã biến thành giấc mơ kinh hoàng. Rất nhiều tiếng than tuyệt vọng, rất nhiều tiếng kêu cứu từ người ôm vé BlackPink. Có một tài khoản viết những dòng “cười ra nước mắt” để rao bán vé trên nhóm sang nhượng vé Hắc Hường: “Lý do: Tại trẻ không lo học tiếng Anh đến nơi đến chốn, thấy “Black” trong “BlackPink” em lại dịch ra được mỗi “Đen” nên tưởng là Đen Vâu và thế là em mua vé. Đến giờ phát hiện ra là Đen Hồng chứ không phải Đen Vâu nên em muốn pass mấy cái vé”. Nhân vật này viết thêm: “Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt nên cắt lỗ sâu so với giá gốc”. Người bán ít khi chịu nhận ôm vé kiếm lời mà luôn bày đặt những lý do khác nhau, có người lấy lí do mua vé cho cả người yêu cuả anh trai mà chẳng may anh ấy vừa chia tay người yêu, bây giờ cần giải cứu anh ấy khỏi người yêu cũ nên mong “các bác hốt vé giùm tôi”.

Khó hơn “giải cứu” dưa hấu

Trong số những người ôm vé BlackPink có bao nhiêu người thật sự yêu mến nhóm nhạc này? Con số chắc chắn không ít. “Tôi theo dõi BlackPink từ khi họ debut (lần đầu tiên ra mắt) đến khi họ trở nên lẫy lừng như bây giờ. Tôi cứ nghĩ phải cháy vé trong phút mốt, không thể tưởng tượng BlackPink lại gặp hạn tại Việt Nam thế này”, người phụ nữ 36 tuổi, chưa chồng, thu nhập 9 triệu đồng/tháng chia sẻ. Cô đã bỏ bữa trưa để canh vé BlackPink, hớn hở vì săn được 4 vé hạng 3. Cô và người thân chỉ dùng 2 vé, 2 vé còn lại mang bán kiếm lời. Nhưng sau cả tuần rao bán tha thiết trên hội/nhóm sang, nhượng vé, rao bán cả trong khu chung cư cô đang ở, kêu gọi người thân, người quen “giải cứu” giùm đến nay 2 chiếc vé vẫn còn nguyên. Cô cảm giác bị bất lực: “Đã nghèo còn nghèo thêm. Đúng cảnh chó cắn áo rách. “Giải cứu” vé xem BlackPink còn khó hơn “giải cứu” dưa hấu”, người phụ nữ 36 tuổi than thở.

Ôm vé BlackPink, kiếm lời từ 'thần tượng' không dễ! ảnh 1

Chiếc búa hồng gây sốt

Cũng là fan của BlackPink nên cô gái ở Hà Nội tên Giang đã bỏ tiền đầu tư kiếm lời từ mấy chiếc vé hạng sang. Tuy không thu được lợi nhuận như mong muốn, song cô may mắn được người quen mua lại giúp, không lỗ vốn. Nhiều người ôm vé cho rằng, lúc này chỉ mong người thân, người quen “cứu”, trông chờ vào các nhóm sang nhượng vé chẳng khác “nằm chờ chết”, bởi người cần mua quá hiếm, người cần bán quá đông. Trong số những người tham gia chuyển nhượng vé BlackPink có những fan bự của nhóm nhạc này. Họ đã “đu” với BlackPink ở nước ngoài. Tất nhiên, đây cũng là những tay săn vé thiện nghệ. Họ không bỏ lỡ cơ hội để kiếm thêm chút ít. Ngay khi vé chưa mở bán, họ đã nhận đơn đặt hàng từ những người không tự tin với cuộc săn vé. Nhưng đến giờ này, người giàu kinh nghiệm săn vé và nhượng vé cũng kêu đau nửa đầu, tăng huyết áp.

Ôm vé BlackPink, kiếm lời từ 'thần tượng' không dễ! ảnh 2

Một số người gọi nhóm BlackPink là nhóm “gây khổ” sau ồn ào ôm vé

Thời công nghệ số, những phe vé truyền thống bớt “đất” làm ăn. Những cuộc săn vé trên mạng đã hình thành lực lượng phe vé thời vụ. Không phải đến BlackPink mới ồn ào việc sang nhượng vé. Ngay trước đó, liveconcert của Hà Anh Tuấn cũng gặp trường hợp tương tự. Ban tổ chức hô cháy vé nhưng các nhóm sang nhượng vẫn hoạt động rào rào. Hà Anh Tuấn được mệnh danh “ông hoàng hút vé” nhưng ôm vé liveconcert vừa qua của Hà Anh Tuấn khả năng kiếm lời không cao, thậm chí phải “pass” lỗ cả triệu đồng… Sát giờ diễn đêm cuối cùng của Hà Anh Tuấn tại Ninh Bình còn có người sẵn sàng tặng lại vé cho khán giả có nhu cầu xem.

Ôm vé BlackPink, kiếm lời từ 'thần tượng' không dễ! ảnh 3

TikToker Phạm Thoại “ôm” gần 100 vé BlackPink

Còn khoảng 2 tuần nữa mới đến đêm BlackPink. Người ôm vé mong gần đêm diễn vé sẽ cháy thật sự. Còn khán giả muốn đi xem nhưng chưa mua được vé lại ước, giá vé trên chợ sẽ rớt thảm hại để họ đỡ tốn tiền mà vẫn được xem “thần tượng”. TikToker Phạm Thoại yêu thích nhóm Hắc Hường nhưng lo không kiếm được tấm vé ưng ý, sợ cuộc săn vé quá khó khăn mà anh lại thiếu kinh nghiệm nên đã thuê mấy chục người cùng săn vé. Kết quả anh “ôm” gần 100 vé, đa phần là vé sang, với số tiền bỏ ra gần 1 tỷ đồng. “Đẩy” hết 100 vé là chuyện gần như không tưởng hiện nay nhưng Phạm Thoại không cuống cuồng, anh tuyên bố: Nếu không “đẩy” hết vé anh sẽ tặng cho bạn bè, đối tác, fan… Hiện trạng sang nhượng vé tùm lum hiện nay rõ ràng ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của nhóm BlackPink.

“Ôm” ống nhòm có hay hơn?

Ôm vé là hình thức kiếm lời từ “thần tượng” đang phổ biến hiện nay. Những liveconcert “hot”, bên cạnh trao đổi vé thì việc trao đổi quà tặng kèm vé cũng sôi nổi. Nhiều người săn lùng túi xách bằng vải đen trong liveshow Đen Vâu, có người mê bộ lịch chụp bên ngựa của Hà Anh Tuấn trong liveconcert “Chân trời rực rỡ”… Tất cả đều có thể tìm trên các nhóm sang nhượng vé. Còn thời điểm này áo hồng, áo đen đang được bán rầm rập trên mạng. Ngoài ra có fan BlackPink còn sẵn sàng cho mượn búa hồng để “quẩy” trong đêm Born Pink, miễn là chịu “hốt” vé giúp họ. Có những fan nhanh nhạy với kinh doanh, không “dại” ôm vé mà “ôm” ngay ống nhòm. Bán ống nhòm để xem thần tượng ở sân vận động liệu có dễ “thắng” hơn việc ôm vé?

Thứ không thiếu khi đi xem ca nhạc bây giờ là điện thoại sạc đầy pin. Không chỉ để chụp, quay những khoảnh khắc mình thích, cho riêng mình, mà còn có thể đưa chúng lên kênh YouTube riêng, nếu thu hút đông lượt xem có khi cũng kiếm chút ít lợi nhuận. Bây giờ không khó để theo dõi những buổi diễn của những “ngôi sao” trong nước như Lệ Quyên, Hồ Ngọc Hà, Hà Nhi… hay những giọng ca bolero đình đám như Như Quỳnh, Ngọc Sơn, Mạnh Quỳnh… dù họ diễn ở trong nước hay hải ngoại. Vì sẽ có những khán giả ở trong nước hoặc hải ngoại quay lại phần trình diễn ấy và đưa lên kênh của họ. Có người còn vào tận hội/nhóm của những người người ái mộ “ngôi sao” để mời chào xem phần biểu diễn của “thần tượng” trên kênh YouTube mà họ mới quay.

Hầu như các nghệ sỹ ở ta vẫn làm lơ chuyện này, bởi quá khó quản. Không phải một người, mà nhiều người đến xem chương trình đã cùng quay lại, cùng đưa lên YouTube. Tuy nhiên, hình thức câu view trên YouTube này của khán giả cũng gây hại không nhỏ cho nghệ sỹ. Quay màn biểu diễn của “thần tượng” bằng điện thoại thông minh, không đảm bảo về chất lượng hình ảnh, âm thanh mà vẫn tung lên YouTube, bị nhận “gạch đá” không phải người quay video, mà chính là người đứng trên sân khấu.

Hiện nay, ở những buổi diễn lớn ban tổ chức yêu cầu khán giả không quay video, chụp ảnh khi chương trình đang diễn ra, nhất là với những chương trình thu hình trực tiếp. Dù vậy, vẫn có những đoạn video quay trộm bị phát tán khiến những người làm nghệ thuật, giải trí hoang mang và phiền lòng. Đêm nhạc BlackPink dự đoán cũng khó tránh khỏi việc bị người hâm mộ quay kém chất lượng và đưa lên mạng.

Những hướng dẫn viên không thù lao

Không phải fan nào cũng mong hưởng lợi từ những buổi biểu diễn của “thần tượng”. Người viết bài này từng có mặt ở đêm diễn thứ 2 của Hà Anh Tuấn tại Ninh Bình đã chứng kiến có những fan của Hà Anh Tuấn sinh sống ở đây nhiệt tình chỉ đường cho khán giả, không lấy một đồng thù lao. Thậm chí, họ còn mời khán giả vào nhà để nghỉ chân, uống nước và vệ sinh cá nhân, khi biết họ vừa vượt một quãng đường xa để đến đêm diễn. Một fan của Hà Anh Tuấn chia sẻ: Những việc làm của họ tuy nhỏ bé nhưng là cách thể hiện tình yêu với “thần tượng” và tình yêu với quê hương mình.

Hai đêm nhạc của BlackPink tới đây sẽ thu hút không ít khán giả ngoại quốc đến với sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Đây cũng là dịp để fan BlackPink tại Việt Nam thể hiện tinh thần thân thiện với fan của Hắc Hường đến từ quốc gia khác.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...