Ông Cả Điền

Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
Minh họa: Vũ Xuân Tiến.
TP - Đinh Ngọc Sơn là một cái tên lạ, rất lạ. Tất nhiên, vì đây là những tác phẩm văn chương đầu tiên của một họa sĩ trẻ. Sinh năm 1992 tại Yên Lập, Phú Thọ. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2016. Hiện là hoạ sĩ tự do sống tại Hà Nội. Nhưng ngoài lúc cầm cọ. Đinh Ngọc Sơn “cầm bút” viết văn. Văn của anh hoạt, có những quan sát suy ngẫm rất đời, rất nhân văn. Hai truyện dưới đây đều rất ngắn, nhưng những điều gợi ra về cuộc sống con người, về thời thế thì không mỏng chút nào.             L.A.H

Tám rưỡi sáng đã nghe giọng ông cả Điền bô bô ngoài chuồng vịt, rồi lại có cả giọng ông Mão đế thêm vào. Rồi họ cười sằng sặc. Vừa nói trong tiếng cười nấc, trong đám bụi phân vịt và giữa những tiếng vịt kêu, giọng cười của họ vẫn sảng khoái lắm. Mặc cho mồ hôi đầm đìa trên mặt và rớt tong tỏng xuống vai áo đã đẫm màu. Và trong những tiếng thở hổn hển quện vào từng câu từ mà họ nói với nhau, tiếng cười vẫn sảng khoái và vô tư như không hề có những thứ nhớp nháp trần tục đang bám quanh người.

Ông cả Điền và ông Mão là cặp bài trùng ở cái làng này. Hầu như các công việc bốc vác nặng nhọc, hay đào đất, gánh phân trong làng họ đều có mặt, mà người ta thường gọi hai ông này cùng nhau. Đến ngày mùa hai ông cũng kiêm luôn cả việc gánh lúa thuê nữa. Nói chung là như ông Mão đã nói “bọn tao là cu li mà, cái gì chả làm được. Không khoẻ có mà chết à. Không phải lo!”.

Hôm nay hai ông được thuê xúc dọn phân vịt cho trại vịt giữa làng. Trại không lớn nhưng phải có hai người làm.

Tám rưỡi sáng nắng đã lên và hôm nay lại hơi oi nóng dù chỉ mới tháng hai. Cái mái bờ-lô khiến các ông mồ hôi mồ kê nhễ nhại, thỉnh thoảng lại phải đưa tay áo lên mặt quệt một cái. Chẳng biết câu chuyện bắt đầu từ đâu. Chỉ nghe ông Mão hỏi ông Điền “Ông bảo con vịt thì sống được bao năm nhỉ? Độ mười năm không?” “Hai năm là cùng, làm gì có ai để lâu hơn thế mà biết, tôi là cứ sáu tháng là nó thành bát tiết canh ngay!”- ông cả Điền trả lời, tay vẫn đang buộc dúm bao tải phân. Rồi ông Điền lại vặn lại ông Mão:

“Thế còn con trâu? Ông cho là bao nhiêu? Chắc phải ba mươi năm ấy nhỉ!”.

“Nếu chỉ ăn với nằm thì chắc cũng phải tầm ấy. Chứ cứ năm giờ sáng đã lôi nó ra đồng bắt nó kéo cày hùng hục đến trưa, roi thì cứ thế mà diệt vào đít xong tối về lại bắt nó nhai rơm thế kia thì có sức voi cũng chịu....” - xong hai ông lại cười ha hả.

Ông Điền và ông Mão, cứ gặp nhau là chuyện. Mà ông Điền thì cũng hay tếu táo. Toàn những chuyện không đâu, rồi cười hềnh hệch rất khoái chí. Cơ mà chuyện các ông rất có duyên làm người nghe cũng thấy thú, nghe hai ông bốc phét xong cũng thấy nhẹ nhõm hẳn.

Rồi cứ thế, những câu chuyện không đầu không cuối và dường như vô nghĩa kia hình như lại trao cho họ những sức mạnh kì lạ khỏi những mệt nhọc.

Ông cả Điền làm cu li ở làng suốt mấy chục năm nay. Nhà có ruộng nhưng mụ vợ thì chẳng tích sự gì ngoài việc mặc quần đùi và áo hai dây như lũ gái trẻ đỏng đảnh ở làng rồi suốt ngày lượn lờ để mang tai tiếng về cho ông. Thằng con ông học hết lớp mười một thì bỏ học xuống Hà Nội làm thuê mấy năm. Rồi nó về quê, đòi vào nam rồi đi mất dạng bao năm nay. Có một năm nó về mấy tháng rồi lại xin tiền ông để vào Tây Nguyên, nghe nói đi đào vàng. rồi chả thấy về nữa.

Một mình ông gánh tất. Hết mùa là ông lại đi làm thuê, ai thuê gì ông cũng làm. Nhưng giời thương, phú cho ông cái sức khoẻ nên được việc lắm. Lại nhiệt tình nên người làng có việc gì cũng thích mướn ông.

Ông Mão cũng khoẻ như ông Điền, lại hay nói hay cười thành thử hợp chuyện với ông Điền lắm.

Có buổi trưa nhàn rỗi ngồi uống nước chè với ông Mão bên cái chõng dưới gốc xoài nhà ông. Rít dài một hơi điếu cày, thong thả ông bắt đầu kể về cả Điền, người bạn già chí cốt của mình: “Hồi trẻ, cả Điền đẹp giai nhất nhì cái làng này. Chả bù cho tao, xấu từ xưa. Thế nên tao mới phải lấy bà Mão. Khà khà! Mà lão khoẻ nữa. Gái làng chả chết mê. Chỉ mỗi cái không biết chữ! Hồi đấy lão sang tận Phúc Khánh tán cái con mẹ...”.

Ông Điền từng có một thời trai trẻ, từng thề non hẹn biển với một người con gái. Cũng thắm thiết và say đắm như những người trẻ đã yêu. Và họ còn định lấy nhau nữa.

Nhưng thói đời là thế, khi yêu thề thốt cho nhiều thì kiểu gì cũng chẳng lấy được nhau.

Đúng thế thật. Ông phải đi lính. Ở lính ông được học chữ để viết thư cho người yêu. Lời văn thì cộc lốc, rồi còn sai chính tả. Nhưng ông vẫn vui, dù chỉ mỗi một lần nhận được thư trả lời. Chắc chiến tranh ác liệt mà thất lạc -ông nhủ vậy. Hơn hai năm sau ông được giải ngũ về quê, nhưng người phụ nữ của ông đã lấy chồng. Là một gã bợm nhậu và vũ phu đánh bà như đập bị. Ông đau lắm. Ừ nếu đó là lựa chọn của bà thì không sao. Khổ nỗi sau khi lấy vợ, ông lại vô tình biết được thư ông gửi cho người yêu đều bị gia đình giữ lại, sợ con gái già quá tuổi nên bắt lấy chồng sớm. Con gái nhà quê vào cái thời đó cũng chẳng thể phản ứng lồng lộn được như bây giờ, nên bà cũng cứ gật đầu thôi.

Sau khi lính về, ông Điền chẳng đi tán gái. Ông làm hợp tác xã, vì khoẻ nên ông toàn chọn những việc nặng, công cao mà được nhiều điểm. Trong làng có nhiều cô thích ông lắm mà còn thẹn. Duy chỉ có bà vợ ông là bạo, cứ gặp ở đâu là trêu ông lem lẻm. Có hôm còn qua tận nhà ông xay thóc hộ. Hôm thì quét sân hay giặt cho ông bộ quần áo bẩn bê bết. Thế rồi cũng xong.

Lấy chồng xong, những đức tính tốt trước đây của bà vợ ông biến đâu hết, chỉ mỗi thói đong đưa đàn ông thì còn giữ lại.

Ông Điền cứ làm quần quật cả ngày, rồi tối về ông vẫn phải xay thóc hay cho lợn ăn. Ông chẳng có thói vũ phu mà đánh cho bà vợ một trận, dù khi giận quá ông cũng tát cho mấy cái. Nhưng bà vợ chẳng vừa. Bà la lên như sắp bị cắt tiết. Ông lại thôi. Từ sau khi có con - là cậu Tân bây giờ - ông không bao giờ đánh vợ nữa. Ông cứ kiếm gạo còn vợ ông nuôi cho con ông lớn là được.

Nhưng ông vẫn nhớ đến người cũ, người đã in hằn thời trai trẻ của ông trong đó. “Bốn năm chứ có ít đâu. Lão yêu con mẹ đấy bốn năm rồi mới đi lính đấy. Giá mà mụ ý đợi được lão thêm mấy tháng nữa lão về. Có phải bây giờ ngon lành rồi không.” Ông Mão than vãn hộ. Ông lại nói thêm: “Có lần uống rượu với tao xong, lão còn moi cả ông bà Hựu lên mà chửi. Can tội giấu thư của lão. Tiếc chứ! Tao còn tiếc thay nữa là”.

Ơ làng, người ta quý ông Điền, vì ông hiền lành chăm chỉ mà được việc. Hay người ta thương hại ông, vì ông khù khờ đến ngu ngốc để cho mụ vợ leo lẻo lười chảy thây chả biết làm ăn gì ngoài việc cứ cắm sừng ông hết lần này đến lần khác. Nhưng người ta không nhìn thấy đằng sau con người cộc lốc tuệch toạc kia là một cuộc đời bất hạnh với đầy những nỗi khắc khoải. Hình như ông vẫn yêu dù cho ông tưởng trái tim già cỗi của mình không còn như thế nữa.

Ông cứ nheo cái bọng mắt nhăn nhúm của mình lại mà cười hềnh hệch như những kẻ vô tư lự, mặc cho thiên hạ cứ cho ông là kẻ khờ bị dắt mũi. Nhưng mỗi đêm, ông lại uống rượu. Một mình. Không còn những tiếng cười, không chửi đổng như lũ nát rượu trong làng, cũng không lè nhè than vãn. Uống xong ông lại ngồi thêm một lúc. Rít cái điếu cày đánh “roét” rồi nhả hơi khói vào khoảng không lờ mờ. Trầm ngâm như thể đó mới chính là ông, là cái cuộc đời câm lặng và lập loè của ông.

Người đàn ông cục mịch ấy cũng biết buồn. Cũng có những nỗi niềm đau đáu. Cuộc đời ông chỉ leo lét như ngọn đèn mà ông đang thắp với cốc rượu và ống điếu cày. Câm lặng và day dứt. Nhưng trong bao nhiêu lựa chọn như những gã yếu đuối kia, ông chọn cười. Ông cười vào mặt những nỗi đau, ông cười vào con mắt thương hại mà thiên hạ nhìn vào ông.

MỚI - NÓNG