'Phá băng' thu hút đầu tư ở Đắk Lắk

0:00 / 0:00
0:00
Ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, cùng những biến động khó lường của thị trường thế giới…, đã tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Trong vô vàn khó khăn ấy, Đắk Lắk đã nỗ lực “gợn đục khơi trong”, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư cho tỉnh nhà.

Nhiều lĩnh vực được nhà đầu tư quan tâm

Theo số liệu của UBND Đắk Lắk, trong 9 tháng qua, tỉnh tiếp nhận 91 hồ sơ đăng ký đầu tư, đã giải quyết và trả kết quả 57 hồ sơ, còn 34 hồ sơ đang tiếp tục giải quyết. Đến nay, Đắk Lắk đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 16 dự án, với tổng số vốn đầu tư đăng ký 1.194 tỷ đồng (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 6 dự án, nhưng số vốn đầu tư giảm hơn 10.000 tỷ đồng); điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 15 dự án (chủ yếu điều chỉnh tiến độ); thống nhất tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 2 dự án, đấu giá 1 dự án.

'Phá băng' thu hút đầu tư ở Đắk Lắk ảnh 1

Đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư tại Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2023

Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cơ quan có thẩm quyền thực hiện điều chỉnh cho 2 dự án FDI, trong đó có tăng tổng vốn đầu tư cho 2 dự án với giá trị 320 tỷ đồng (tương đương 14 triệu USD); thực hiện thủ tục góp vốn, mua cổ phần vốn góp của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị giao dịch dự kiến 27,045 tỷ đồng (tương đương 1,175 triệu USD). Lũy kế đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 26 dự án FDI, trong đó 22 dự án ngoài khu công nghiệp (KCN), với tổng vốn đăng ký 609,2 triệu USD (tương đương 13.541 tỷ đồng); có 4 dự án trong KCN, với tổng vốn đăng ký 73,2 triệu USD (tương đương 1.692 tỷ đồng).

'Phá băng' thu hút đầu tư ở Đắk Lắk ảnh 2

Nhà máy điện gió Ea Nam, Đắk Lắk

Ngoài ra, tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư tập trung triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2023, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn; phối hợp Bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện cho chương trình, dự án ODA hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả. Hiện nay, tỉnh đang thực hiện 6 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 2.325 tỷ đồng.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, một số lĩnh vực thu hút đầu tư của tỉnh được nhiều nhà đầu tư lớn quan tâm như phát triển đô thị, các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp,... Sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, cơ bản nhà đầu tư đã tích cực triển khai các dự án để sớm hoàn thành đi vào hoạt động, đúng với tiến độ cam kết; một số dự án lớn thuộc các lĩnh vực này bước đầu được triển khai với số vốn đăng ký đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng, cụ thể như các dự án điện gió tại các huyện Ea H’leo, Krông Buk, Krông Năng…; các dự án khu đô thị dân cư trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện, thị xã Buôn Hồ.

Làm tốt quy hoạch, đầu tư hạ tầng, cải cách hành chính

Theo đại diện Trung tâm xúc tiến đầu tư, thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đắk Lắk, thời gian qua, có hàng trăm lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh Đắk Lắk. Trong đó có những nhà đầu tư lớn như: Cty TNHH Cảng Vân Phong, Cty cổ phần Tập đoàn The Green Solutions...

Nhìn lại bức tranh thu hút đầu tư của tỉnh trong thời gian qua, dễ nhận thấy không được “sôi động” như những năm trước. Chia sẻ về công tác thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua, tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp năm 2023, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng, nguyên nhân của việc thu hút đầu tư giảm do sau đại dịch COVID-19, tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động. Chưa kể, thị trường bất động sản “đóng băng” trong thời gian dài đã ảnh hưởng đến tình hình thu thuế cũng như thu nhập của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 chưa được phê duyệt cũng ảnh hưởng đến tình hình thu hút đầu tư. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp lớn gặp khó khăn, trong khi doanh nghiệp nhỏ và vừa không tạo ra được dự án lớn... nên nguồn lực đầu tư cũng bị hạn chế.

Đề cập đến giải pháp để tạo chuyển biến trong công tác thu hút đầu tư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cho rằng cần làm tốt công tác quy hoạch. Đây là điều kiện tiên quyết, giúp xác định chuẩn xác vị trí và danh mục cần kêu gọi đầu tư. Tiếp đến, tập trung nguồn lực để đầu tư hạ tầng, giảm nhẹ chi phí logistic, nhất là đối với những dự án cho lĩnh vực nông nghiệp và chế biến chuyên sâu. Một giải pháp quan trọng nữa là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Ngoài ra, Đắk Lắk cũng kiến nghị Trung ương giải quyết một số vướng mắc liên quan đến các bộ luật, có nhiều nội dung chưa hợp lý, chồng chéo...

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk bày tỏ, tỉnh luôn đồng hành với doanh nghiệp, sẵn sàng sát cánh, chia sẻ, lắng nghe, cùng tìm cách giải quyết những khó khăn. Ông Nghị cũng yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thay đổi mạnh mẽ về thái độ, trách nhiệm, tác phong phục vụ công vụ, phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, tránh nhũng nhiễu, gây phiền hà khi người dân, doanh nghiệp cần...

TT XTĐT Đắk Lắk luôn nỗ lực hỗ trợ các tổ chức, DN, nhà đầu tư trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, thủ tục đầu tư; tiềm năng, thị trường, đối tác và cơ hội đầu tư; triển khai dự án sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Đồng thời, tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ giải quyết các đề xuất, kiến nghị, khó khăn vướng mắc của DN, nhà đầu tư.

MỚI - NÓNG