Những cuộc “canh tân” quy định trường
Vừa qua, trường Isca (Exeter, Anh Quốc) yêu cầu nam sinh mặc quần dài suốt mùa Hè dù thời tiết “leo thang” và luôn trên 300 C. “Tức nước”, các bạn nam sinh quyết định “vỡ bờ” bằng cách… mặc váy đến trường và phản đối quy định cứng này. Làn sóng “mặc váy đến trường” nhanh chóng lan rộng, ngày hôm sau có đến hàng chục nam sinh tham gia vào cuộc “nổi loạn” này và trở thành “cuộc cách mạng nội quy”. Cuối cùng, nhà trường đành phải chào thua và cho phép nam sinh được mặc quần soóc đi học.
![]() |
Ở trường trung học nữ Tainan (Đài Loan), vào đầu năm học, đột nhiên nhà trường bắt buộc nữ sinh phải mặc quần dài đi học. Các bạn ấy đã quyết định kêu gọi nhau để biểu tình qua tin nhắn. Sáng thứ Hai, khi chào cờ, các bạn vẫn mặc đồng phục như bình thường, nhưng buổi chào cờ vừa kết thúc thì hơn 1.600 nữ sinh thay quần dài, mặc quần soóc. Trước cuộc “nổi loạn” bất ngờ cùng với sự phản đối quyết liệt của các học sinh, nhà trường đành phải cho phép học sinh được mặc theo lựa chọn riêng.
Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) đã từng có nội quy học sinh phải mang cặp đen (cặp cứng) đi học, tuyệt đối không được mang ba lô, cặp chéo, cặp kéo hay bất cứ loại túi đựng nào khác. Không “quy phục” trước nội quy này, cô bạn Mỹ Hồng (cựu học sinh trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa) kể lại những năm tháng “đấu tranh” thế này: “Lớp tớ lúc ấy đồng loạt đeo cặp chéo đi học. Kết quả thì… đoàn kết là chết chùm.
Nhưng bạn Oanh cùng lớp vẫn không chịu thua, bạn í… mang bìa sơ mi đi học. Vì bạn cho rằng cặp cứng rất nặng và cồng kềnh, mang bao nhiêu sách vở đã trẹo vai rồi mà còn phải đeo thêm một “túi đá” sau lưng nữa thì mỏi lắm. Thế là bạn í bị mời phụ huynh. “Nhị vị quyền lực” không những không la mắng Oanh mà còn đem hẳn đến trường một tờ báo nói về tác hại của việc đeo cặp đi học. Thế là sau hôm “tiệc trà” căng thẳng đấy, cả trường được ăn mừng bằng quy định mới: Muốn mang gì đi học cũng được!”.
![]() |
Các bạn học sinh trường THPT Phước Long (TP.HCM) cũng phải mặc áo dài sáu ngày một tuần, chỉ riêng học sinh lớp 12 được mặc đồ tây. Bạn Tường Vi (cựu học sinh THPT Phước Long) kể: “Tớ đi học lúc giữa trưa, trời nắng gắt vậy mà phải mặc áo dài đạp xe. Vào tới lớp là tớ đã ướt đẫm mồ hôi. Lúc đó bọn con gái nhìn mấy bạn trai chạy nhảy, chơi đá cầu mà phát thèm, mặc áo dài chơi làm sao được. Rồi mấy bạn lớp 11 phát hiện ra trong nội quy chỉ yêu cầu mặc áo dài cùng quần dài màu trắng không nói rõ là dùng loại vải gì. Thế là trong trường rộ lên phong trào mặc áo dài với quần tây trắng, nhiều bạn còn đeo thắt lưng nữa. Vậy là giờ ra chơi, các bạn nữ vắt áo dài lên lưng quần, chạy nhảy vô tư. Cuối cùng không chịu nổi “xì tai” kinh dị này, nhà trường đã thay đổi quy định, cho phép nữ sinh mặc đồ tây và chỉ mặc áo dài vào thứ hai. Con gái trường tớ mở tiệc ăn mừng luôn”.
Công thức hoàn hảo cho một cuộc đổi thay
1. Chuẩn bị kỹ càng: Là những lập luận chặt chẽ về điểm vô lý của quy định. Bạn phải chắc chắn quy định này gây rắc rối và khiến nhiều “thần dân” trong trường phản đối nữa nhé! Nên chuẩn bị hẳn một văn bản về lý do cần thay đổi quy định này.
![]() |
2. Chìa khóa đàm phán: Bạn nên tìm cơ hội để bày tỏ “ước nguyện” của với các boss lớn của trường thông qua thư góp ý nè, tỉ tê với giáo viên nè, bày tỏ qua confession…
3. “Chiêu mộ lực lượng”: Lan truyền ý tưởng tới bạn bè xung quanh để thống nhất ý kiến. Lân la tìm sự đồng cảm, chia sẻ của một số thầy cô “trung lập”, phụ huynh.
4. “Ra quân” và chờ kết quả: Tạo sự thu hút cho kế hoạch của bạn, lan rộng ra toàn trường. Bạn nên tạo nên một mốt “độc lạ” thì sẽ càng được hưởng ứng nhiệt tình hơn!
“Cách mạng” với mục đích tạo ra cho học sinh tụi mình một môi trường học tốt hơn. Nếu như những quy định trong nhà trường không quá hà khắc hay ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các thần dân trong trường thì các bạn học sinh nên nghiêm túc chấp hành hơn là phản đối, một ngôi nhà yên bình vẫn vui hơn một ngôi nhà sục sôi tranh đấu phải không các bạn?
MÂY XANH