Một cách sử dụng thuốc trừ sâu thông minh và an toàn!
Sáng tạo của Nguyễn Duy (học sinh lớp 12 chuyên Lý, trường THPT Gia Định, TP.HCM) còn có tên là “thiết bị bay phun thuốc trừ sâu sử dụng sóng siêu âm - Flypot”. Sản phẩm dùng sóng siêu âm để khuếch tán thuốc trừ sâu vào không khí để tiếp cận và diệt sâu hại cây trồng hiệu quả hơn.
Bạn Nguyễn Duy cùng sáng tạo “Flypot”.
“Với quy trình lắp đặt và cách thức điều khiển thiết bị đơn giản, những người nông dân sẽ không cần vác bình thuốc trừ sâu nặng nhọc và cũng giảm tải được khả năng hít phải các chất hóa học nguy hiểm. Đặc biệt đối với các vườn cây, ruộng lúa có diện tích rộng lớn, thiết bị này còn giúp tiết kiệm thời gian phun thuốc và bảo vệ sức khỏe!”, Nguyễn Duy cho biết.
“Flypot” nhận được sự quan tâm của mọi người tại ngày hội Nhà sáng chế trẻ 2016.
Flypot của Duy có 2 bộ phận chính: Thiết bị bay để hỗ trợ việc phun thuốc trên không ở diện tích rộng và Buồng phun để khuếch tán thuốc trừ sâu thành sương. Từ khi có ý tưởng đến khi hoàn thành sản phẩm, Duy mất 3 tháng với kinh phí 6 triệu đồng.
“Flypot” sẽ giúp người nông dân hạn chế tiếp xúc với thuốc trừ sâu.
“Hiện tại, thiết bị của mình có khả năng bay tự động bằng định vị với quỹ đạo vẽ qua phần mềm, sử dụng một động cơ để tải cả 4 cánh quạt và dùng cơ cấu “servo” để thay đổi góc nghiêng của cánh quạt, thay đổi lực”, anh bạn chia sẻ.
Phát minh là tổng hợp kiến thức từ nhiều ngành
Sản phẩm của Nguyễn Duy giá thành rẻ và có các thành phần có thể thay thế được, phù hợp kinh tế người nông dân Việt Nam. Ví dụ, khi hết pin hoặc thuốc trừ sâu, hệ thống sẽ thông báo để thiết bị quay về trạm xuất phát thay pin và thuốc trừ sâu.
Cận cảnh sản phẩm “Flypot”.
Để sáng tạo ra được sản phẩm này, Nguyễn Duy gặp khó khăn nhất là về phần mềm vì anh bạn không giỏi lập trình. Duy chia sẻ: “Mình tìm được cách giải quyết bằng việc sử dụng “code” trên các trang nguồn mở để lập những thuật toán phức tạp cho việc điều khiển thiết bị bay. Chưa kể các khó khăn khi gia công và xử lý phần cứng. Tùy trường hợp, mình sẽ tìm hiểu thêm trên mạng, sách vở. Qua sản phẩm này, kiến thức riêng về môn Vật lý của mình tăng “level” nhanh chóng. Trong thời gian tới, nếu có điều kiện, mình hy vọng sẽ phát triển thêm thiết kế bảo hộ cho “Flypot” để chống chịu với môi trường ngoài trời”.
Nguyễn Duy giải thích cơ chế hoạt động của sản phẩm cho người xem.
Trong kỳ thi THPT Quốc gia sắp tới, Nguyễn Duy đang nỗ lực để thi vào ngành học mơ ước là “Vật lý Năng lượng”, của trường ĐH KHTN (ĐHQG TP.HCM).
AN HY - THẾ VINH