Phê bình né tránh, nhiều bộ phim còn hời hợt

TPO - Một số vấn đề cấp thiết trong xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật, tiêu biểu ở lĩnh vực điện ảnh được nêu ra tại Hội thảo khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới". 

Hội thảo khoa học toàn quốc Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị "Về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới" diễn ra ngày 19/12 tại Hà Nam, thu hút nhiều ý kiến, tham luận chất lượng, thẳng thắn của các đại biểu, chuyên gia, nhà quản lý.

Đoàn Chủ tịch gồm Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Nam Đinh Thị Lụa.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ khẳng định cuộc hội thảo là bước chuẩn bị quan trọng, có tính tổng kết để tư vấn, tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW. Những tham luận tại hội nghị bổ sung và hoàn thiện một bước đường lối, quan điểm của Đảng về phát triển văn học, nghệ thuật.

Phê bình né tránh, nhiều bộ phim còn hời hợt ảnh 1

Hội thảo Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị tổ chức ngày 19/12 tại tỉnh Hà Nam.

Khắc phục yếu kém của hoạt động phê bình nghệ thuật, tăng mức đầu tư cho văn học nghệ thuật, xây dựng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ... được PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu ra trong bài đề dẫn để các đại biểu, chuyên gia thảo luận.

Sản phẩm điện ảnh hời hợt, chờ các nhà phê bình

GS.TS Trần Thanh Hiệp - nguyên hiệu trưởng Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội có bài tham luận tâm huyết, thẳng thắn khi nhận định về sự phát triển khập khiễng của điện ảnh Việt. Ông đặt ra câu hỏi về sự né tránh trong phê bình nghệ thuật, dẫn đến thực trạng nhiều tác phẩm hời hợt, thiếu bản sắc, nhiều yếu tố vay mượn nước ngoài vẫn tung hoành tại các rạp phim.

Điện ảnh Việt đang thiếu bản sắc dân tộc, đó là thách thức lớn theo quan điểm của GS.TS Trần Thanh Hiệp. "Bên cạnh một số phim thành công ở mức độ khác nhau của điện ảnh Việt như Song lang, Cha cõng con, Hai Phượng, Ngày trở về, Truyền thuyết Quán Tiên, Bình minh đỏ, Đêm tối rực rỡ, Tro tàn rực rỡ... dòng chủ đạo của phim Việt vẫn là phim giải trí: phim ma, phim kinh dị, phim xác sống, phim đề tài đồng tính, phim hành động... Dường như thế giới có loại phim nào chúng ta ít nhiều đều có loại phim đó. Tuy vậy, nhiều phim thiếu chiều sâu nhân văn, thiếu bản sắc văn hóa Việt", ông nhận định.

Phê bình né tránh, nhiều bộ phim còn hời hợt ảnh 2

GS.TS Trần Thanh Hiệp khẳng định tầm quan trọng của lý luận phê bình đối với văn học nghệ thuật. Ảnh: NGỌC ÁNH.

GS.TS Trần Thanh Hiệp khẳng định lý luận phê bình là yếu tố không thể tách rời trong tiến trình phát triển của nền điện ảnh. "Nhưng thực tế lý luận phê bình điện ảnh ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đánh mất vai trò. Có chỉ tiêu đào tạo nhưng nhiều năm nay hầu như không có thí sinh thi vào chuyên ngành lý luận phê bình.

Phim đề tài lịch sử, đề tài cách mạng, đề tài chính trị... trên cơ sở học thuật chưa được mổ xẻ, phân tích sâu. Dường như có sự đứt gãy, né tránh", nguyên Hiệu trưởng ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội nêu thực trạng.

Ông lấy ví dụ về hai bộ phim lấy cảm hứng từ kiệt tác Truyện Kiều với cách tiếp cận khác nhau. Trong khi dư luận, báo chí có ý kiến trái chiều, tiếng nói cần thiết, có sức thuyết phục của các nhà lý luận phê bình lại thiếu vắng.

Nỗi sợ duyệt phim

Nhà thơ Hữu Việt - Trưởng Ban Văn hóa, Văn nghệ báo Nhân dân đề cập những vấn đề liên quan đến giải phóng sức sáng tạo của văn nghệ sĩ. Ông cho biết các nhà sản xuất và nhà làm phim có nỗi sợ với cơ quan duyệt phim.

"Họ nói gần như không một tác phẩm nào còn nguyên vẹn sau khi qua hội đồng duyệt, khiến nhà sản xuất hoang mang không biết phải làm thế nào với đứa con nghệ thuật của mình", nhà thơ Hữu Việt nói.

Ông khẳng định những nghị quyết của Trung ương nhiều năm gần đây về văn hóa, văn học nghệ thuật thể hiện sự đổi mới rất căn bản về tư duy văn hóa và lãnh đạo văn hóa của Đảng. "Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích lao động sáng tạo, đó là một điều kiện mang tính tiên đề rất quan trọng", ông nhấn mạnh.

Một loạt tư duy cũ trước đây cho là đúng, nay không đề cập đến nữa. Từ khi đổi mới đến nay ta không nói về chủ nghĩa hiện thực mà nhấn mạnh đến Tổ quốc, dân tộc, không nói là phục vụ cho nhiệm vụ chính trị, mà phục vụ cho lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của dân tộc. "Điều đó không có nghĩa là phủ định tính Đảng, mà là nhìn một cách rộng hơn, mở ra những biên độ lớn hơn cho sáng tạo", nhà thơ Hữu Việt nêu.

Nhà thơ Hữu Việt cho rằng giới văn nghệ sĩ phải nỗ lực đổi mới, sáng tạo, song song với việc lãnh đạo, người tham mưu trên lĩnh vực tự đổi mới mình, nâng mình lên để chính sách quản lý văn nghệ của Đảng và Nhà nước phát huy được tính tiên tiến, trí tuệ và ưu việt.

Nhắn nhủ tới các đại biểu, chuyên gia tại hội thảo, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu yêu cầu cấp thiết của văn học nghệ thuật. Đó là phải tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy, phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý.

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định văn học, nghệ thuật phải được xem là một nguồn lực quan trọng cho sự phát triển, đồng thời là sức mạnh nội sinh của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông đề xuất tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng và bố trí phù hợp đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Ông cũng nêu ý kiến cần tập trung đẩy mạnh thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng về văn học, nghệ thuật thành luật, cơ chế, chính sách và các quy định phù hợp thực tiễn, huy động nguồn lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam, tạo cơ sở xây dựng hệ giá trị văn học, nghệ thuật Việt Nam.

Phê bình né tránh, nhiều bộ phim còn hời hợt ảnh 3

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật luôn được tạo điều kiện tốt nhất để phát triển. Ảnh: NGỌC ÁNH.

"Phía trước chúng ta là dấu mốc 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 100 năm thành lập Đảng và hướng đến 100 năm thành lập Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đảng, Nhà nước đã, đang và sẽ luôn đồng hành, tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; đồng thời mong muốn và sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những phản biện, đóng góp xác đáng của đội ngũ văn nghệ sĩ", ông Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Chờ tác phẩm xứng tầm thời đại

Trao đổi với Tiền Phong, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự trông chờ các văn nghệ sĩ có những tác phẩm xứng tầm thời đại. "Tại Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III năm 1962, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quần chúng đang chờ đợi những tác phẩm văn nghệ xứng đáng với thời đại vẻ vang. Sau 60 năm, chúng ta chưa thực hiện tốt những lời Bác mong muốn".

PGS.TS Bùi Hoài Sơn đưa ra một số giải pháp để văn nghệ sĩ phát huy hết tài năng, cho ra đời những tác phẩm xứng tầm, bao gồm: khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ cho lĩnh vực văn học nghệ thuật, xây dựng hệ thống các cái giải thưởng hấp dẫn, đa dạng và chú trọng bồi dưỡng, đãi ngộ nhân tài và bảo vệ bản quyền tác phẩm.

Tin liên quan