“Phía Tây không có gì lạ”: Nói chuyện chiến tranh để yêu hơn hòa bình

TPO - Gần một thế kỷ kể từ khi cựu binh Erich Maria Remarque viết “Phía Tây không có gì lạ”, đây vẫn là cuốn tiểu thuyết phản chiến hay nhất mọi thời đại. Qua rất nhiều biến thiên của lịch sử, giá trị của cuốn sách liên tục được các nghệ sĩ nối dài bằng những phiên bản phim, kịch, nhạc... Mới đây nhất, “Phía Tây không có gì lạ” lần nữa trở lại màn ảnh rộng, và là một ứng viên nặng ký tranh giải Oscar lần thứ 95.

Tác phẩm bắt đầu bằng việc Paul Bäumer và những người bạn cùng lớp, những thanh niên mới 19, 20 tuổi bị giáo sư của mình thuyết phục gia nhập quân đội Đế quốc Đức để tham gia chiến tranh. Ra đi với hừng hực lửa trai và khát khao kiến công lập nghiệp, họ bị sự tàn khốc và ác liệt của chiến tranh mài giũa ngay từ những giây phút đầu tiên.

“Chúng tôi thấy những người bị mất sọ mà vẫn sống, chúng tôi thấy những anh lính đã bị đạn phạt bay cả hai bàn chân mà vẫn chạy, họ lảo đảo kéo lê những mỏm chân cụt rách đến tận hố đại bác gần đấy, một cậu binh nhất chống hai tay bò lết suốt hai cây số với một bên đầu gối vỡ nát; một cậu khác tự mò đến trạm cứu thương, hai tay ôm chặt đống ruột xổ ra lòng thòng, chúng tôi thấy những người không có mồm, không có hàm dưới, không có mặt, chúng tôi tìm thấy một người lính suốt hai giờ liền dùng răng kẹp chặt động mạch ở cánh tay để khỏi chết vì mất máu, mặt trời lên, đêm xuống, trái phá gầm rít, sự sống kết thúc”.

Tất cả họ đều mới chỉ là những kẻ đầu xanh đôi tám, bắt đầu yêu đời, yêu cuộc sống, thế mà đã phải học cách bắn vào cuộc đời.

Khi tự tay giết kẻ địch đầu tiên của mình, Paul chỉ thấy đau xót và hối hận: "Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu... Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau”?

“Phía Tây không có gì lạ”: Nói chuyện chiến tranh để yêu hơn hòa bình ảnh 1

Cuốn sách được dịch ra 25 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.

Suốt cả những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, các bạn bè của Paul lần lượt ngã xuống, họ chết đi khi chưa kịp trưởng thành. Khi ấy, từ các tướng lĩnh cao cấp cho đến các binh sĩ ở hàng thấp nhất như Paul chỉ còn nghĩ đến ngưng chiến và hòa bình mà thôi.

Tin là cuộc chiến sắp kết thúc, Paul vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. Sự hủy hoại của chiến tranh không chỉ dừng lại ở trong cuộc chiến, nó còn đeo đẳng người ta mãi mãi về sau. Đây là suy nghĩ của Paul: "Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng".

Cuối cùng Paul cũng không thể trở về. “Anh ta chết tháng mười, năm một nghìn chín trăm mười tám, trong một ngày khắp cả mặt trận yên tĩnh đến nỗi các báo cáo quân sự chỉ ghi là: “Ở phía Tây, không có gì lạ”.

Là một cựu binh Đức từng tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất, Erich Maria Remarque đã tái hiện những ký ức chiến tranh của mình dưới dạng hồi ký. Tác phẩm được ra mắt lần đầu năm 1928 trên một tờ báo của Đức và in thành sách vào năm 1929.

Chỉ trong năm xuất bản đầu tiên, Phía Tây không có gì lạ đã được ví với một quả bom nguyên tử vì sức ảnh hưởng và công phá mạnh mẽ của nó. 2,5 triệu bản in được bán ra, đồng thời, nó cũng được dịch ra 25 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới.

“Phía Tây không có gì lạ”: Nói chuyện chiến tranh để yêu hơn hòa bình ảnh 2

Phim điện ảnh Phía Tây không có gì lạ của đạo diễn người Đức được đề cử Oscar lần thứ 95.

Các nhà phê bình văn học nhìn nhận đây là một cuốn truyện hay nhất mọi thời đại về đề tài phản chiến. Năm 1930, tác phẩm trở nên nổi tiếng hơn khi được đạo diễn người Mỹ Lewis Milestone chuyển thể thành phim cùng tên và giành luôn hai giải Oscar quan trọng nhất của năm đó: Phim hay nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất. Sau đó, cuốn sách còn được chuyển thể thành phim truyền hình, kịch nói và tác phẩm âm nhạc.

Năm 2022, đạo diễn người Đức Edward Berger quyết định đưa cuộc chiến từ tác phẩm văn học trở lại màn ảnh rộng bất chấp cái bóng khổng lồ của Lewis Milestone án ngữ. Và thêm một lần nữa, nó lại gây chấn động lương tri nhân loại khi ngay từ những phân cảnh đầu tiên, người xem đã bị choáng ngợp bởi cảnh chiến trường tàn khốc với xác người xếp thành đống và với những phân xưởng khổng lồ tái chế quân phục (của binh sĩ đã chết) hoạt động bất kể ngày đêm.

Trả lời phỏng vấn của tờ Le Firago, Edward Berger nói rằng đối với ông, khi nói đến cả hai cuộc chiến tranh thế giới, với tư cách là một người Đức, không có gì đáng tự hào về phần lịch sử đó. Tất cả đọng lại chỉ là cảm giác tội lỗi, kinh hoàng và ý thức sâu sắc về trách nhiệm của dân tộc mình với quá khứ.

Phim cũng giành được thắng lợi lớn về mặt nghệ thuật khi nhận được nhận 14 đề cử tại giải BAFTA lần thứ 76, và 4 giải Oscar gồm: Quay phim xuất sắc nhất, Phim nước ngoài hay nhất, Thiết kế sản xuất xuất sắc, Nhạc phim gốc hay nhất.

Với độc giả người Việt, bản dịch Phía Tây không có gì lạ được Lê Huy dịch và giới thiệu từ năm 1962, NXB Văn hóa giới thiệu. Gần đây nhất, năm 2017, Phía Tây không có gì lạ tái xuất hiện với sự chuyển ngữ của dịch giả Vũ Hương Giang, NXB Văn học và Công ty cổ phần Văn hóa Đông A ấn hành.

Lời tòa soạn:

Từ giữa tháng 4/2023, báo Tiền Phong mở chuyên mục “Sách”. Với tinh thần Đọc sách & Sách đọc, chuyên mục chuyển tải thông tin thời sự của lĩnh vực xuất bản, giới thiệu và bình luận sách hay, chân dung tác giả, xu hướng đọc thời 4.0, người nổi tiếng đọc sách, tương tác với độc giả về sách hay và văn hóa đọc...

Mời độc giả đóng góp bài để chuyên mục thêm sinh sắc thông qua chủ đề Sách hay thay đổi đời tôi. Bài viết không quá 1.000 chữ, gửi kèm ảnh tác giả, tác phẩm và thông tin cá nhân về địa chỉ: banvanhoatp@gmail.com. Bài được chọn đăng sẽ được trả nhuận bút theo chế độ của báo Tiền Phong.

Tin liên quan