Phim Hàn Quốc: Chinh phục trời Tây bằng chiến lược đơn giản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2008, mang theo 50.000 USD, Bak Seung và đối tác sang chi nhánh của một đài truyền hình Hàn Quốc ở Los Angeles (Mỹ) để hỏi về cấp phép cho việc phát trực tuyến các bộ phim truyền hình Hàn Quốc. Họ gặp phải ánh nhìn đầy kỳ quặc.

Ngoài cộng đồng người Hàn Quốc, còn ai ở Mỹ muốn xem phim Hàn Quốc, lại còn phải trả tiền? Liệu khán giả Mỹ có muốn đọc phụ đề không? Phim phát trực tuyến sẽ thế nào? Đó là thời điểm vài năm trước khi Netflix ra đời và trở nên phổ biến. Thời điểm đó trước khi các album của BTS, phim Parasite (Ký sinh trùng) đoạt giải Oscar hay Squid Game (Trò chơi con mực) trở thành những sản phẩm văn hóa vượt khỏi biên giới quốc gia.

Phim Hàn Quốc: Chinh phục trời Tây bằng chiến lược đơn giản ảnh 1

Nữ luật sư kỳ lạ Woo Young Woo (Park Eun Bin vai chính) gây sốt gần đây là phim Hàn Quốc đầu tiên có nhân vật chính mắc chứng tự kỷ

Xuất khẩu văn hóa

Tuy nhiên, Bak và đồng nghiệp người Mỹ gốc Hàn Park Suk nhìn thấy nhu cầu xem nội dung Hàn Quốc trong thế giới nói tiếng Anh khá lớn và họ sẵn sàng chấp nhận dò dẫm đi trước. Người hâm mộ khi đó vẫn tải hoặc phát các chương trình vi phạm bản quyền. Nhóm của Bak tự tổ chức và phân công nhau dịch phụ đề các bộ phim tiếng Hàn cho người xem không biết tiếng Hàn.

“Chúng tôi nhìn thấy nhu cầu này tồn tại một cách tự nhiên”, Bak, người đồng sáng lập trang phim trực tuyến DramaFever, cho biết. Trang này sau đó được bán cho tập đoàn Nhật Bản SoftBank, rồi về tay Warner Bros năm 2016 với giá “9 con số”. Trang này không chỉ phát phim Hàn Quốc, mà cả các phim của Bollywood, Thổ Nhĩ Kỳ và Đông Âu. Nhưng không phim nào gây tiếng vang với khán giả như phim Hàn Quốc. “Làm sao mà một quốc gia nhỏ bé có thể tạo ra những cốt truyện mà nhiều người muốn xem?”, Bak nói.

Điều đó cũng xảy ra với K-pop, khi người hâm mộ bắt đầu ngấu nghiến các video âm nhạc và bắt chước điệu nhảy của họ trên YouTube. Điều đó cũng xảy ra với nhiều phim, khi Ký sinh trùng giành 4 giải Oscar, còn đạo diễn Bong Joon-ho và các nghệ sĩ Hàn Quốc khác được công nhận ở quy mô toàn cầu. Phim Trò chơi con mực cũng gây sốt toàn thế giới, khiến các thuật toán xếp hạng hết sản phẩm này đến sản phẩm khác của Hàn Quốc vào vị trí hàng đầu.

Sự thành công trong xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc là nhờ kết hợp các phương tiện truyền thông xã hội với các dịch vụ phát trực tuyến, phá vỡ rào cản về ngôn ngữ và biên giới văn hóa, trong thời kỳ ngành công nghiệp sáng tạo của Hàn Quốc phát triển vượt khỏi thị trường nội địa. Năm 2020, Hàn Quốc lần đầu đạt thặng dư thương mại trong bán bản quyền sở hữu trí tuệ liên quan nghệ thuật và văn hóa. Xu hướng này tiếp tục trong các năm sau.

“Với xu hướng công nghiệp hóa định hướng xuất khẩu sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, Hàn Quốc thực sự đã thiết kế mọi thứ để xuất khẩu, với chủ ý chiếm tình cảm của đa số”, John Lie, một nhà xã hội học tại ĐH UC Berkeley (Mỹ) và là tác giả một cuốn sách về K-pop, đánh giá.

Không kém World Cup

Đằng sau mỗi hiện tượng văn hóa Hàn Quốc khuynh đảo thế giới trong những năm gần đây là những giao lưu độc đáo giữa các dòng chảy. Trong K-pop, các hãng âm nhạc phối hợp nỗ lực để nhắm vào thị trường nước ngoài từ đầu những năm 2000. Họ thuê người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Thái Lan và người Mỹ gốc Á để tư vấn cho các ban nhạc và phát hành bài hát bằng nhiều ngôn ngữ. Một động lực quan trọng khác là lực lượng người hâm mộ có tính tổ chức cao mà K-pop tạo ra. Những đội quân hâm mộ này phát các video mới của nghệ sĩ lên mạng xã hội để tạo hiệu ứng lan tỏa.

Thành công của các bộ phim đi theo con đường khác. Mấy thập kỷ bảo hộ buộc các rạp phim Hàn Quốc phải dành hạn ngạch nhất định cho phim nội địa. Ngành điện ảnh nước này bắt đầu “cất cánh” sau khi chính phủ dừng kiểm duyệt từ năm 1995, tạo tiền đề cho một thế hệ đam mê điện ảnh chịu ảnh hưởng lớn của Hollywood. Đạo diễn Ký sinh trùng Bong Joon-ho và nhà làm phim Kim Jee-woon đều nói về ảnh hưởng từ xem những bộ phim trên AFKN, nơi chuyên phát phim cho binh lính Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.

Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc ban đầu lấn sân sang Nhật Bản, rồi Trung Quốc, trước khi trở thành hiện tượng trên khắp châu Á, tạo thành “làn sóng Hàn Quốc”, còn gọi là Hallyu. Tháng 10 năm ngoái, từ điển tiếng Anh Oxford bổ sung từ Hallyu vào phiên bản mới nhất của họ.

Phim Hàn Quốc: Chinh phục trời Tây bằng chiến lược đơn giản ảnh 2

Ký sinh trùng là phim được tìm kiếm nhiều nhất năm 2020

Với sự phổ biến của các nền tảng phim, phim Hàn Quốc tiếp cận khán giả phương Tây theo cách gây ngạc nhiên với cả những người tạo ra chúng. Các nhà sản xuất Hàn Quốc giờ tập trung hơn và áp dụng cách tiếp cận tích cực hơn để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường Mỹ. Điều đặc biệt gây tiếng vang là quan điểm chỉ trích xã hội thể hiện trong các bộ phim như Ký sinh trùng và Trò chơi con mực. “Đột phá quanh các phim, chương trình hay sản phẩm âm nhạc Hàn Quốc tạo nên nhiều bàn tán không kém gì những sự kiện thể thao lớn như World Cup hay Olympic”, Kim Yeon-jeong, trưởng bộ phận quản lý nội dung Hàn Quốc của Twitter, nhận định.

Một sản phẩm rất nổi gần đây là All of Us Are Dead (Ngôi trường xác sống) - bộ phim về đề tài thây ma di động (zombie) đã vươn lên vị trí dẫn đầu biểu đồ toàn cầu của Netflix với 125 triệu giờ xem chỉ trong tuần đầu tiên, và 236 triệu giờ xem trong tuần thứ hai. Nó trở thành phim không nói tiếng Anh thứ hai dẫn đầu thống kê của Netflix ở Mỹ, sau Trò chơi con mực.

Tháng 11/2021, CJ ENM, nhà sản xuất của Ký sinh trùng, và công ty mẹ Studio Dragon mua lại hãng Endeavor Content của Mỹ với giá 775 triệu USD. Thương vụ này đảo ngược thực tế trong nhiều thập kỷ trước, khi các nhà làm phim Hàn Quốc luôn sợ bị xóa sổ trước sự xâm nhập của phim Hollywood. “Hàn Quốc luôn ám ảnh với quyền lực mềm, với việc có tiếng nói trên thế giới. Sau Ký sinh trùng, chúng tôi nghĩ giờ đang là thời đại của mình”, Park Hyun, giám đốc toàn cầu của Studio Dragon - công ty đằng sau một số phim gây sốt nhất của Hàn Quốc, nói.

“Hàn Quốc luôn ám ảnh với quyền lực mềm, với việc có tiếng nói trên thế giới. Sau Ký sinh trùng, chúng tôi nghĩ giờ đang là thời đại của mình”

Park Hyun,

giám đốc toàn cầu của Studio Dragon - công ty đằng sau một số phim gây sốt nhất của Hàn Quốc

Chính phủ Hàn Quốc coi ngành công nghiệp giải trí là một động lực chính của nền kinh tế quốc gia, vì thế đã mạnh tay đầu tư vào nhiều phim. Mục tiêu của Hàn Quốc là trở thành nước xuất khẩu hàng đầu thế giới các sản phẩm giải trí và truyền thông.

Đầu tư qua các tập đoàn, tức chaebol, như Samsung, Daewoo, Huyndai… đang đóng vai trò lớn trong ngành công nghiệp phim ảnh của xứ kim chi. Sau khủng hoảng tài chính năm 1997, các tập đoàn mới như CJ Entertainment, Orion Group, và Lotte Entertainment vươn lên trở thành những cái tên lớn trong ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc. Netflix cho biết sẽ đầu tư 500 triệu USD trong năm nay để mở rộng các nội dung từ Hàn Quốc.

Năm 2021, doanh thu của ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đạt khoảng 1.020 tỷ won (763 triệu USD), với tổng số 804 phim được công chiếu, theo số liệu trên trang Statista. Trong khi đó, ngành công nghiệp âm nhạc của nước này mang về khoảng 10 tỷ USD, với các thị trường lớn gồm Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Đức, Anh, Nhật Bản, Pháp…

MỚI - NÓNG