Phim hay cho gia đình: Bắt đầu bằng bi kịch, kết thúc không bi thương

Phim hay cho gia đình: Bắt đầu bằng bi kịch, kết thúc không bi thương
HHT - Cùng khai thác đề tài hai gia đình nuôi nhầm con của nhau, nhưng "Like Father, Like Son" (Cha nào, con nấy) của đạo diễn Nhật Bản Hiroshi Koreeda, hoàn toàn khác biệt với các tác phẩm từ xứ Kim chi.

Bi kịch không bi thương

Ryota Nonomiya (Masaharu Fukuyama) là một doanh nhân thành công. Anh có cuộc sống bình yên với vợ và cậu con trai duy nhất Keita (Keita Ninomiya), năm nay lên 6. Một ngày nọ, họ nhận được lời mời của bệnh viện nơi Keita sinh ra, xin một cuộc gặp. Hai vợ chồng ngỡ ngàng khi được thông báo Keita không phải con ruột của họ, sau các xét nghiệm cẩn thận.

Do sai sót của người y tá, con ruột của họ đã đến ở với nhà Saiki, một gia đình lao động. Cả hai nhà hẹn gặp gỡ. Đó là lần đầu tiên họ gặp đứa con thật Ryusei (Shôgen Hwang), được nuôi nấng cùng các chị em khác. Giờ là lúc những người lớn phải quyết định số phận của hai đứa trẻ.

Phim hay cho gia đình: Bắt đầu bằng bi kịch, kết thúc không bi thương ảnh 1

Like Father, Like Son có tiền đề giống với Autumn In My Heart (Trái tim mùa Thu), bộ phim truyền hình Hàn từng làm mưa làm gió khắp châu Á đầu những năm 2000. Nhưng rất nhanh chóng, người xem nhận ra không khí khác biệt. Không hề có kịch tính hay các cao trào cảm xúc, không có nước mắt hay các hành động quá đà, các nhân vật trong phim đều bình tĩnh đón nhận bi kịch. Đường dây tâm lí được dẫn dắt hết sức chân thực: Hai gia đình đi từng bước chậm rãi, từ nhận thức hoàn cảnh, đắn đo, và đưa ra những quyết định.

Mọi thứ trong phim có thể được miêu tả bằng hai chữ “tinh tế”, ngay từ những phút đầu. Đạo diễn Koreeda, một trong những đạo diễn xuất sắc nhất Nhật Bản hiện tại, xây dựng lớp nền bằng các chi tiết và cách dẫn truyện khéo léo. Chỉ một cảnh người cha Saiki ngồi ăn ngấu nghiến trong cuộc gặp, đã cho thấy gia cảnh của ông. Sự tương phản chất lượng sống, văn hóa của hai gia đình, dẫn đến sự khác biệt trong tính cách con cái. Keita ngoan ngoãn, nhút nhát, trong khi Ryusei quậy phá năng động. Đâu là quyết định tốt nhất cho những đứa trẻ, và cả bố mẹ chúng?

Phim hay cho gia đình: Bắt đầu bằng bi kịch, kết thúc không bi thương ảnh 2

Điều quan trọng nhất là tiền bạc, hay tình yêu thương?

Sự xuất sắc của Like Father, Like Son, giúp bộ phim thắng giải Giám khảo cao quí của Liên hoan phim Cannes năm 2013, là ở chiều sâu của nó. Từ một tình huống khá khó khai thác, nhất là khi không còn mới mẻ hay đặc biệt, ông đã dệt nên vô vàn lớp lang và thông điệp đáng giá. Ở bề mặt, đó là câu chuyện về hai gia đình phải lựa chọn con cái. Sâu hơn nữa, là câu hỏi mang cả tính sinh học và giáo dục: Điều gì tạo nên mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái? Là huyết thống máu mủ hay quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ? Trong phim, các bà mẹ không hề phát hiện đã nuôi nhầm con. Họ cũng tự dằn vặt mình vì điều này.

Chủ đề sâu sắc, nhân văn, của bộ phim, rốt cục không phải là về những đứa trẻ. Like Father, Like Son là bộ phim đầy cảm thông về một người cha, Ryota. Chính xác hơn, là hành trình trở thành người đàn ông trưởng thành đúng nghĩa của anh. Ngay từ đầu, chúng ta thấy anh là một người chồng, người cha có phần xa cách. Mọi sự quan tâm Ryota dành hết cho công việc. Anh đối xử với vợ con theo đúng khuôn mẫu. Và dù không nhìn thấy, chúng ta cảm thấy có một bức tường vô hình chắn giữa anh và những người khác.

Phim hay cho gia đình: Bắt đầu bằng bi kịch, kết thúc không bi thương ảnh 3

Nhiệm vụ của Koreeda trong phim, là khiến bức tường ấy trở nên hữu hình. Và ông làm điều đó đầy xúc động và thấu hiểu. Có một đứa trẻ ích kỉ bên trong Ryota, đã khiến anh nghĩ ra ý định dùng tiền “mua” cả hai đứa con, và nhận về cái tát của nhà Saiki. Đứa trẻ đó có nguồn gốc từ quá khứ, trong những mối liên hệ khác với cha anh, về cách anh được giáo dục và bị đối xử. Chúng ta thấy được sợi dây liên kết giữa những người cha và con trai, ở nhiều thế hệ. Và tự bản thân người xem phải tìm kiếm câu trả lời, đâu là điều con trẻ cần nhất ở cha mẹ chúng? Tiền bạc, vật chất, điều kiện đủ đầy? Hay là tình yêu thương?

Like Father, Like Son vẫn giữ được phong cách đặc trưng của Koreeda. Chậm rãi, tinh tế, sử dụng các góc quay đầy sức mạnh và chứa đựng dụng ý. Chúng ta không có cảm giác đang xem một bộ phim, mà giống như đang ngồi trước một ống kính soi chiếu vào cuộc đời người khác. Ở đó, mọi thứ đều chân thật, như hơi thở. Và đây đó, trong những cảnh phim tưởng chừng thật bình dị, thật giản đơn, không có chút cao trào nào, vậy mà nước mắt lại thật dễ dàng rơi.

HOÀI NAM

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

I-LAND 2 tập 1: LE SSERAFIM bị "triệu hồi" trong bài đánh giá của thực tập sinh

HHT - I-LAND 2 đã chính thức khởi động với tập đầu tiên lên sóng vào tối 18/4. Một trong những ca khúc được chọn đánh giá thí sinh là "UNFORGIVEN" (LE SSERAFIM). Vô tình lên sóng giữa làn sóng tranh cãi hát live của nhóm nữ nhà Source Music, phần trình diễn của các thực tập sinh (TTS) được đặt lên bàn cân so sánh.