Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tách, nhập địa giới hành chính phải đúng điều kiện, tiêu chuẩn

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Về kiến nghị của cử tri Hậu Giang liên quan đến vấn đề tách, nhập địa giới hành chính, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: "Bộ Chính trị đã có kết luận rất rõ ràng, cử tri yên tâm, khi đã tách hay nhập là phải đúng các điều kiện, tiêu chuẩn".

Ngày 30/9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV tại thành phố Vị Thanh.

Tại hội nghị, bà Lê Thị Thanh Lam – Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang thông tin đến cử tri nội dung làm việc của Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Kỳ họp dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 23/10/2023, bế mạc 29/11/2023, chia làm hai đợt, đợt 1 từ 23/10-10/11, đợt 2 từ 20/11-29/11.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 9 dự án luật, 2 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến 8 dự án luật; các vấn đề về tình hình kinh tế - xã hội năm 2023; xem xét báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ; chất vấn và trả lời chất vấn…

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tách, nhập địa giới hành chính phải đúng điều kiện, tiêu chuẩn ảnh 1

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi với cử tri tại hội nghị. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Tại buổi tiếp xúc, cử tri Mai Viết Thành (phường 5, thành phố Vị Thanh) đề cập đến vấn đề tách/nhập, điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương. Theo ông, vấn đề này suy cho cùng là tinh gọn bộ máy, tiến tới chuyển đổi số, chính quyền số… nhưng cần cân nhắc.

Ông Thành lấy ví dụ tỉnh Hậu Giang được chia tách năm 2004 (Cần Thơ lên thành phố trực thuộc T.Ư và thành lập tỉnh Hậu Giang - PV). “Không khéo tới đây diện tích và dân số Hậu Giang không đạt chuẩn thì lại sáp nhập. Mà cái tên Hậu Giang thân thương, tình cảm, đã đi vào âm nhạc. Xin đại biểu Quốc hội kiến nghị đừng tách, nhập nữa. Cá nhân tôi xin kiến nghị Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội nên có ý kiến thấu đáo…”, cử tri Thành kiến nghị.

Liên quan đến ý kiến này, phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là ý kiến rất tâm huyết của cử tri, là vấn đề lớn được Đảng và Nhà nước quan tâm.

Theo ông Mẫn, Quốc hội đã ban hành nghị quyết sáp nhập địa giới hành chính với mục tiêu tinh gọn bộ máy, sắp xếp hợp lý, quản lý hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; đồng thời siết chặt quản lý, tránh tiêu cực, bố trí sắp xếp cán bộ…

“Bộ Chính trị đã có kết luận rất rõ ràng, cử tri yên tâm, khi đã tách hay nhập là phải đúng các điều kiện, tiêu chuẩn…”, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội: Tách, nhập địa giới hành chính phải đúng điều kiện, tiêu chuẩn ảnh 2

Cử tri phát biểu ý kiến tại hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Về đến vấn đề đất đai mà cử tri quan tâm, ông Trần Thanh Mẫn cho biết, đây là vấn đề nóng, nhạy cảm. Luật Đất đai sửa đổi sẽ được thông qua tại kỳ họp tới đây, đồng bộ với đó là sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và một số luật liên quan.

Luật Đất đai là luật quan trọng nhất trong đợt này, mong rằng sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của người dân", ông Mẫn cho hay.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao những kết quả đạt được sau 20 năm thành lập tỉnh của Hậu Giang như: Kết cấu hạ tầng, giao thông có sự thay đổi đáng kể; kinh tế được tập trung chuyển đổi có nhiều bước phát triển; là một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, một điểm sáng của Đồng bằng sông Cửu Long; công tác xóa đói giảm nghèo có nhiều nỗ lực cố gắng, giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo…

Ông Trần Thanh Mẫn đề nghị Hậu Giang phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời lưu ý quan tâm, quyết liệt hơn trong công tác giải ngân đầu tư công, thu ngân sách… Tỉnh cần huy động cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025; quan tâm công tác xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quyết liệt trong chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục đào tạo, phát triển du lịch, phòng chống dịch bệnh…

MỚI - NÓNG