Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 22/2, UBND tỉnh Đồng Tháp công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa cho biết, quy hoạch tỉnh Đồng Tháp lựa chọn phát triển hài hòa ba trụ cột: Kinh tế - Xã hội - Môi trường. Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, nằm trong nhóm đầu về chuyển đổi số; một trong những trung tâm sản xuất nông nghiệp và chế biến nông sản của vùng ĐBSCL; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện và hấp dẫn; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, con người; duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá ảnh 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trao quyết định quy hoạch và tặng hoa lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp.

Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp định hình không gian phát triển thông qua cấu trúc 4 vùng kinh tế - xã hội, 3 hành lang kinh tế, 4 đô thị trung tâm. Đây được xem là cấu trúc phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực trung tâm và biên giới, giữa đô thị và nông thôn. Bên cạnh đó, sẽ nâng cao được vai trò, tầm quan trọng của sự hiệp đồng, hỗ trợ, bổ sung lẫn nhau giữa các ngành kinh tế; giữa nông nghiệp, công nghiệp, và dịch vụ trong cơ cấu nền kinh tế; lấy kinh tế nông nghiệp làm động lực để tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ.

Tỉnh Đồng Tháp đề ra 4 nhóm mục tiêu về kinh tế, xã hội, môi trường và quốc phòng, an ninh; với 18 mục tiêu cụ thể. Trong đó, có mục tiêu về kinh tế với tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân từ 7-7,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 160 triệu đồng/năm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá ảnh 2

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, bản quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá; tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và bền vững.

Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Đồng Tháp; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Đồng Tháp phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội với các trụ cột như: Phát triển công nghiệp chế biến ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo; phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu đồng bộ, hiệu quả; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm...

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp được xây dựng với tư duy đột phá ảnh 3

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tặng hoa các nhà đầu tư.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh Đồng Tháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Trung ương. Đồng thời, huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả. Trong đó ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối Đồng Tháp với các địa phương trong khu vực, cả nước và quốc tế.

Thu hút nguồn lực nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái, bền vững với các sản phẩm trọng tâm là thủy sản, trái cây, lúa gạo gắn với các cụm ngành nông, lâm, thủy sản, các trung tâm đầu mối; phát triển du lịch đặc trưng vùng sông nước trở thành ngành mũi nhọn, gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên và các giá trị văn hóa – lịch sử.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng lưu ý địa phương cần tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động; nâng cao năng lực cạnh tranh của các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn.

MỚI - NÓNG