Vận động theo kiểu ép buộc
Theo nhiều phụ huynh có con học ở trường THPT Nguyễn Đổng Chi phản ánh đến báo Dân trí, trong năm học 2018-2019, nhiều lần nhà trường tổ chức họp phụ huynh thông báo về việc vận động xã hội hóa để xây tượng đài Giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Số tiền vận động đề ra là 650.000 đồng/học sinh đang theo học tại trường.
Trong các cuộc họp, nhiều phụ huynh đã phản đối về mức tiền mà nhà trường đề ra vì họ cho rằng đây là tiền đóng nộp tự nguyện nên ai có bao nhiêu thì nộp, tùy vào hoàn cảnh của từng gia đình học sinh chứ không thể cào bằng với mức cao như thế được. Tuy nhiên, những ý kiến chính đáng của phụ huynh vẫn không được nhà trường chấp nhận.
Đơn cử như gia đình anh Phan Văn Ph. (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) hoàn cảnh khó khăn, vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, cuộc sống chủ yếu bám trụ vào mấy sào ruộng và những đồng tiền ít ỏi từ việc anh Ph. đi làm phụ hồ. Anh có 2 con theo học tại Trường THPT Nguyễn Đổng Chi, dù khó khăn nhưng các khoản đóng góp cho các con ăn học theo quy định, vợ chồng anh vẫn thực hiện đầy đủ.
Tuy nhiên, theo anh Ph., khi nhà trường họp phụ huynh vận động nộp tiền xây tượng đài, anh đã xin được miễn giảm nhưng nhà trường nhất quyết không đồng ý, thấy một số người đã nộp, con lại học cuối cấp, sợ có vấn đề gì nên vợ chồng anh đành cắn răng nộp cho 2 cháu số tiền 1.300.000 đồng.
“Đã nhiều lần tôi đề xuất với cô chủ nhiệm của con và nhà trường giảm tiền nộp nhưng đều không được. Một phần vì con học cuối cấp, thương con bị nhắc lên nhắc xuống, cuối cùng tôi nói với vợ nhịn ăn bớt mặc để đóng cho con khỏi tội” - anh Ph. kể.
Không những thường xuyên bị gọi lên, nhắc nhở mà theo một số phụ huynh có con học cuối cấp, khi chưa đóng số tiền trên, nhà trường làm khó không cấp giấy dự thi tốt nghiệp cho các em.
Như trường hợp chị Nguyễn Thị H. (có con là Nguyễn Văn H., học sinh lớp 12G, trường THPT Nguyễn Đổng Chi) vì con học cuối cấp nên nhiều lần chị nói với cô chủ nhiệm xin cho cháu nộp một nửa số tiền mà nhà trường vận động nhưng cuối cùng đến ngày gần thi (ngày 15/6), chị đành phải đưa cho con số tiền 650.000 đồng để con lên nộp cho Kế toán trường để nhận giấy dự thi.
“Tôi đã nói với cô giáo chủ nhiệm cho cháu nộp một nửa, tuy nhiên cô bảo cô lên xin thầy hiệu trưởng nhưng thầy không đồng ý. Lo con không được nhận giấy thi tốt nghiệp nên tôi phải vay mượn cho con đưa tiền đến nộp cho nhà trường. Tôi không hiểu vì sao đây là tiền vận động mà nhà trường cứ ép buộc như vậy?” - chị H. bức xúc.
Về việc bắt nộp tiền mới cho nhận giấy dự thi, em Nguyễn Văn H. cho biết, ngày 14/6, em lên lớp học ôn để thi, cô giáo đưa danh sách những bạn nộp đủ tiền thì được lấy giấy dự thi, còn những bạn chưa nộp thì không được lấy.
“Ngày 15/6, em đưa tiền lên nộp và cũng xin cô Kế toán nộp một nửa nhưng cô nhất quyết không chịu nên em phải nộp 650.000 tiền xây tượng đài và mấy chục ngàn tiền sáng tạo khoa học kỹ thuật mới được nhận giấy dự thi” - em H. kể.
Được Sở giáo dục cho phép?
Liên quan đến việc vận động xây tượng, ông Nguyễn Đức Hạnh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đổng Chi cho biết, kế hoạch xây dựng tượng đài đã có từ rất lâu rồi và Giáo sư D.T.Q. (học trò của cụ Nguyễn Đổng Chi) có nhã ý muốn có công trình tưởng niệm Giáo sư Nguyễn Đổng Chi tại ngôi trường mang tên cụ.
“Vì ông Nguyễn Đổng Chi là thầy dạy của ông D.T.Q., thứ hai là ông Huệ Chi là con trai của cụ Nguyễn Đổng Chi họ có ý định làm như thế. Vì nguồn kinh phí là xã hội hóa cho nên trường phát động cán bộ, giáo viên, học sinh phụ huynh và các đơn vị khác quyên góp, ai có bao nhiêu thì tùy tâm của mình bấy nhiêu để làm” - ông Hạnh nói.
Ông Hiệu trưởng cho rằng, ông D.T.Q. vận dụng chương trình “Giọt đồng dựng tượng doanh nhân” để làm chứ ông không tài trợ bằng tiền, còn về phía phụ huynh học sinh không phải là một nguồn riêng để xây dựng tượng đài.
“Trong cái gọi là vận động xã hội hóa, thực hiện theo văn bản của Bộ và của Sở, cái đó đã được Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đồng ý cho vận động tài trợ. Theo văn bản quy định thì có người có người không, ai được bao nhiêu thì đóng góp, đó là tiền của dân chứ trường cũng không ấn định đóng góp bao nhiêu” - ông Hiệu trưởng nói.
Khi chúng tôi thắc mắc việc mỗi phụ huynh đều đóng góp 650.000 đồng thì ông Hạnh cho rằng, nhà trường không quy định như vậy, có những phụ huynh nộp ít hơn cũng có.
Còn về việc nhà trường giữ giấy dự thi tốt nghiệp của học sinh khi chưa nộp tiền xây dựng tượng đài, ông Hạnh khẳng định, hoàn toàn không có việc đó.
Ông Hạnh cũng cho biết, trường có 876 học sinh, năm học 2018-2019 nhà trường được cho phép vận động số tiền 550 triệu đồng, hiện đã vận động gần đủ, số tiền xây dựng tượng đài là trên dưới 300 triệu đồng, phần còn lại để phục vụ cho mua sắm thiết bị cơ sở vật chất.