Phụ nữ nên cảnh giác chứng đau nửa đầu

Phụ nữ nên cảnh giác chứng đau nửa đầu
TP - Bệnh đau nửa đầu (còn gọi là hội chứng Migraine) là bệnh chủ yếu gặp ở nữ giới (khoảng 75%), lứa tuổi mắc bệnh thường từ 35 - 45 tuổi.

> Bệnh nấp bóng
> 18 dấu hiệu bạn mắc bệnh đau nửa đầu Migraine

Bệnh tuy không nguy hiểm (ngoại trừ các thể đặc biệt của Migraine có biến chứng thần kinh) nhưng ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và khả năng lao động.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Đau nửa đầu Migraine là một trường hợp đặc biệt thuộc nhóm nhức đầu mạn tính có nguồn gốc rối loạn nguyên phát ở não và cho đến nay vẫn chưa biết một cách chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh.

Đau nửa đầu có nhiều dạng. Có thể bị đau nhiều ở một bên hoặc cả hai bên đầu, ở vùng thái dương. Đau, nhức dữ dội kéo dài có khi vài ba tiếng, có khi cơn đau kéo dài vài ba ngày. Cơn đau đầu có khi giật giật giống như nhịp đập của mạch máu.

Mức độ và tần số đau nửa đầu không giống nhau ở mỗi một người. Kèm theo có thể có buồn nôn, nôn, chóng mặt, cứng gáy, mệt mỏi, hay cáu gắt vô cớ và rối loạn giấc ngủ.

Đau nửa đầu tăng lên khi xuất hiện ánh sáng chói chang hoặc tiếng ồn ào ở cường độ mạnh (tiếng nhạc, tiếng trống rền vang...) hoặc căng thẳng tinh thần.

Bệnh rất dễ tái phát và mỗi lần tái phát thường làm cho người bệnh rất khó chịu, chóng quên và có thể gây rối loạn tiêu hóa, tiểu tiện.

Khi cơn đau nửa đầu tái phát có thể có dấu hiệu báo trước như tim đập mạnh, nhanh, hoa mắt, chóng mặt.

Lý do đau nửa đầu có thể do thiếu hụt lượng serotoin trong máu bởi chất này có tác dụng co các động mạch lớn và giãn các động mạch nhỏ, vì vậy làm giảm lượng máu lưu thông về não bộ gây nên đau nửa đầu.

Đau nửa đầu Migraine có thể gây biến chứng nguy hiểm như nhồi máu não do Migraine, co giật do Migraine.

Cần khám bệnh định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời bệnh đau nửa đầu là rất cần thiết. Cần loại bỏ các yếu tố nguy cơ là một trong các biện pháp giúp hạn chế bệnh đau nửa đầu xuất hiện hoặc tái phát.

Khi mắc một trong các bệnh về tai, mũi, họng, răng, bệnh nhiễm khuẩn, thoái hoá cột sống hoặc bệnh về huyết áp cần điều trị tích cực.

Nên chọn chế độ ăn thích hợp và năng vận động như đi bộ, bơi, chơi cầu lông, tập các động tác thể dục nhẹ nhàng để chống béo phì, chống bệnh huyết áp thấp.

Cần vệ sinh răng, miệng, họng hàng ngày. Nếu vì stress thì nên tìm mọi cách khống chế và loại trừ nó, ví dụ như làm tăng thêm giấc ngủ, đi nghỉ ngơi, tìm bạn bè thân thích trò chuyện, đến câu lạc bộ đọc sách, báo, truyện, nếu có điều kiện thì đi du lịch cùng gia đình, bạn bè.

PGS. TS. Bùi Khắc Hậu

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG