Tính đến năm 2017, xóm chài Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội) có 24 hộ dân sau cuộc vận động “lên bờ” của chính quyền thành phố Hà Nội. Đây là nơi những lao động không chốn dung thân đến từ khắp các vùng miền trên cả nước. Họ sống trong nhà bè bằng gỗ, nhỏ hẹp và nổi lềnh bềnh trên mặt sông nhờ những thùng phi buộc cố định phía bên dưới. Quanh năm suốt tháng tháng, những căn nhà tạm bợ vẫn cứ trôi nổi như số phận của những con người nơi đây.
Những ngôi nhà tạm bợ, đơn sơ ở xóm chài Phúc Xá.
Cuộc sống khó khăn, khó cả từ cái nghề kiếm sống. Đàn ông khỏe mạnh thì đi bốc vác, đàn bà thì buôn đồng nát mưu sinh. Dù nghèo khổ cùng cực, nhưng thật kỳ lạ khi người dân ở đây lại tích cực “đầu tư” vào thuốc lá.
Miệng ngậm điếu thuốc, mắt đau đáu nhìn về phía con sông, cô Trần Thị P. bình thản nói: “Cứ hút thôi, ngày nào cũng hút. Thói quen rồi, ở đây ai cũng thế. Chán lắm, hút nó thành quen”.
Cô P. là người quê ở Nam Định, ly dị chồng được gần 30 năm nay. Cậu con trai duy nhất đã ngoài 30 tuổi, vừa mới bỏ vợ và sống cùng mẹ ở xóm chài này. Hàng ngày, cô P. đi buôn đồng nát còn anh con trai thì chỉ ở nhà chơi, rất hiếm khi đi làm phụ giúp mẹ. Cái nghèo, cái khó đeo đuổi trong từng giây phút khiến cô vừa kể vừa liên tục thở dài.
Cô Trần Thị P. vừa nói, vừa phì phèo hút nốt điếu thuốc dở trên tay.
Cô P. tìm tới khói thuốc lá để “xoa dịu” cuộc đời nghèo khổ, khó khăn của mình. Dù chẳng có tiền ăn nhưng cô vẫn có tiền để mua thuốc lá.
“Cháu có tiền không? Cho cô xin mấy đồng để cô lên chợ mua ít thuốc bôi. Cô đau người quá, đau mấy hôm nay rồi!”, cô P. bỗng dưng nhìn tôi chằm chằm và hỏi.
Người phụ nữ ấy ốm yếu vì kiếm sống và vì chính những điếu thuốc đang đỏ rực trên môi. Cô sẽ dành tiền để mua thuốc lá chứ không có chuyện cai thuốc lá để chữa bệnh. Bởi với cô thì thuốc lá đã trở nên thiết yếu như cơm ăn, áo mặc mỗi ngày.
So sánh tỉ lệ hút thuốc lá của nam giới và nữ giới vào năm 2010 và 2015.
Không chỉ cô P. mà những người khác cũng vậy, họ hút để đỡ căng thẳng, đỡ mệt mỏi và đôi khi là vì... để cho nhanh hết ngày. Có người hút thuốc đã 10 năm, có người hút từ thời còn là thiếu nữ, hút tới nghiện nên chẳng thể nào bỏ được. Hoặc họ biết mình có thể bỏ, nhưng điều đó chẳng thể nào thay đổi được cuộc đời và số phận của mình... và rồi, họ lại hút!
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm ở Việt Nam có tới 40.000 người chết do các bệnh liên quan đến thuốc lá, gần gấp 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ. Thuốc lá thực sự là một vấn nạn!