Sự việc bắt nguồn từ việc nữ sinh Y. (lớp 7, trường THCS Ngô Mây, huyện Tuy An, Phú Yên) lên Facebook, tự xưng là học sinh lớp 8 của trường THCS & THPT Võ Thị Sáu (xã An Ninh Tây, huyện Tuy An, Phú Yên) và gọi 3 nữ sinh L., Q., A. học lớp 8 của trường THCS Ngô Mây bằng em, xưng chị.
Từ mâu thuẫn này, mà khoảng trưa ngày 15/3, ba em L., Q., A. kêu Y. vào nhà vệ sinh của trường rồi đánh hội đồng em Y. Hậu quả là Y. tụ máu bầm vùng thái dương, vùng tai trên. Lúc đánh Y., Q. đưa điện thoại cho một học sinh khác trong trường quay clip. Chiều tối 15/3, clip này được tung lên Facebook, sau đó lan truyền…
Mức độ lan truyền của clip này nhanh một cách chóng mặt và đa phần tất cả mọi người đều tỏ thái độ phẫn nộ, đau lòng với vụ việc trên.
Khi PV liên hệ với em Y., là nạn nhân trong clip trên để tìm hiểu nguyên nhân vì sao không nhờ các bạn hỗ trợ, tại sao em không phản kháng lại thì câu trả lời em đưa ra là: “Không thể phản kháng vì quá nhiều chị đánh và nếu phản kháng thì có thể bị đánh nhiều hơn. Còn lúc bị đánh có rất nhiều bạn ở đó, nhưng các bạn cũng sợ bị liên lụy nên cũng chẳng ai dám can ngăn…”.
Sau khi sự việc xảy ra, công tác hỗ trợ cho em Y. được cả nhà trường vào cuộc. Đồng thời tự kiểm điểm lại trách nhiệm của từng thầy cô giáo.
Thầy Nguyễn Ngọc Thu - Hiệu trưởng Trường THSC Ngô Mây nói: "Tôi rất đau lòng khi để sự việc như vậy xảy ra tại trường. Để chấn chỉnh việc này, nhà trường đã mở Hội đồng kỷ luật xử lý vi phạm 3 em L., Q., A. với hình thức là buộc thôi học một tuần.
Còn về phía nhà trường thì các thầy cô đã cùng nhau ngồi lại để tự kiểm điểm, qua đó tìm cách để tránh tình trạng tương tự xảy ra. Đến nay hội đồng nhà trường thống nhất cử một số giáo viên tiếp tục làm công tác tư vấn về mặt tâm lý cho các em học sinh; giao giáo viên chủ nhiệm cần bám sát tình hình lớp hơn nữa. Bên cạnh đó, nhà trường sẽ liên tục phân công giáo viên đưa đón học sinh qua những đoạn đường vắng vẻ”.
Ngoài việc quản lý, giáo dục tại nhà trường thì cha mẹ nên thường xuyên quan tâm, gần gũi con để nắm được những khó khăn con gặp phải mà có các biện pháp xử lý sớm.
Bà Huỳnh Phạm Ái Thi, Giám đốc Trung tâm Công tác Xã hội tỉnh Phú Yên cho rằng: “Các em đang tuổi lớn, lứa tuổi nổi loạn. Do vậy, cha mẹ phải gần con để nắm bắt những vẫn đề con đang gặp để giải quyết cùng con. Không nên để sự việc vỡ lở ra thì mới quan tâm thăm hỏi.
Về phía nhà trường, có thể thành lập tổ tư vấn, hỗ trợ các em mỗi khi các em có vấn đề khó nói. Để từ đó mà cùng chia sẻ những vấn đề lo lắng. Khi nắm bắt được tâm tư, chúng ta có thể biết được giúp các em cái gì, ngăn chặn cái gì…”.