Khi nhắc đến Pinocchio, hầu hết khán giả sẽ nghĩ ngay tới cậu bé người gỗ lí lắc với chiếc mũi dài ra mỗi khi nói dối, đặc biệt là phiên bản đáng yêu với đôi mắt xanh lơ kinh điển do Disney tạo nên trên màn ảnh vào năm 1940. Thế nhưng, Pinocchio của Guillermo del Toro chắc chắn sẽ viết lại một định nghĩa khác trong tâm trí khán giả với một câu chuyện vừa huyền ảo vừa thực tế đến ám ảnh.
Ánh sáng nhân văn hiếm hoi giữa một thế giới đen tối và lạnh lẽo
Đây vẫn là câu chuyện kinh điển về người thợ mộc già người Ý nọ tên Geppetto (David Bradley lồng tiếng) tạo nên một chú rối gỗ và ước nó trở thành một cậu bé thật. Thế nhưng trong thế giới mà đạo diễn Guillermo del Toro tạo nên, sự tàn phá của chiến tranh và mong ước tuyệt vọng của ông lão Geppetto tội nghiệp không khỏi khiến khán giả phải quặn lòng bởi những mất mát đã khiến ông bệ rạc theo năm tháng.
Thế rồi vào một đêm, tinh linh rừng (Tilda Swinton lồng tiếng) đã đáp lại lời thỉnh nguyện của người thợ mộc già khi ban cho chú rối Pinocchio (Gregory Mann lồng tiếng) một linh hồn và để cho chú dế nhà văn Sebastian J. (Ewan McGregor lồng tiếng) - người đã chứng kiến mọi chuyện - làm người trông coi và hướng dẫn cậu bé người gỗ trở thành một người tốt.
Giống như mọi phiên bản, Pinocchio vẫn là một cậu bé đang tập làm người, vẫn là một đứa trẻ ngây thơ và ngỗ nghịch không thể tránh khỏi những cám dỗ của thế giới bên ngoài và che đậy nó bằng những lời nói dối có thể khiến mũi dài ra. Thế nhưng, nước Ý khi đó - thời đại đen tối khi chủ nghĩa phát xít được khai sinh - đã khiến cậu bé phải trưởng thành sớm hơn vì tính khắc nghiệt mà nó gây ra. Dẫu vậy, chính sự trong sáng và lòng tốt xuất phát từ trái tim của Pinocchio đã làm bừng lên ngọn lửa hy vọng cho những người xung quanh cậu giữa một thế giới lạnh lẽo.
Khác biệt nguyên tác nhưng vẫn giữ được cái hồn của “Pinocchio”
Pinocchio của Guillermo del Toro vẫn giữ được nhiều chi tiết kinh điển đã làm nên biểu tượng của cậu bé người gỗ, từ sự khai sinh của cậu, một chú dế luôn tót đi theo để làm “lương tâm” nhắc nhở cậu, âm nhạc cuốn hút được biểu diễn cực kỳ tự nhiên mà không hề gây sượng như nhiều tác phẩm thời nay, cho đến cuộc chiến với con cá nhám khổng lồ giữa đại dương, hay đặc biệt là tình thương giữa cậu và người cha Geppetto... Thế nhưng, mọi thứ đều được tăng sức nặng tuyệt đối bằng những mâu thuẫn mang tính thực tế cao giữa các nhân vật, gây ra bởi tác động thời cuộc.
Thêm vào đó, việc lược bớt một số nhân vật cũ như chú mèo Figaro, cô cá vàng Cleo hay thậm chí là gã cáo già John Thật Thà và tên mèo gian xảo Gideon đã tạo thêm nhiều đất diễn cho các nhân vật chính. Thay cho những nhân vật này, việc thêm thắt các nhân vật mới như tay bá tước Volpe (Christoph Waltz lồng tiếng), chú khỉ Spazzatura (Cate Blanchett lồng tiếng) hoặc thay đổi nguồn gốc và vai trò của một số nhân vật đã tạo sự khác biệt nhưng lại rất đỗi hay ho cho câu chuyện dị bản về cậu bé người gỗ.
Đặc biệt, việc biến tấu câu chuyện thành bối cảnh thời phát xít ngột ngạt là để đề cao sự tự do, quyền con người, nền hòa bình và lên án nặng nề những tội ác của chiến tranh bằng nhiều lối phê bình chính trị dí dỏm. Mặc khác, tác phẩm nghệ thuật mới nhất của vị đạo diễn The Shape of Water và Pan’s Labyrinth còn mạnh mẽ vạch trần nạn bạo hành trẻ em và bạo hành động vật. Lạ lẫm và sâu xa hơn, việc du hành cõi chết của Pinocchio hết lần này đến lần khác còn giúp cả cậu lẫn khán giả phải nhiều lần rơi nước mắt khi nhận ra sự quý giá của cuộc sống và thời gian, và rằng sự bất tử có khi lại chẳng phải là một món quà như người ta thường nghĩ.
Cuộc phiêu lưu của Pinocchio qua lời kể của Guillermo del Toro có thể mang tính nặng nề hơn những gì Disney hay những phiên bản hoạt hình khác từng tạo nên. Thế nhưng, chính những sự sâu lắng dị biệt đó lại tạo nên một giá trị mới của nghệ thuật và biến phiên bản Netflix của cậu bé người gỗ trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh xuất sắc nhất của năm 2022.