Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới

Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới
HHT - Kỹ năng nói chuyện trước đám đông (còn gọi là thuyết trình/ public speaking) ngày càng trở nên quan trọng. Bạn không có tiền, chưa có danh tiếng, chỉ có ý tưởng? Để bật lên giữa đám đông, kỹ năng thuyết trình tốt sẽ giúp bạn!

Điểm trừ của giới trẻ Việt

Dù kỹ năng nói trước đám đông là vô cùng quan trong, nhưng kỹ năng này dường như vẫn chưa được chú trọng trong trường lớp ở đất nước mình. Phương Du (trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) kể: “Hồi học cấp Hai, mình nhát lắm, vì tất cả các buổi thuyết trình đều là cầm giấy đọc. Có bao nhiêu chữ là đem vào hết trong slide. Thầy cô cũng không chỉ cách thuyết trình đúng, vì thật ra thầy cô cũng thường dạy theo cách đem bài giảng vào slide rồi đọc cho chép. Nên khi lên lớp 11, có lần làm bài thuyết trình nhóm, mình là người làm cả nhóm phải thuyết trình lại để gỡ điểm vì hoàn toàn “đứng hình” khi cô không cho phép cầm giấy đọc”.

Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới ảnh 1

Các tiết thuyết trình trong lớp thường sẽ là lúc các bạn ở dưới tranh thủ làm việc riêng, và mọi người chỉ chú ý lắng nghe khi tới lượt nhóm mình.

Có nhiều lý do khiến “khoảng cách trái tim” giữa bạn và khán giả ngày càng xa nhau. Điểm trừ lớn nhất là vì slide thuyết trình quá nhiều chữ. John Medina (nhà sinh vật học người Mỹ) chỉ ra: Con người chỉ nhớ được 10% đoạn văn bản sau 3 ngày, trong khi đó có thể ghi nhớ tới 65% (gấp 6,5 lần) thông tin bằng hình ảnh. Thế nhưng, các bài thuyết trình của giới trẻ nhà mình thường lại chứa quá nhiều chữ, ít hình ảnh, và thông tin toàn số liệu hoặc các kiến thức “khó nhai”, xa lạ, không có gì gây tò mò.

Thanh Lê (ĐH Northeastern, Mỹ) chia sẻ: “Khi mới qua Mỹ, mình cũng khá “sốc” với kiểu thuyết trình ở đây. Vì hồi ở Việt Nam, mình chỉ thuyết trình theo trình tự thông tin có sẵn trong sách giáo khoa. Sang đây, thông tin mình phải tự “xào” lại theo cách hiểu riêng, rồi sau khi thuyết trình xong còn bị thầy và các bạn chất vấn “tơi tả”. Mới đầu thì mình thấy khó, nhưng sau này thì quen rồi, trên thực tế nó cũng có ích cho công việc hiện tại của mình là điều hành một công ty nhỏ ở Mỹ, rất cần kỹ năng truyền đạt ý tưởng và kỹ năng phản biện các chất vấn của người khác”.

“Thủ thuật” để có một bài thuyết trình “hớp hồn” khán giả

Một nghiên cứu của tờ báo Wallstreet Journal đã cho thấy: “Nói chuyện trước đám đông là nỗi sợ hãi lớn nhất của con người. Nỗi sợ chết chỉ đứng thứ hai”. Nỗi lo lắng này còn có cả tên riêng là glossophobia nữa cơ. Thế nhưng nỗi sợ này hoàn toàn có thể được khắc phục nếu bạn nắm được các “mẹo” “nhỏ nhưng có võ” sau:

Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới ảnh 2

Mẹo vặt 1: “Bắt mạch” cảm xúc khán giả

Đầu tiên, khoan hãy nói về ý chính của bài. Thuyết trình cũng giống như bạn đang cố gắng bán hàng, để bán được hàng, điều đầu tiên bạn cần biết khách hàng muốn gì, để bạn bán đúng món hàng khách đang tìm kiếm. Anh Tú (sinh viên Tâm lý, trường ĐH New Mexico State, Mỹ) kể: “Ở Mỹ, tớ học được cách “xây dựng tháp nhu cầu” cho mỗi bài thuyết trình. Mỗi lần thuyết trình, bọn tớ nhìn vào bài trong sách, thấy cái gì thu hút nhất, hoặc có tính thời sự nhất thì đem lên nói đầu tiên để có được sự chú ý, phản hồi của khán giả trước”. Khi đã thu hút được khán giả, bạn bắt đầu có thể nói những vấn đề khác trong bài.

Mẹo vặt 2: “Lật mâm”

Để bài thuyết trình của bạn “đi vào lòng người”, bạn cần xây dựng các “cao trào” như một kịch bản phim vậy. Bản chất con người là thích kịch tính, theo Anh Tú, bạn cũng có thể “lợi dụng” đặc điểm này để khiến bài thuyết trình sinh động: “Mỗi chủ đề thuyết trình đều phải gồm ba ý chính: Ý thu hút mở đầu (như đã nói ở trên), ý thứ hai, và một ý cuối cùng mang tính phản biện (để làm tăng độ “kịch tính” cho bài nói chuyện). Tức là, khi trình bày về một chủ đề, bạn không chỉ nêu ra các lập luận phục vụ cho quan điểm mình đồng tình, mà bạn còn phải nêu ra quan điểm mà bạn không đồng tình, và giải thích tại sao bạn không đồng tình với ý kiến đó”.

Tuy nhiên, bạn cũng nên cẩn thận rằng sự “lật mâm” này không phải là để gạt bỏ mọi ý kiến khác mình, khăng khăng là mình đúng. Bạn chỉ nêu quan điểm cá nhân, kèm theo các bằng chứng hợp lý để thuyết phục khán giả là được.

Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới ảnh 3

Mẹo vặt 3: Phát “tờ rơi”

Handouts (tài liệu liên quan đến bài học, phát cho các thành viên trong lớp) là “hạng mục” thường bị giới trẻ Việt bỏ qua khi thuyết trình, trong khi học sinh phương Tây lại luôn tận dụng để bài thuyết trình của mình không bị “bơ” một cách “oan uổng”. Bởi vì không cần biết bài thuyết trình của bạn hay đến đâu, nếu nhóm khác không biết bạn đang nói về cái gì, họ rất dễ mất tập trung. Đây cũng là cách mà các thầy cô trong các trung tâm Anh ngữ thường dùng: Hạn chế để học sinh ghi chép mà sẽ in trước bài giảng, phát cho học sinh để các bạn biết bố cục bài và tiện theo dõi và đặt câu hỏi.

Mẹo vặt 4: Cứ tự nhiên và “nguyên chất”

Nhiều người nghĩ, nói chuyện trước đám đông rất áp lực, nên phải “gồng”, trở thành một người khác, phải dùng ngôn từ “đao to búa lớn”. Thực chất, những bài thuyết trình của TEDTalk thành công và mô hình này được nhân rộng khắp thế giới bởi lẽ mọi người thuyết trình đều kể câu chuyện riêng, thô sơ, “nguyên chất” của mình. Chỉ có câu chuyện của bạn là duy nhất, không ai bắt chước được, và chỉ có mình bạn mới kể câu chuyện của bạn một cách đầy cảm hứng và chân thật nhất.

Bài diễn văn tốt nghiệp ở ĐH Reed (Mỹ) của Steve Jobs từ năm 2005 đã đạt 8 triệu lượt xem, vì câu chuyện của ông chân thật, trái ngược với những gì “long lanh” về những người thành công: Ông từng nổi loạn, không có tiền đóng học phí, không biết cần làm gì với cuộc đời mình, bị đuổi khỏi công ty mình lập ra… 

Public speaking được hiểu là “nói chuyện với đám đông”, để phân biệt với “trả bài trước đám đông”, ở chỗ bạn cần đối thoại, trò chuyện với đám đông. Tức là, bạn hãy cứ là bạn, và nói chuyện với bên dưới. Ngay khi bắt đầu buổi thuyết trình, hãy thể hiện sự tương tác với khán giả bằng những câu hỏi đơn giản như: “Hôm nay bạn cảm thấy như thế nào?”, hay “Bạn có thể đoán ra hôm nay tôi sẽ nói về đề tài gì không?”, để cho thấy sự “thỉnh cầu” người nghe, thay vì vừa cầm mic đã thao thao bất tuyệt về một chủ đề học thuật nào đó, vì nó cho thấy bạn không có vẻ gì là “đang đối thoại, cần có người lắng nghe”.

Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới ảnh 4

Anh Tú kể: Ở Mỹ, thầy cô khuyến khích sinh viên không cầm giấy khi thuyết trình để mọi người nói những gì mình thật sự nghĩ, tránh việc bị rập khuôn. Qua cách diễn giải riêng của người thuyết trình, tính cách, nét riêng của người đó được bộc lộ, “có bạn đam mê chủ đề mình đang nói quá mà bò lên cả bục giảng để diễn tả”, đó cũng là điều khiến cho khán giả cảm thấy thu hút.

Mẹo vặt 5: Giọng nói đầy “uy lực” 

Theo chuyên gia âm thanh Julian Treasure, mọi người có xu hướng bỏ phiếu nhiều hơn cho những nhà chính trị gia có giọng nói truyền cảm, trầm ấm, tạo cho người khác cảm giác quyền uy, tràn đầy sức mạnh. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama là một ví dụ điển hình. Nhờ có giọng nói tràn đầy sức mạnh, ấm áp, sử dụng từ ngữ tinh tế, kết hợp với cách nói chuyện khéo léo, ông đã chinh phục hàng triệu “trái tim Mỹ”. 

Khi đang nói đến một vấn đề “gay cấn”, bạn có thể đẩy nhanh giọng nói của mình hơn. Hoặc khi bạn cảm thấy mọi người đang xao lãng, hãy nói to hơn và đè giọng của mình xuống ngực để tạo cảm giác mạnh mẽ.

Mẹo vặt 6: 18 phút “thần thánh” 

Không phải tự nhiên có câu “Nói dài nói dai thành ra nói dở”. Theo Carmine Gallo, tác giả của các bestseller về bí quyết của Steve Jobs, hay của các diễn giả TEDTalk, 18 phút là khoảng thời gian lý tưởng để người nghe tập trung nghe, “thẩm thấu” hết những gì bạn nói. Vì thế, các video thuyết trình của TED luôn ngắn, và đó cũng là khoảng thời gian người xem chấp nhận bỏ ra để theo dõi, và chia sẻ trên tường Facebook nhà mình. Nếu bài thuyết trình của bạn có nội dung quá dài, hãy cắt bớt những thứ không quá quan trọng - đây chính là những yếu tố gây xao nhãng.

Public Speaking - Kỹ năng quan trọng giúp bạn chinh phục thế giới ảnh 5

Mẹo vặt 7: “Tút tát nhan sắc” trước buổi thuyết trình

Anh Đỗ (trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) kể: “Cô giáo dạy Sử của tụi tớ dạy thuyết trình hay lắm, không chỉ chú trọng kiến thức sách giáo khoa, mà còn quan trọng hình thức trong khi thuyết trình nữa. Có lần, một bạn nữ trong lớp thuyết trình xong, được cô nhắc nhở là chưa thu hút vì hôm ấy bạn để kiểu tóc không phù hợp. Thế là cô tư vấn luôn cho các bạn trong lớp để tóc như thế nào cho hợp với khuôn mặt từng người, vì nói chuyện trước đám đông không chỉ truyền đạt thông tin, mà còn phải có ngoại hình bắt mắt để gây sự chú ý nữa”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Clip mới nhất đạt 300 triệu lượt xem, Lê Tuấn Khang lại đau đầu vì điều này

Clip mới nhất đạt 300 triệu lượt xem, Lê Tuấn Khang lại đau đầu vì điều này

HHT - Trưa 2/12, video mới nhất của Lê Tuấn Khang trên nền tảng TikTok với tiêu đề "Giả bộ té để được rửa sạch" chính thức cán mốc 300 triệu lượt xem chỉ sau chưa đầy 3 ngày đăng tải. Tuy nhiên, nam TikToker sinh năm 2002 lại đau đầu vì vấn đề mới phát sinh, liên tục cảnh báo người dùng mạng xã hội.