Trong vài ngày gần đây, ở Vương quốc Anh có không ít hiện tượng lạ. Hai hiện tượng liên quan đến việc Nữ hoàng Elizabeth II từ trần (cầu vồng đôi xuất hiện trên bầu trời khu vực Cung điện Buckingham, và tia nắng duy nhất chiếu thẳng xuống xe chở linh cữu Nữ hoàng) đã khiến rất nhiều người ngạc nhiên.
Thế rồi đêm 14/9, gần 1.000 người ở cả Anh, Ireland và Scotland đã báo cáo rằng họ nhìn thấy một điều bí ẩn, là một “quả cầu lửa” bay ngang qua bầu trời vào khoảng 10h tối.
Đây là video:
Nguồn: Vanessa/ Twitter. |
Một số người đoán đây là một vệ tinh Starlink của Elon Musk, nhưng theo nhận định ban đầu thì không phải, vì các vệ tinh Starlink thường xuất hiện dưới dạng nhiều chấm sáng thẳng hàng trên bầu trời.
Sau đó, Mạng lưới Sao băng Vương quốc Anh gợi ý rằng đó là rác vũ trụ, nhưng rồi họ rút lại giả thuyết này sau khi thu thập thêm dữ liệu.
John Maclean, một nhà thiên văn học của Mạng lưới nói trên, giải thích: “Chúng tôi đã phân tích nó từ nhiều góc độ. Đó là một sao băng. Có thể là một mảnh bị vỡ ra từ một tiểu hành tinh. Nó bay theo quỹ đạo của một tiểu hành tinh”.
"Quả cầu lửa" này làm sáng cả bầu trời đêm. Ảnh: UKMON. |
Các chuyên gia khác cũng tỏ ra ngạc nhiên vì sao băng lạ thường này. Steve Owens, một nhà thiên văn học ở Trung tâm Khoa học Glasgow (Scotland), người đã chứng kiến tận mắt lúc “quả cầu lửa” bay ngang bầu trời”, nói trên chương trình Good Morning Scotland (Chào buổi sáng Scotland): “Tôi nhìn thấy nó vào đúng 10h đêm. Có thể thấy là nó bị vỡ, có những mảnh văng ra. Bình thường, nếu bạn thấy một sao băng thì nó chỉ là một vệt sáng rất nhỏ, bạn sẽ chỉ nhìn thấy trong một phần nhỏ của một giây. Nhưng “quả cầu lửa” này lại bay ngang bầu trời trong ít nhất là 10 giây, hoặc có thể lâu hơn (một số người nói là đến 20 giây)”.
Việc "quả cầu lửa" bay khá chậm khiến các chuyên gia cũng khó nhận định. Ảnh: Twitter. |
Bởi vậy, ông Maclean cũng nói rằng, ban đầu, các nhà nghiên cứu nhầm nó là rác vũ trụ vì nó bay chậm hơn so với một sao băng bình thường, vỡ ra ở tầm cao hơn và sớm hơn so với một sao băng. Không hiểu vì sao lại như vậy.
Các nhà thiên văn học tính toán rằng sao băng nói trên đã rơi xuống Đại Tây Dương.