Quá hợp

Quá hợp
TP - Cậu giúp mình vụ này! Con gái mình nhờ định hướng phân tích hai khổ trong bài thơ Những ngày nghỉ học của nhà thơ Tế Hanh…

- Có bài thơ nào về học thêm, học phụ đạo, học ngoại khóa, học nâng cao không thì mình rành, chứ thời nay ai còn làm thơ nghỉ học? 

- Ôi trời! Lâu nay cậu từng chém gió là giỏi văn! Thế mà bài thơ hay, ám ảnh nhường ấy của một Thi nhân Việt Nam thời Thơ Mới mà cậu không biết thì…vái thánh!

- Cậu nói nghiêm túc à? Thế hai khổ đó nó thế nào?

- Tôi thấy lòng thương những chiếc tầu/ Ngàn đời không đủ sức đi mau/ Có chi vương víu trong hơi máy/ Mấy chiếc toa đầy nặng khổ đau/ Bánh nghiến lăn lăn quá nặng nề!/ Khói phì như nghẹn nỗi đau tê/ Lâu lâu còi rúc nghe rền rĩ/ Lòng của người đi réo kẻ về…

- Cậu có nhầm tên tác giả bài thơ không đấy? Theo cậu thì bài thơ này được sáng tác từ những năm 30-45 thế kỉ trước, đúng không? Mình cam đoan, bài thơ này không thể là của Tế Hanh được mà là của bà Van-ga…

- Bà Van-ga là ai?

- Là nhà tiên tri nổi tiếng xứ sở hoa hồng Bungari. Bà ấy có thể nhìn thấy tương lai 50, 70, 100 năm sau. Đọc hai khổ thơ đó mình đoán chắc chỉ có thể là bà ấy mới dự đoán chính xác thực trạng ngành đường sắt xứ ta hôm nay thôi!

- Hơ hơ! Hay! Thú vị! Hèn chi hôm qua tổng kết ngành, lãnh đạo bộ cảm thán: “Lâu nay ngành đường sắt mắc căn bệnh “cố hữu” là hài lòng với những việc mình đang làm, hài lòng rồi tức là đã hết động lực để cố gắng và phát triển. Trong tư duy của ngành đường sắt tôi hình dung ra sự bình thản với những bản báo cáo và con số. Thế này thì chết!”.

- Ha ha! Lại hay nữa! Trích dẫn cảm thán đó làm lời bình cho khổ thơ luôn có phải quá hợp không?

!!!???

MỚI - NÓNG