'Quả trứng' ấm lòng trong đại dịch

Dự án tìm đến những người khó khăn, yếu thế, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19
Dự án tìm đến những người khó khăn, yếu thế, đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19
TP - Đại dịch COVID-19 đã khiến cuộc sống có nhiều biến đổi, duy chỉ những tấm lòng và sự sẻ chia là không hề đổi thay, thậm chí còn vươn lên mạnh mẽ theo nhiều cách. “Mỗi ngày một quả trứng” là một trong những dự án thiện nguyện ý nghĩa giúp “sưởi ấm” những hoàn cảnh khó khăn vượt qua “bão tố” đại dịch.

Để không ai bị đói

8h tối, chị Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI, người khởi xướng chương trình “Mỗi ngày một quả trứng” vẫn đang cặm cụi luộc thêm trứng. Tối nay, hơn 60 suất ăn đã được phát cho những người vô gia cư khu vực Hà Nội, nhưng vẫn thiếu. Các tình nguyện viên đã quay vòng hai lần lấy thêm đồ tiếp tế. Ở mỗi túi đồ, ngoài trứng luộc, chị để thêm vào mì tôm, lương khô, để “nhỡ mấy ngày nữa do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc đi lại của các tình nguyện viên khó khăn thì những người khốn khổ kia vẫn có cái mà ăn”.

“Những người nghèo, người yếu thế, người mất việc làm, thu nhập, chính là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch. Phần lớn họ không có nhà cửa, không có hộ khẩu, không hợp đồng lao động, không tiền tích luỹ… nên hễ gặp biến cố trong đời là lâm vào khó khăn”, chị Oanh nhận định.

“Mỗi ngày một quả trứng” là dự án thiện nguyện của Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ phát triển cộng đồng (SCDI), với chức năng ban đầu là hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em có hoàn cảnh nghèo. Từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, quỹ mở rộng giúp đỡ người vô gia cư và người vô cùng nghèo trong và sau dịch bệnh.

'Quả trứng' ấm lòng trong đại dịch ảnh 1 Chị Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc SCDI, người khởi xướng dự án “Mỗi ngày một quả trứng”

Hiện, chương trình đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành trên cả nước, như: Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Hải Phòng, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Nam, Cần Thơ… Hàng trăm suất ăn, đồ thiết yếu đã được trao tận tay người nghèo, vô gia cư, hoàn cảnh khó khăn trong dịch bệnh. Đến nay đã có hàng nghìn người đóng góp cho chương trình với số tiền từ 20 nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng. Nhiều người khác thì đóng góp thời gian, công sức, sẵn sàng làm tình nguyện viên, đi mua đồ, đóng gói, trao thực phẩm, đồ thiết yếu đến tận tay người cần.

Từ một quỹ có 28 triệu đồng, giờ số đã chi và số đang có của “Mỗi ngày một quả trứng” đã lên tới tiền tỉ. Tất cả đều từ những người không quen biết. Họ đến với nhau vì muốn mang đến niềm vui cho mọi người trong những ngày khó khăn vì dịch bệnh.

Không chỉ “một quả trứng”

“Bà sống bằng nghề nhặt ve chai. Từ sau Tết, thất nghiệp nhiều, số người tham gia vào đội quân ve chai đông lên. Trong khi đó, giá thu mua ve chai thì giảm mạnh do sản xuất bị chậm lại, nhu cầu phế liệu thấp đi. Bà thì mắt mờ, chân chậm. Năm nay bà gần 80 tuổi rồi. Đợt này Hải Dương cách ly nghiêm ngặt toàn thành phố, không ai được ra đường, rác cũng không có mà nhặt, mà nếu có nhặt được thì cũng không có ai mua. Nhóm chúng mình mang gói lương thực - thực phẩm đến biếu bà đúng lúc bà chuẩn bị ăn cơm. Bữa cơm của bà có ít canh rau cải và hơn một con tôm bà để dành. Bà bảo “Tôm sáng hôm qua cô hàng xóm cho mấy con, tôi ăn dè, bữa này là bữa thứ 3 cô chú ạ…”. (Nhóm Hải Dương)

“Quảng Nam, nơi số người nhiễm virus corona đứng thứ hai sau Đà Nẵng. Giãn cách xã hội nghiêm ngặt chỉ sau Đà Nẵng. Những ngày này, nhóm chúng mình đang tập trung hỗ trợ cho bà con nghèo ở ba huyện của Quảng Nam: Đại Lộc, Thăng Bình, Tiên Phước. Không biết bao lần nhóm phải nghẹn ngào trước cảnh nghèo cùng cực, những người mẹ nuôi con tâm thần, những người bà già nua nuôi cháu bị bỏ rơi, những gian nhà tối tăm, những nền nhà đất rêu cũ, những thân hình gầy guộc… Vì ảnh hưởng đại dịch nên lao động tự do thất nghiệp nhiều: xe ôm không có khách, bán vé số ế ẩm. Những người làm vườn tưởng chừng yên thân nhưng do đại dịch nên bán cũng rẻ như cho… Một gói lương thực thực phẩm mà nhóm gửi đến có giá tiền 350k sẽ giúp được một gia đình có 2 người đủ ăn trong vòng 2 tuần”. (Nhóm Quảng Nam).

“Gần 5h chiều, tin nhắn mới đến trong zalo của nhóm “Em bé Gia Bảo đã được nhận vào trường”, “Trường cho nợ giấy khai sinh”, kèm theo ảnh chụp phiếu vào lớp và hình ảnh cậu trai nhỏ cùng bà ngoại và cô giáo - ai nấy đều rạng rỡ. Cả nhóm đồng loạt thả tim. Gia Bảo sống cùng ông bà ngoại, em bị thất lạc giấy khai sinh nên 8 tuổi vẫn chưa được đến trường. Cả hai ông bà đều không có lương hưu hoặc trợ cấp. Ông em lại bị tai biến, thường xuyên phải đi bệnh viện, thuốc men. Cả nhà trông vào hàng nước của bà. Dịch Covid bùng phát, có thời điểm hàng nước không được bán, cả nhà khó khăn quá. Nhóm Mỗi ngày một quả trứng đã mua thẻ bảo hiểm y tế cho ông bà. Hàng nước của bà bị lấy cắp mất đồ trong thời gian nghỉ dịch cũng được hỗ trợ chút vốn mua lại đồ, để bán hàng trở lại. Hiện, nhóm đang cùng bà vào bệnh viện làm các thủ tục cấp lại giấy khai sinh cho Gia Bảo… để em được chứng nhận sự tồn tại của mình…”. (Nhóm Hà Nội)

'Quả trứng' ấm lòng trong đại dịch ảnh 2 Nhóm tình nguyện viên của “Mỗi ngày một quả trứng” chuẩn bị lên đường

Trên đây là một vài trích đoạn nhật ký được đăng tải trên fanpage “Mỗi ngày một quả trứng - One Egg a Day”. Theo chia sẻ của Giám đốc SCDI, nói là “một quả trứng”, nhưng thực ra, hơn nhiều những quả trứng. Nhóm không chỉ dừng lại ở những bữa ăn qua ngày, mà còn có chương trình dài hơi để trợ giúp người nghèo khi cuộc sống trở lại bình thường. Đó có thể là nguồn vốn nho nhỏ để tái làm ăn hoặc vài ba tháng tiền thuê trọ để không còn phải lo đêm nay ngủ ở đâu.

“Hiện tại, trong tháng Vu Lan báo hiếu, dự án đang tìm đến những người già neo đơn, khó khăn để mang cho họ chút sẻ chia, tình người. Mỗi gói quà khoảng 20 quả trứng, 10kg gạo, 1 lít dầu ăn, lạc, mắm, muối gia vị… sẽ giúp những người già thêm dinh dưỡng, bớt chút cơ hàn. Nhóm cũng cố gắng để tất cả các ông bà đều có thẻ bảo hiểm y tế để giúp các cụ được chăm sóc y tế khi ốm đau”, chị Hải Oanh chia sẻ thêm.

Ngày nắng hay ngày mưa, các tình nguyện viên của “Mỗi ngày một quả trứng” vẫn đúng hẹn lên đường. Đi xe máy hàng chục cây số, chở đồ như xe thồ, đói mờ mắt, ăn mì tôm úp hoặc mì tôm với trứng vỡ, có khi còn bị công an, dân phòng hỏi han, về đến nhà chỉ muốn nằm vật ra ngủ ngay... là tình trạng thường xuyên của cả nhóm. Có người chở gạo đi trao, bị thủng lốp ngay trong những ngày giãn cách xã hội nên chẳng có cửa hàng nào vá xe và anh ấy cứ thế dắt xe trong đêm, không một lời phàn nàn…

MỚI - NÓNG