Hiểm họa ngay trên “sân nhà”
Cứ đầu giờ vào lớp hoặc giờ tan trường, chỉ cần ghé qua các cổng trường học là dễ dàng thấy cảnh học sinh tụ tập quanh các hàng quán, gánh bán rong để mua đồ chơi, đồ ăn thức uống. Em mua que kẹo mút, em đứng chờ những xiên thịt/ xúc xích chiên, nhóm khác lại mê mẩn với những món đồ chơi bé xinh, màu sắc sặc sỡ. Đa số các mặt hàng được bày bán trước cổng trường chỉ bày trên khay, tủ không cửa, các rổ đựng không che đậy cẩn thận do đó nguy cơ ngộ độc thực phẩm là rất cao. Chưa kể hàng quán trước cổng trường nên thường nằm ngay mặt đường, xe cộ qua lại thường xuyên, bụi bẩn là điều khó tránh.
Tuy nhiên, với giá thành rẻ lại đánh trúng vào tâm lý thích cái mới, đồ chơi bắt mắt nên những hàng quán trước cổng trường vẫn luôn thu hút một lượng lớn các em học sinh. Nhiều phụ huynh do bận rộn hoặc quá thờ ơ nên cho con tiền để tự ăn uống, mua đồ chơi trước cổng trường. Đây cũng là điều kiện để các hàng, quán vẫn còn cơ hội sống mặc dù chất lượng khó ai có thể đảm bảo.
Những món đồ với màu sắc bắt mắt được bày bán trước cổng trường. (Ảnh: Dương Trang) |
Mới đây nhất, vụ việc 35 học sinh tiểu học phải cấp cứu sau khi chơi "slime nước" tại Đà Nẵng khiến dư luận không khỏi hoang mang. Các em học sinh ngộ độc phải cấp cứu tập trung ở khối lớp 3 và lớp 4. Khai thác thông tin từ phía học sinh thì các em này cho hay trước giờ vào học có chơi trò slime (mua tại các cửa hàng tạp hóa đối diện trường).
Ngay khi hít phải khí từ món đồ chơi nói trên, các em bắt đầu có những triệu chứng sốc phản vệ, sau đó được trường đưa đi cấp cứu tại Trung tâm y tế huyện Hòa Vang. Đáng nói là thông tin ghi nhận cùng ngày tại nhiều trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, vẫn còn có nhiều hàng quán bán các loại đồ chơi như slime và hạt nở, bột màu hóa chất... tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh.
35 học sinh trường tiểu học Hòa Khương 1 phải nhập viện cấp cứu sau khi chơi slime bán trước cổng trường. (Ảnh: Huy Đạt) |
Trước đó, nhiều vụ việc học sinh ngộ độc đồ ăn, đồ chơi bày bán trước cổng trường cũng đã được ghi nhận, ví dụ như vụ 14 học sinh THCS Tam Hòa, TP. Biên Hòa (Đồng Nai) nhập viện vì ngộ độc sau khi ăn bánh tráng trộn từ một người bán hàng rong trước cổng trường. Vụ 2 học sinh ở huyện Tuy An (Phú Yên) phải nhập viện sau khi ăn mực khô, bánh ngọt… tại một quán bán hàng rong gần trường…
Để mối nguy hại không còn "treo" trước cổng trường
“Thức ăn đường phố mất vệ sinh, nhưng không ít phụ huynh lại tỏ ra khá dễ dãi trong việc chiều theo sở thích, đòi hỏi của con. Nhiều món ăn chiên rán như xúc xích, nem chua… chỉ cần nhìn qua chảo dầu của các hàng quán là đã thấy hoảng vì chuyển từ vàng qua nâu đen, dụng cụ chế biến, đồ đựng thức ăn nhiều khi còn không được che đậy. Cha mẹ nếu quan sát thấy cần nhắc nhở con em mình ngay” - Facebook Dan Linh bình luận.
Không chỉ đồ ăn thức uống, những món đồ chơi bày bán trước cổng trường cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi có thể chứa các chất độc hại, gây ngộ độc cho học sinh. Sau vụ việc 35 em học sinh ngộ độc, mối nguy hại ẩn mình trong slime càng phải được lưu ý. Đây là một hỗn hợp vừa mềm vừa dẻo, người chơi có thể dễ dàng nhào nặn, kéo dài thành nhiều hình thù khác nhau. Đồ chơi này nếu làm từ hóa chất và phụ gia không có nguồn gốc rõ ràng, pha trộn không đúng tỉ lệ dễ dẫn đến ngộ độc khi ngửi.
Dù gốc rễ của vấn đề là nhận thức của người tiêu dùng và cách thức kiểm soát của cơ quan chức năng, song không thể hoàn toàn trông chờ vào ý thức của học sinh khi các em nhỏ chưa có đầy đủ nhận thức về vấn đề này. Cha mẹ và nhà trường lúc này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục nhận thức, hướng dẫn cho trẻ cách để tự bảo vệ mình trước những mối nguy hại “treo” ngoài cổng trường.