Quan hệ Mỹ - Ukraine: Bằng mặt mà không bằng lòng?

0:00 / 0:00
0:00
Trong khi Mỹ không hài lòng với Ukraine về các chiến thuật quân sự trên chiến trường, thì Kiev lại thất vọng với Washington liên quan đến sự bế tắc viện trợ.
Quan hệ Mỹ - Ukraine: Bằng mặt mà không bằng lòng? ảnh 1
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triển khai lực lượng của mình trong những trận chiến giành các thị trấn mà phía Mỹ cho rằng thiếu giá trị chiến lược.

Theo tờ New York Times, hơn hai năm liên minh thời chiến, mối quan hệ giữa Mỹ và Ukraine đang có dấu hiệu suy yếu, nhường chỗ cho sự thất vọng lẫn nhau và cảm giác rằng mối quan hệ có thể bị mắc kẹt trong một lối mòn. Đó là điều đang gây căng thẳng cho mối quan hệ giữa hai bên, đặc biệt liên quan đến vấn đề tài chính, các ưu tiên khác nhau và những lời phàn nàn về việc không được lắng nghe.

Đối với Lầu Năm Góc, sự không hài lòng xuất phát từ một vấn đề duy nhất, thường xuyên xảy ra: Các chiến lược gia quân sự Mỹ, trong đó có cả Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, cho rằng Ukraine cần tập trung lực lượng vào một trận chiến lớn tại một thời điểm.

Thay vào đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã triển khai lực lượng của mình trong những trận chiến giành các thị trấn mà phía Mỹ cho rằng thiếu giá trị chiến lược. Ví dụ gần đây nhất liên quan đến trận chiến giành quyền kiểm soát thành phố Avdiivka và đã rơi vào tay Nga hồi tháng trước. Các quan chức Mỹ cho rằng Ukraine đã bảo vệ Avdiivka quá lâu và phải trả giá quá lớn.

Về phần mình, Ukraine cho rằng những tranh cãi trong nội bộ nước Mỹ đã dẫn đến tình trạng thiếu đạn dược cho binh sĩ Ukraine ở mặt trận. Khi thời gian trôi qua mà không có nguồn cung cấp đạn dược, vũ khí mới và các binh sĩ Ukraine phải tiết kiệm số đạn mà họ có, tinh thần chiến đấu đang bị ảnh hưởng.

Ngay cả thời điểm hiện tại, nhiều tháng sau cuộc phản công thất bại, trong mắt Lầu Năm Góc, chính quyền Ukraine đã không nghe theo lời khuyên của họ. Các quan chức Nhà Trắng và Ukraine đều nói rằng việc Quốc hội Mỹ cho đến nay không thông qua dự luật viện trợ khẩn cấp với khoảng 60 tỷ USD cho Ukraine đã làm suy yếu năng lực trên thực địa. Gói này sẽ cung cấp các loại đạn pháo và thiết bị đánh chặn phòng không rất cần thiết cho lực lượng Ukraine.

Nhưng Ukraine còn có những nỗi thất vọng khác với Mỹ. Họ thường xuyên phàn nàn rằng chính quyền Biden đã chậm phê duyệt các hệ thống vũ khí tiên tiến có thể vượt qua "ranh giới đỏ" của Nga, từ máy bay chiến đấu đến tên lửa tầm xa. Emily Harding, cựu quan chức tình báo Mỹ, cho biết trong cuộc thảo luận về Ukraine tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế: "Mỹ đang loay hoay trong khi Ukraine đang rất cần những loại vũ khí đó. Nếu Mỹ cung cấp những vũ khí mà lẽ ra cần phải cung cấp thì bây giờ tình hình của Ukraine đã khá hơn nhiều”.

New York Times cho rằng cả Mỹ và Ukraine đều chưa thoát khỏi tình trạng căng thẳng trên, dù cam kết của họ vẫn vững chắc, vì mỗi bên đều cần bên kia. Cộng đồng tình báo Mỹ vẫn cung cấp một lượng thông tin thời gian thực đáng kể cho quân đội Ukraine về các sở chỉ huy, kho đạn dược và các nút giao thông quan trọng khác trong tuyến quân sự của Nga. Lầu Năm Góc vẫn tổ chức các cuộc họp hàng tháng của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine để hối thúc các đối tác của Ukraine cung cấp tiền, vũ khí và đạn dược. Có lẽ điều quan trọng nhất đối với chính quyền Biden là Ukraine đang giúp làm tiêu hao quân đội của một trong những đối thủ lớn nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết, ngay cả sau khi biết rõ rằng các lực lượng của Nga, với quân tiếp viện lớn hơn, sẽ chiếm ưu thế, Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu thay vì tiến hành rút quân chiến lược (ở Avdiivka). Theo một quan chức quân sự cấp cao của phương Tây và cựu chỉ huy Mỹ, kết quả là mức độ thất vọng của Mỹ đối với Ukraine ngày càng tăng.

Bất đồng về Avdiivka là một ví dụ điển hình về sự thất vọng của Mỹ đối với cuộc phản công của Ukraine vào mùa hè năm ngoái. Trong trường hợp đó, Bộ trưởng Austin và các quan chức Mỹ khác kêu gọi Ukraine tập trung tấn công vào một hướng chính dọc theo chiến tuyến dài hơn 1000km và gây sức ép để chọc thủng các công sự của Nga ở đó. Các quan chức Mỹ tin rằng cựu Tư lệnh Ukraine Zaluzhny đã đồng ý với lời khuyên của Mỹ nhưng không thể thuyết phục được Tổng thống Zelensky.

Vì vậy, thay vì một trận chiến mang tính quyết định duy nhất, Ukraine đã phân tán lực lượng, triển khai một số đơn vị về phía Đông và một số đến các mặt trận khác, kể cả ở phía Nam. Tại Lầu Năm Góc, một số quan chức cho biết họ không coi những nỗ lực mùa hè năm ngoái của Ukraine là một cuộc phản công nào cả.

James G. Stavridis, Đô đốc đã nghỉ hưu và là cựu chỉ huy tối cao của đồng minh châu Âu, cho biết: “Chúng tôi trao đổi trong giới quân sự rằng, khi bạn tìm cách tấn công ở mọi nơi, bạn có thể sẽ không tấn công được đâu cả - bởi vì lực lượng của bạn bị dàn trải quá mỏng. Lầu Năm Góc coi đây là một sai lầm và sẽ tiếp tục đưa ra lời khuyên cho Ukraine theo hướng này".

Về phần mình, Evelyn Farkas, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc về Ukraine và Nga, hiện là Giám đốc điều hành của Viện McCain, nêu quan điểm: “Phía Mỹ thất vọng vì họ đưa ra lời khuyên quân sự và có cảm giác như nó không được thực hiện. Nhưng phía Ukraine không thích bị quản lý cả ở tầm vi mô”.

Hiện các quan chức quân sự Lầu Năm Góc vẫn đang đưa ra lời khuyên về chiến dịch quân sự mà họ muốn triển khai vào năm 2024. Ba quan chức quân sự Mỹ cho biết trong các cuộc phỏng vấn rằng Mỹ muốn Ukraine tập trung các cuộc tấn công tầm xa. Nhưng một lần nữa, sự thất vọng của Ukraine vấn đề viện trợ tại Quốc hội Mỹ lại xuất hiện. Các quan chức và chuyên gia quân sự phương Tây đã cảnh báo rằng nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, khả năng xảy ra sụp đổ hàng loạt dọc mặt trận với Ukraine trong năm nay là có thể nếu không có sự trợ giúp của Mỹ.

Theo TTXVN
MỚI - NÓNG