Đừng chỉ mắc kẹt trong mạng xã hội
Nếu mạng xã hội chỉ gắn kết người với người thì IoT kết nối chúng ta với cả các đồ vật vốn trước kia chỉ là vô tri vô giác. Máy rút tiền ATM là một trong những vật dụng đầu tiên tương tác với chúng ta thông qua IoT. Tiếp theo là đồng hồ thông minh, đèn thông minh… Năm 2020, 250.000 phương tiện giao thông sẽ được kết nối internet, đồng nghĩa với việc xe sẽ tự chủ chở người, đậu và đi mà không cần người lái.
Khi hệ thống IoT phát triển tới mức tối đa tức là mọi thứ trong cuộc sống đều được kết nối với mạng dữ liệu internet - có khả năng nhận và truyền tin. Ví dụ như chiếc dép có thể nhận diện chân bạn và tự di chuyển tới chân, hay chăn màn tự gấp, đồ ăn tự dọn… Đó là lý do mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là cuộc cách mạng tự động hóa với sự góp mặt của trí tuệ nhân tạo, hệ thống dữ liệu khổng lồ và IoT.
Nhưng hiểu một cách sâu xa hơn, IoT còn là lối sống kết nối trong thời đại mới, là xu hướng liên kết các ngành nghề và mọi người lại với nhau.
Khai thác “quặng kim cương” IoT
Cũng chính vì sự phát triển của IoT mà các bạn trẻ đã không cần đợi tới 18 tuổi hay tốt nghiệp đại học để có thể khởi nghiệp. Diệu Linh (18 tuổi, Buôn Mê Thuột) chia sẻ: “Mình từng bị mụn mặt rất nặng. Sau đó một người chị gái bán cho mình bộ sản phẩm trị bệnh về da. Mình điều trị trong nửa năm và da mặt giờ đây láng ong luôn. Thế là mình đăng loạt hình “thoát kén” lên mạng và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bạn bè. Nhân lúc này mình mở luôn một chi nhánh cho thương hiệu của người chị quen. Và nhờ những câu chuyện đầy cảm hứng mình đăng mà việc buôn bán phát triển rất nhanh luôn”.
Không chỉ việc bán hàng online được đẩy mạnh trong kỷ nguyên thương mại điện tử, các nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật cũng mở rộng phạm vi “sân khấu” của mình. Các bạn trẻ DJ chưa có nhiều cơ hội thể hiện bản thân nhưng bạn Hình Nhi Hào (cựu học sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) đã tìm thấy “lối ra”: “Tớ thường xuyên đăng nhạc lên Soundcloud. Thế là nhóm Quýt Nho liên lạc với tớ để làm nhạc. Không chỉ riêng tớ, bạn Hưng Nguyễn sau khi làm bản mix bài hát Mặt Trời của em thì đã được chính ca sĩ thể hiện ca khúc là Phương Ly nhắn tin và đề nghị hợp tác. Cơ hội của các bạn có đam mê sáng tác càng cao hơn khi không cần phải đi tìm shark nữa! Chỉ cần click nút đăng tải mà thôi!”.
Không chỉ là bệ phóng khởi nghiệp, IoT còn là một kho tài nguyên bất tận về… MỌI THỨ! Bạn Khang Đoàn Nhật kể: “Tớ luôn “giàn giụa nước mắt” mỗi khi học Văn ở trường. Nhưng thời gian gần đây, tớ chuyển sang nghe podcast bình giảng, rồi những trang như Học Văn - Văn Học đã giúp tớ không còn phải đi học thêm. Không chỉ với môn Văn, hình thức học mới này đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác. Không cần ngồi trong lớp học, bạn có thể bật điện thoại trong công viên và học từ tiếng Nhật cho đến cách nấu ăn! Một học sinh chuyên Hóa như mình tiếp thu được cả “tấn” nghệ thuật từ sự kết nối này!”.
Có gì ngoài “bể bơi khổng lồ” mạng xã hội?
Mười năm trở lại đây, mạng xã hội Facebook đã dần trở thành “một phần tất yếu” trong cuộc sống người Việt. Theo The Next Web, tính tới tháng 7 năm 2017 số người dùng Facebook ở Việt Nam là 64 triệu. Trong đó khoảng 3/4 là người trẻ từ 18 tới 34 tuổi (thống kê của Facebook năm 2015), và độ tuổi sử dụng Facebook thường xuyên sẽ ngày càng giảm xuống. Ngày càng nhiều teen Việt tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp và “cá kiếm” trên Facebook thông qua việc mở shop mua bán, làm admin, làm KOL…
Bạn Thùy Dương (trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây, teen mình được dạy rằng nghề nghiệp được chia thành bảy nhóm cơ bản như nhóm nghề thuộc lĩnh vực hành chính, thuộc tiếp xúc con người, thiên nhiên, lao động, nghệ thuật… Tuy nhiên ở thời đại công nghệ như hiện nay rất nhiều công việc, ngành nghề liên tục “khai sinh” mà chỉ quanh quẩn trên Facebook, chúng ta không thể biết tới.”
Bạn Diệu Linh chia sẻ: “Có những nghề nghiệp làm tớ… sốc không tưởng. Ví như việc tính độ dài rộng của các con đường, lưu lượng xe, vận tốc các dòng xe…, từ đó thống kê và chọn ra được số lượng… đèn đường hợp lý nhất. Việc thu thập dữ liệu và sử dụng các dữ liệu đó là một nhóm nghề dù khá xa lạ nhưng lại mang tính chủ chốt của IoT.”
Trong các bài nói chuyện của mình, tỉ phú Jack Ma luôn nhấn mạnh rằng “Thế giới đã phát triển từ công nghệ thông tin (information technology) sang công nghệ dữ liệu (data technology)”. Bản thân những mạng xã hội như Facebook là cơ sở dữ liệu nhưng đối với hầu hết người sử dụng, nó chỉ là nguồn cung cấp thông tin. Mà ở thời đại này, cách bạn sử dụng thông tin, nguồn “dữ liệu” mới quyết định thành công. Như việc “lợi dụng” Facebook để “bắt thóp” hành vi và thói quen của người tiêu dùng phục vụ cho công việc của mình chính là một cách “sử dụng dữ liệu” đấy!
Ngoài ra, các ngành nghề thuộc cụm IoT cũng đang “vươn cao”. Viện Phát triển Chính trị đánh giá Việt Nam là nước đứng đầu trong phát triển ứng dụng app mobile. Trong bối cảnh này, ngành phát triển phần mềm ứng dụng (app developer) sẽ là một "mỏ vàng". Hay trang Forbes đã thống kê 10 công việc không hề tồn tại 10 năm trước nhưng hiện đang cực hot là quản lý điện toán đám mây, người điều khiển phương tiện giao thông từ xa…
Bên cạnh mạng xã hội là mạng vạn vật, tức là chúng ta đang sống trong thời đại kết nối, mà tất cả mọi thứ cùng được kết nối với nhau. Bé Bống - cô bé bán chè bưởi 10 tuổi đã có thể mua iPhone, laptop từ tiền bán chè qua mạng - đã chia sẻ rằng, ngoài chất lượng món chè, yếu tố quan trọng giúp em thành công là biết marketing sản phẩm của mình trên Instagram, Facebook tới Youtube. Vậy nên thành công cũng tới từ việc kết hợp tất cả các lĩnh vực (multitasking) và kết nối vạn vật (IoT).
Nói cách khác, Facebook không là yếu tố kết nối kiên quyết hay là con đường duy nhất đi đến thành công. Theo thống kê của Statista, đa số teen ở Mỹ sử dụng Snapchat, hay ở Trung Quốc thì mạng Facebook bị cấm và mọi người chỉ dùng Weibo, còn qua Malaysia hay Singapore thì bạn sẽ thấy người dân ở đây dùng Wechat là phần nhiều. Tuy vậy, việc khai thác hết tiềm năng của một công cụ mạng xã hội cũng sẽ đem lại cho bạn vô vàn lợi ích, như việc bé Bống đã thành công với fanpage bán chè Bưởi. Mạng xã hội chỉ là công cụ thu thập và sẻ chia, nhưng điều quan trọng là bạn đã có đủ kĩ năng để “cho-nhận” hiệu quả hay chưa. Chính kĩ năng đó mới khiến bạn trở thành công dân số quyền lực trong thời đại mạng vạn vật!
NGÂN HỒ - NHO KHOA