Chúng ta có đang quá dễ dãi với thông tin?
Hẳn bạn nhớ mới đây thôi, anh chàng T.S với những bộ ảnh quái gở, những clip nhạc cực kỳ khó nuốt nhưng lại nhận được "sự tung hô ảo" khá lớn. Thời điểm đó, người người share, nhà nhà share ảnh và clip của "công chúa thủy tề" với những mục đích khác nhau. Tuy nhiên, dù là thích thú hay khó chịu, chúng ta cũng đang thực hiện cùng một việc: Làm cho nhân vật đó trở nên nổi tiếng và tạo sức ảnh hưởng không nhỏ đến giới trẻ.
Quay trở lại vụ việc người nghệ sĩ chịu chín tháng tù vì tội ấu dâm tại Mỹ vừa trở về Việt Nam và gửi lời cảm ơn đến mọi người đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ xã hội. Những ảnh hưởng mà truyền thông tạo ra khoảng thời gian đầu năm - khi mà sự việc vừa bắt đầu được biết đến - có lẽ, cũng tương tự như thời điểm hiện tại. Khi đó, chúng ta lên án M.B, chúng ta kêu gọi tẩy chay, và chúng ta... góp phần làm cho dòng thông tin lan rộng ra. Để những ngày này, những hành động tương tự lại tiếp diễn, và ngày càng đi xa hơn. Chúng ta đang quá dễ dãi để tha thứ, để nhận lấy những lời “cảm ơn”?!
Đôi khi, điều chúng ta cần làm chỉ là… làm thinh
Đôi khi quyền lực của chúng ta lại nằm ở việc ta... không làm gì cả. Ta cứ im lặng trước sự vui vẻ và xem như chẳng có chuyện gì từng xảy ra của M.B. Ta đừng chào đón anh ta như một ngôi sao, một người nghệ sĩ thực thụ. Ta cứ thờ ơ trước những hoạt động của anh ta. Đừng để anh ta có cớ để trở lại với hoạt động nghệ thuật. Nhất là đừng để những người như anh ta làm các công việc gần trẻ con. Đã là kẻ ấu dâm, muôn đời vẫn là kẻ ấu dâm. Đã là xu hướng tính dục thì không thể chữa được, đi tù cũng không khỏi, ăn năn, hối lỗi cũng không thể khiến nó biến mất.
Tôi rất đồng ý với quan điểm của cây bút “Bánh bèo phiêu lưu ký” – Ploy Ngọc Bích: “Luôn có những tiêu chuẩn khắt khe dành cho thần tượng. Cư dân mạng và cả ngoài mạng luôn đòi hỏi thần tượng sạch, đẹp, sống chuẩn mực đạo đức. Đòi hỏi này có đôi lúc khắc nghiệt, nhưng nó là cái hàng rào vô hình để giữ các thần tượng trong khuôn khổ. Để những con người làm model cho vạn người mơ ước ấy biết trách nhiệm với bản thân, biết ảnh hưởng của mình lên xã hội”. Và nếu những người như M.B đã vượt ra quá xa những lần ranh đó, nhất là liên quan đến ấu dâm, thì không thể nào tha thứ được. Hãy cho phép bản thân nhẫn tâm trước những thứ cần phải nhẫn tâm.
Vì có những bàn tay sẽ mãi in hằn
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thạch từng chia sẻ: “Bản thân mình, cũng là một đứa từng bị lạm dụng khi còn là trẻ con. Năm đó, khi mình tầm sáu tuổi, bên dưới nhà có một cửa hàng tạp hoá, mỗi lần xuống mua đồ ăn, có một chú bán hàng hay kéo mình lại và cho tay vào quần mình sờ soạng. Mình khó chịu kéo ra thì chú bảo để chú làm rồi sẽ cho kẹo bánh. Khi đó mình ngây thơ và đồng ý. Việc ấy lặp lại vài lần và sau đó, mình cảm thấy rất ám ảnh vì chuyện này nên mới ngưng lại. Mình rất sợ, nhưng tuyệt đối không nói cho ba mẹ biết, và đến nay, sau hơn 20 năm, có rất nhiều thứ về tuổi thơ đã quên nhưng ám ảnh này là còn nhớ mãi.
Lúc đó, mình đã không được giáo dục để lên tiếng về những xâm hại. Và với mình chỉ là những đụng chạm bên ngoài thì đã để lại ám ảnh như vậy, nếu là khẩu giao hay quan hệ tình dục, bạn hãy nghĩ ám ảnh nó để lại còn kinh khủng ra sao”.
Đừng nghĩ rằng chỉ là những cái chạm yêu. Nỗi ám ảnh đó sẽ theo nạn nhân đến suốt đời. Những người-được-gọi-là-thân, có lẽ, sẽ chẳng bao giờ biết được những gì một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục đã trải qua. Bàn tay đó, sẽ mãi in hằn trên những thân thể ngây ngô này.
Hãy để sự quan tâm về đúng vị trị của nó
Nhà văn Ploy Ngọc Bích chia sẻ: “Đây là một sự kiện khiến các em cần tìm hiểu kỹ thêm về thế nào là ấu dâm và những tác hại của nó, cũng như cách bảo vệ bản thân. Rộng ra hơn một chút thì cũng nên tìm hiểu thêm về những vấn đề tính dục khác, vì thật sự sex education (giáo dục giới tính) ở Việt Nam vẫn chưa thật sâu sát và phổ biến”.
Vậy thì bạn, hãy dùng quyền lực của mình để những thông tin hữu ích về việc tự bảo vệ người thân mình khỏi nạn ấu dâm, về kỹ năng tự vệ và chống xâm hại cho trẻ được lan rộng… Chúng ta hãy cùng nhau chung tay để nạn ấu dâm được đẩy lùi, một điều mà thế giới đã làm từ lâu. Có thể là muộn, nhưng đừng để một ngày nào đó người thân của chính mình sẽ là nạn nhân tiếp theo!
H. HAWLIET