“Xem hài nhảm cho thoải mái đầu óc”
Vừa qua, trong tập 3 của vòng gala chương trình Thách thức danh hài, giải thưởng cao nhất trị giá 150 triệu đồng thuộc về “hotboy trà sữa” Tấn Lợi (Long An), đã gây nhiều tranh cãi, nhiều bất bình, có nhiều ý kiến cho rằng giám khảo Trấn Thành đã quá dễ dãi.
Đáp lại những ý kiến xung quanh tranh cãi này, nghệ sĩ Trấn Thành thẳng thắn bày tỏ quan điểm rằng khán giả nếu không thích có thể tắt tivi. “Tôi xin phản bác những người nói rằng hài hiện nay là rẻ tiền vì đó là quơ đũa cả nắm. Bây giờ, truyền hình là của chung. Chúng ta có thể chọn lọc mà xem. Các bạn thấy cái nào nhảm nhí thì nên tắt tivi” - nghệ sĩ Trấn Thành thẳng thắn cho biết.
Trái ngược với sự “ném đá” của dư luận, nhiều bạn có thái độ tích cực với các show diễn hài của Việt Nam hiện nay và cũng như với cách trả lời của danh hài Trấn Thành. Khán giả Hương Liên bình luận: “Mình thích hài nhảm cho nó thoải mái. Chứ hài "bác học" quá nghĩ ba ngày ba đêm đêm mới hiểu để cười thấy mệt lắm luôn!”.
Nickname M.H bình luận: “Đọc bài phỏng vấn của anh Trấn Thành, chỉ thấy nói chung chung là hãy tắt tivi nếu thấy chương trình hài nhảm để đào thải chương trình hài kém chất lượng. Nói vậy thì có gì sai đâu ta? Anh ấy (nghệ sĩ Trấn Thành) so sánh rất đúng, một bài hát có thể hát mười năm nhưng một vở hài khán giả chỉ cười một lần. Khán giả giờ cậy mạng xã hội, gì cũng nói được”.
Facebooker Mai Anh cũng nêu ý kiến: “MC Trấn Thành đã giải thích cho sự "thiên vị" hotboy trà sữa rất rõ ràng. Tiếng cười vốn đã là một thứ cảm tính, phụ thuộc vào tâm cảnh của người ta vào một lúc nhất định chứ không phải là thứ có thể định lượng như hóa chất được nên không có chuyện thế này phải cười thế kia thì không. Trấn Thành khi bị chê bai đã rất đúng mực, giải thích nhẹ nhàng chứ không nhảy chồm lên phản bác chỉ trích như khá nhiều người khác, với mình thế là OK”.
“Nghệ sĩ trả lời như vậy là không tôn trọng khán giả”
Bên cạnh đó có nhiều bạn phản ứng tiêu cực với câu nói của nam nghệ sĩ. Ảnh: Internet
Bạn Hùng Mạnh (18 tuổi, TP.HCM) cho rằng khách hàng của nghệ sĩ là người xem, Trấn Thành là người của công chúng, không nên nói kiểu “giận lẫy” là “Ai không muốn xem thì đừng xem nữa”. Trung Nguyễn (16 tuổi, TP.HCM) lại suy nghĩ, đúng là việc xem gì là tùy mỗi người, nhưng nam diễn viên nói vậy là không tôn trọng khán giả - những người ủng hộ, tiếp sức mạnh cho anh, cách nói đó còn thể hiện anh không chịu nhìn nhận và sửa đổi khuyết điểm.
Thảo Như (20 tuổi, TP.HCM) cũng đồng quan điểm, cho rằng nghệ sĩ Trấn Thành đã hơi ngông khi phát ngôn như vậy. Bạn cho rằng nam diễn viên đáng lẽ có thể nói cách khác để đẹp lòng khán giả hơn.
Cũng có nhiều bạn thất vọng vì nghệ sĩ Trấn Thành không còn diễn hài hay như xưa. Facebooker Thủy Linh nhận xét: “Ném đá” Trấn Thành có hai kiểu người, trong đó có nhóm người đã từng thích Trấn Thành nên hy vọng nhiều. Bản thân người xem không thể biết được những áp lực của nghệ sĩ (như kịch bản, ý muốn của nhà tài trợ,…). Còn Minh Anh (17 tuổi, TP.HCM) thì cho rằng, hài phải mang đến tiếng cười sảng khoái và sâu sắc, mới là nghệ thuật hài thật sự.
"Quyền lực lớn nhất quyết định nằm ở trong tay người xem truyền hình"
“Câu nói của anh Trấn Thành dù hiểu thế nào thì cũng luôn có một ý đúng: Mỗi người có một sở thích, mà "không yêu thì đừng níu kéo". Giống như có người không xem nổi bóng đá, cũng có người “nuốt không trôi” phim Hàn. Tương tự, hài thì cũng có năm bảy loại: Hài “thâm” - để vừa cười vừa ngẫm nghĩ, hài “nhảm” - cười rồi quên. Mình cũng từng rất thích Trấn Thành nhưng bây giờ ngừng xem vì không thấy hay nữa. Nếu bạn không thích thì tìm cái gì hợp với bạn để xem, chứ ngồi chửi cũng không được gì vì cứ còn người thích xem hài “nhảm” thì nghệ sĩ sẽ còn diễn hài “nhảm”. Nghệ sĩ diễn cho người ta xem chứ đâu có tự nhiên mà diễn bao giờ?”, Nhật Vy (18 tuổi, TP.HCM).
Cũng có nhiều bạn đồng ý với nhận định rằng nhiều show truyền hình bây giờ đang dần mất chất nên các bạn tìm đến những chương trình có ích hơn. Lê Quỳnh (Cần Thơ) chỉ xem vài show có chọn lọc: Phải mang tính giải trí, nếu làm “lố” quá (như lồng nhiều tiếng cười, vỗ tay không cần thiết) thì loại ngay. Thành Trung (ĐH Kiến Trúc, TP.HCM) thì tránh những show thực tế dính nhiều xì-căng-đan bị thổi phồng, chủ yếu chỉ xem chương trình nào tìm được tài năng thực sự dựa vào những đánh giá chuyên môn.
Hoa Học Trò Online xin trích ý kiến của facebooker Trần Thăng Long:
“Xem tivi cũng chẳng khác gì các bạn đang bỏ tiền ra mua hàng hóa ngoài siêu thị.
Bạn không xem = không mua hàng => đố chương trình nào tồn tại được.
Những chương trình muốn tồn tại trên sóng thì phải có quảng cáo có tài trợ, nghĩa là phải có rating, phải đông người xem.
Khi bạn tắt tivi, bạn đã cho thấy bạn không thỏa hiệp, không dễ dãi với những gì mình xem. Bạn góp phần làm giảm rating của một chương trình theo bạn là không hay, và chuyển sang xem cái khác hợp gout bạn hơn.
Bằng cách này, tự khắc các chương trình kém chất lượng, tục tĩu sẽ bị flop và phải cancel, nhà đài cũng sẽ rút kinh nghiệm những tập rating flop sẽ cần thay đổi biên kịch, thay đổi khách mời diễn viên, và các format không hay sẽ bị đào thải”.
Còn Trúc Ngân (ĐH Tài chính - Marketing, TP.HCM) thì có góp ý đến các chương trình thực tế: “Có lẽ nên cần nhiều sự đầu tư và các khâu kiểm duyệt chặt chẽ hơn. Tránh lố lăng và tránh những từ ngữ không tốt đẹp, vì như vậy sẽ gây cho người xem cảm giác rất khó chịu. Nghệ sĩ cũng cần phải biết tự soi mình để ngày càng có những “đứa con tinh thần” làm hài lòng khán giả.”
HY DI - N.P - Ảnh: INTERNET