Rộng hơn câu chuyện thù lao tác phẩm giao hưởng

Rộng hơn câu chuyện thù lao tác phẩm giao hưởng
TP - Sau bài báo “Ông Thiếu Hoa sai hay sinh viên nhầm” và “Không có giá trong nhà trường”, tòa soạn đưa tiếp ý kiến của các nhân vật chính trong câu chuyện thù lao của một tác phẩm giao hưởng. Quyền phán xét xin nhường cho bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.

Không có giá trong nhà trường
> Ông Thiếu Hoa sai, hay sinh viên nhầm?

“Lao động nghệ thuật phải được trả xứng đáng”

Ý anh muốn nói lao động nghệ thuật trước nay chưa được trả xứng đáng?

Nhạc trưởng, chủ nhiệm khoa Lý luận- Sáng tác- Chỉ huy Nguyễn Thiếu Hoa:

Đúng như vậy, nên tôi lại mừng vì qua vụ này, công chúng sẽ hiểu rõ hơn về một loại hình lao động nghệ thuật đặc thù. Để chỉ huy một tác phẩm giao hưởng ba chương 15 phút với rất nhiều bè, rất nhiều chi tiết, là lao động mà tôi đã phải tích lũy cả đời. Thù lao 5 triệu là xứng đáng với tôi, tôi đã ưu ái học trò bởi nhiều đồng nghiệp còn cho rằng 5 triệu là quá rẻ. Nhưng quan trọng hơn, điều này đã được thỏa thuận giữa tôi và sinh viên.

Có sinh viên nói số tiền 20 triệu họ phải tích lũy trong vài năm. Nghe vậy anh có mủi lòng?

Sinh viên đó đã thỏa thuận với tôi về 5 triệu tiền chỉ huy cũng như số tiền còn lại (15 triệu) trả cho dàn nhạc, trên cơ chế thị trường và các em không thắc mắc gì cả.

Vấn đề tế nhị ở đây là anh vừa chỉ huy vừa là trưởng khoa vừa là giám khảo của buổi thi tốt nghiệp?Và có phải sở dĩ anh đặt mức phí cao hơn giảng viên khác vì danh tiếng của mình?

Tôi không muốn nói nổi tiếng hay không. Ngoài trách nhiệm trong khoa, tôi chỉ là một chỉ huy bình thường làm việc dàn dựng chỉ huy cho sinh viên theo yêu cầu của họ, không liên quan gì đến việc chấm thi. Tôi làm việc đàng hoàng minh bạch.

Tôi đã nói với ban giám đốc Học viện rằng đây là công việc ngoài giờ của tôi, như một người chỉ huy bình thường. Các em có thể mời tôi hay bất cứ chỉ huy nào khác kể cả người nước ngoài. Đắt hay rẻ là việc riêng của tôi. Còn chúng tôi có sai trái thì đã có cơ quan trách nhiệm làm rõ. Về việc phản ánh không khách quan, có sự đố kỵ ghen ghét hay không thì cứ để công chúng phán xét.

“Tầm 3 triệu thì vừa”

Thái Lưu- hiện giảng dạy tại trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc, một trong 7 sinh viên vừa có buổi thi tốt nghiệp gây dư luận vừa qua.

Số tiền phải chi cho tác phẩm tốt nghiệp (gần 20 triệu) đối với bạn là quá lớn không thể đáp ứng nổi?

Tất nhiên số tiền đó lớn nhưng không phải không đáp ứng nổi. Chắc tôi phải làm 2-3 năm gì đấy mới tiết kiệm được. Các khóa trước nghe nói thù lao cho thầy là 2-3 triệu. Bây giờ tính cả trượt giá, cũng như cộng thêm tình cảm thầy trò, thì tôi nghĩ thù lao cho chỉ huy khoảng 3 triệu là vừa. Khi thầy đã đưa giá đấy mà lại mặc cả với thầy thì cũng không được.

Liệu thầy vừa chỉ huy vừa chủ nhiệm khoa vừa chấm thi có khiến sinh viên thấy khó xử?

Cũng không phải thế.

Ngoài ra, bạn thấy có vấn đề gì về chất lượng làm việc của thầy Hoa với tác phẩm tốt nghiệp của mình?

Nói chung bài của tôi mà thầy và dàn nhạc dựng, chấp nhận được. Đại khái là tác phẩm đạt khoảng 90%.

Chuyện vừa qua liệu có ảnh hưởng gì đến tiến độ, kết quả tốt nghiệp của các bạn?

Tôi nghĩ là không vì bọn tôi đã tốt nghiệp thì kết quả có đấy, không ai thay đổi được.

Khi đăng ký học sáng tác bạn có xác định sẽ phải tốn kém và có sự chuẩn bị trước về tài chính?

Hồi đó, tôi chỉ biết tôi thích môn sáng tác thì học thôi, tôi không nghĩ sẽ tốn nhiều tiền để tốt nghiệp như thế này.

“Anh Hoa không có sai phạm gì, nhưng cá nhân tôi không chấp nhận giá 5 triệu”

Được biết chiều 26-5 ban giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia đã có cuộc làm việc với 6/7 sinh viên. Kết quả ra sao thưa anh?

PGS, NSƯT Vũ Chí Nguyện, phó Giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia:

Cuộc làm việc diễn ra cởi mở, tôi đã động viên các em không phải e ngại gì, có khúc mắc gì cứ nói ra vì đều là cán bộ đi học. Và các em đã cho biết, các em không bị ép buộc gì, hoàn toàn thỏa thuận với thầy Hoa về mức thù lao. Không ai phàn nàn gì cả.

Liệu các em có phải e sợ điều gì?

Tại sao phải sợ? Anh Hoa chỉ là một trong 5 giám khảo, những người còn lại có giáo sư, có người còn danh tiếng hơn anh Hoa. Chuyên ngành của anh Hoa lại không phải là sáng tác mà là chỉ huy. Anh ấy cũng chưa bao giờ làm cai việc gây sức ép với sinh viên.

Liệu có chuyện mà giảng viên trong trường gọi là vừa đá bóng vừa thổi còi khi nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa đồng thời cũng là chủ nhiệm khoa của các em?

Vừa đá bóng vừa thổi còi là cách nói thiếu xây dựng. Trong Học viện không có chuyện ấy mà cũng không ai cho phép làm điều ấy.

Buổi làm việc hôm 26-5 tôi đã cấp giấy chứng nhận tạm thời cho các em khi họ đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp, đang chờ đợi nhận bằng tốt nghiệp. Chúng tôi phải làm việc kỹ về vấn đề vừa qua để việc gì xảy ra thì đã xảy ra rồi, rút kinh nghiệm cho những kỳ thi sau đạt hiệu quả và không gây nên những dư luận không hay.

Tóm lại buổi làm việc cho thấy anh Hoa không có sai phạm gì. Nhưng cá nhân tôi không chấp nhận cái giá 5 triệu và vẫn giữ quan điểm nhà trường không phải là thị trường.

Barem thù lao nghệ thuật: Nên qui định lại

Trong vụ việc vừa qua, phải xem lại quy định trong môi trường âm nhạc cụ thể là Học viện Âm nhạc Quốc gia. Nếu không, cái cần xem xét ở đây là vấn đề thầy và trò, trong môi trường văn hóa.

Hiện tại thù lao cho nhạc trưởng phụ thuộc quy định của nhà nước. Vì khi đã huy động đến dàn nhạc lớn và nhạc trưởng thường chỉ có chương trình lớn của nhà nước. Barem của nhà nước, cụ thể vừa rồi tôi làm chương trình Nghìn năm Thăng Long, rất thấp.

Tôi dựng một thanh xướng kịch rất lớn, dài 45 phút cũng chỉ được vài chục triệu. Cho nên chỉ huy đã ít lại càng ít. Quy định về ba-rem của Bộ VHTT&DL quá cũ.

Doãn Nguyên
Giám đốc Dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG