Rùng mình công nghệ 'sấy' lưu huỳnh

Ai dám đảm bảo những loại đông dược này không được bảo quản bằng lưu huỳnh?
Ai dám đảm bảo những loại đông dược này không được bảo quản bằng lưu huỳnh?
Lâu nay, trong bào chế đông dược, xông lưu huỳnh là biện pháp chủ yếu để phòng chống mốc, tạo màu sáng đẹp cho dược liệu. Tuy nhiên, nhiều cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận đã lợi dụng việc xông lưu huỳnh với hàm lượng vượt quá quy định cho phép, bất chấp tác hại của nó đối với người tiêu dùng.

Cứ đông dược là có lưu huỳnh?

Với kinh nghiệm hơn 20 năm trong nghề, chủ một cơ sở sản xuất ở xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) - một trong những nơi cung cấp nguồn đông dược cho địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Đông dược chế biến tại đây có thể để tới 4 năm mà không bị mốc”...?! Chỉ tay ra phía ngoài đường, chỗ mấy ụ cót, chủ cơ sở sản xuất này còn cho biết: “Công nghệ hấp sấy bảo quản thuốc tốt nhất ở đây chính là xông thuốc bằng lưu huỳnh!”.

Khác với thời điểm trước, hiện việc các cơ sở sử dụng lưu huỳnh để sấy đông dược liệu có phần thận trọng và “kín đáo” hơn. Theo anh Nguyễn Văn Xuân - một người thường xuyên làm công việc sấy thuốc: “Với chúng tôi, việc ngửi mùi lưu huỳnh như việc hít thở không khí hàng ngày vậy. Mặc dù đã biết ngửi lưu huỳnh nhiều là không tốt nhưng vì cuộc sống, chúng tôi không còn cách nào khác bởi đến thời điểm hiện tại, ở khu vực này, “xông” lưu huỳnh là biện pháp duy nhất để bảo vệ thuốc khỏi mối mọt, nấm mốc”. Theo bà Nguyễn Thị L - chủ một cơ sở kinh doanh đông dược ở xóm 8 xã Ninh Hiệp, lưu huỳnh có thể ủ trực tiếp vào thuốc.

Hơi lưu huỳnh sẽ có tác dụng diệt khuẩn, chống ẩm mốc - phương pháp này có nhược điểm là mỗi lần ủ xong lại mất công rải thuốc tìm những hạt lưu huỳnh còn sót lại bám vào thuốc. Cách thứ hai mà cả xóm đều làm là... hun. Người ta đựng lưu huỳnh vào bát hoặc khay, châm lửa đốt sau đó dùng tấm cót cao chừng 1,5m quây kín. Thuốc được rải lên một tấm lưới thép mắt nhỏ và phía trên đậy kín lại bằng tấm nilon. Khí cháy từ lưu huỳnh sẽ bốc lên làm khô thuốc. Thuốc sẽ cứng hơn và có màu khá bắt mắt.

Theo các bác sĩ đông y, trong y học cổ truyền, lưu huỳnh là một vị thuốc có vị chua, tính ấm, có độc, thường được dùng bôi ngoài để chữa các bệnh ngoài da như ghẻ, nấm, ung nhọt… dùng đường uống trong để chữa các bệnh như liệt dương, tiện bí… Vì là vị thuốc có độc nên lưu huỳnh phải được bào chế đúng cách, sử dụng hết sức thận trọng, đúng chỉ định và liều lượng. Tuy nhiên, vì lợi nhuận, nhiều cơ sở sản xuất thuốc đông y đã lạm dụng lưu huỳnh khiến không ít loại dược liệu có dư lượng chất này vượt quá tiêu chuẩn cho phép….

Chưa có quy định cụ thể

Điều đáng nói là đến nay, chưa có công trình nghiên cứu về tác hại của lưu huỳnh trong thuốc đông y đối với sức khỏe người bệnh và cũng chưa có quy định, tiêu chuẩn cụ thể để kiểm soát liều lượng chất này trong thuốc.

Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng cho rằng, hoạt động nhập khẩu sơ chế buôn bán đông dược vẫn còn “nằm trong bóng tối”, ngành dược chưa thể quản lý hết được vì khâu thực thi các văn bản pháp luật yếu. Hiện Cục đang xây dựng các giải pháp để khắc phục vấn đề này. Ông Nguyễn Văn Yên - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong quá trình bảo quản, chế biến, sản xuất đông dược có thể cho phép sử dụng lưu huỳnh trong một quy trình nào đó nhưng phải theo đúng hàm lượng quy định đối với từng loại sản phẩm.

Thời gian qua, để quản lý tốt mặt hàng này, Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện một số cơ sở sản xuất mua bán đông dược liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ... Theo quy định, các cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính, cho tiêu hủy số đông dược không đảm bảo chất lượng. Nhưng về lâu dài để bảo vệ sức khỏe của chính mình, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan chức năng thì người tiêu dùng cũng nên thận trọng trước khi quyết định sử dụng bất cứ sản phẩm thuốc đông dược nào hiện có trên thị trường.

Có khả năng gây ung thư…

Theo các nhà chuyên môn, bột lưu huỳnh được cho vào chảo gang, đốt lửa ở dưới để lưu huỳnh bay hơi diệt côn trùng, vi khuẩn nhằm bảo quản đông dược. Dược liệu khi được xông lưu huỳnh có màu sắc đẹp, để được lâu. Đây là cách bảo quản rất nguy hiểm bởi đông dược là những vị thuốc làm từ rễ, thân, lá, cây cỏ và từ da, xác động vật... dễ hút ẩm nên đây là môi trường thích hợp cho nấm mốc phát triển. Khi lưu huỳnh bị đốt cháy thành SO2, là chất tẩy mạnh giúp tiêu diệt được nấm mốc.

Tuy nhiên, trong quá trình xông, lưu huỳnh sẽ lưu lại trên thuốc làm thuốc bị cứng, thay đổi màu sắc, mùi vị. SO2 gặp hơi ẩm trong phổi thành H2SO3 (axit sunfurơ) là chất ôxy hóa, ảnh hưởng đến phổi và hệ thần kinh. Khi dược liệu bị xông, sấy thì phân tử SO2 và SO3 sẽ ngấm vào thuốc kết hợp với H2O, các chất khác trong dược liệu sẽ tạo thành những tinh thể có độ bền vững cao... có khả năng gây ung thư nếu tồn dư một lượng đáng kể trong cơ thể .

Hiện nay đã có phương pháp bảo quản thuốc đông dược bằng nhiệt độ, mà không cần dùng đến lưu huỳnh. Các phương pháp bảo quản an toàn khác như chiếu xạ, dùng ánh sáng hồng ngoại, đông khô, bảo quản chân không, tuy an toàn nhưng chi phí rất cao. Trong điều kiện làm ăn nhỏ lẻ, thủ công thì những cơ sở, những biện pháp trên hầu như không được các cơ sở sản xuất đông dược sử dụng. Bên cạnh đó, một phần không nhỏ đông dược liệu trước khi được chế biến thành các bài thuốc đều không rõ nguồn gốc xuất xứ, không nhãn mác, không hạn sử dụng.

Khi bị dị ứng với lưu huỳnh, ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể có các biểu hiện như đau đầu, khó thở, ngạt mũi… Còn ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị tử vong, nhất là ở những người mắc bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mạn tính. Do đó, khi sử dụng, người bệnh nên đến các cơ sở uy tín có đủ tư cách pháp nhân, giấy phép hành nghề để được kê đơn, bắt mạch và mua dược liệu đảm bảo về chất lượng. Bên cạnh đó, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy định cụ thể để quản lý chặt chẽ hơn nữa sản xuất chế biến và nhập khẩu đông dược liệu, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc…

Theo An ninh Thủ đô

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm