Ba cuốn sách hiếm từ thế kỷ thứ 16 và 17 mới được tìm thấy trong thư viện trường Đại học miền Nam Đan Mạch. Tuy nhiên, các nhà khoa học phát hiện ra rằng chúng được phủ bởi một chất độc chết người.
Phát hiện này khiến người ta liên tưởng đến cuốn tiểu thuyết và phim “The Name Of The Rose” (Án Mạng Trong Tu Viện) – trong đó, có nhiều người chết do những trang giấy độc của một văn bản bị cấm động đến.
Ba cuốn sách được đem đi kiểm tra vì trước đó, người ta phát hiện ra rằng có những mảnh văn bản thời Trung Cổ được những người bọc sách sử dụng làm bìa. Khi cố xem những dòng chữ tiếng Latin trên những mảnh văn bản đó, thì các nhà nghiên cứu lại thấy rằng chúng rất khó đọc vì có một lớp gì đó khá dày, màu xanh lá, phủ lên làm mờ hết các chữ.
![]() |
Rồi khi trường Đại học miền Nam Đan Mạch dùng tia X để kiểm tra các cuốn sách, thì hóa ra, lớp màu xanh chính là asen – một trong những chất độc nhất trên thế giới!
Kaare Lund Rasmussen, một giảng viên của trường, nói: “Ngay khi chúng tôi chạy các tia X lên bề mặt màu xanh, thì chúng tôi thấy lượng asen cao khủng khiếp! Có lẽ asen được người ngày xưa dùng trong trường hợp này để bảo vệ các văn bản khỏi mối mọt, côn trùng”.
Ba cuốn sách hiện nay được cất trong tủ có thông gió, bên ngoài dán nhãn cảnh báo phải cẩn thận.
Người ta cũng có dự định sẽ lưu nội dung các cuốn sách vào máy tính, để giảm việc mọi người phải cầm tay vào chúng.
Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân mà một số người bị dính độc và gặp các vấn đề về sức khỏe khi động vào những đồ vật cổ xưa.