Sách giáo khoa của TP.HCM sẽ được biên soạn như thế nào?

Sách giáo khoa của TP.HCM sẽ được biên soạn như thế nào?
HHT - Lãnh đạo Sở GDĐT TP.HCM cho biết, hiện TPHCM chỉ chờ khung chương trình của Bộ GDĐT là sẽ chính thức bắt tay vào biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) mới.
Sách giáo khoa của TP.HCM sẽ được biên soạn như thế nào? ảnh 1
TP.HCM đã sẵn sàng biên soạn SGK mới.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, không phải đến bây giờ Sở mới chuẩn bị cho công tác biên soạn SGK riêng mà công tác chuẩn bị này đã được thực hiện từ trước đó rất lâu.

Từ năm học 2011-2012, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai thí điểm bộ tài liệu dạy học môn Vật lý lớp 6 đến lớp 8 trong một vài trường THCS và đến nay, tài liệu này đã được sử dụng trong hầu hết các trường THCS của thành phố. Theo lãnh đạo Sở, do SGK có nhiều kiến thức hàn lâm nên Sở biên soạn một bộ tài liệu hỗ trợ giúp giáo viên cũng như học sinh dễ hiểu, dễ sử dụng.

Trước đó, từ năm 2009, Sở có chủ trương biên soạn bộ tài liệu hỗ trợ cho việc giảng dạy ở các trường THCS nên đã triệu tập hội đồng bộ môn gần 200 giáo viên tiến hành viết tất cả các môn học từ lớp 6 đến lớp 9. Mỗi bộ môn có khoảng 10 giáo viên có kinh nghiệm, vững kiến thức chuyên môn cùng bàn bạc, thảo luận với lãnh đạo Sở về chương trình, đưa ý kiến xây dựng, cấu trúc lại nội dung…

Mục tiêu là tài liệu phải hay, dễ sử dụng để nâng cao chất lượng. Khi thực hiện phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ nội dung, chương trình, chuẩn kiến thức kỹ năng của Bộ nhưng thay đổi về cách tiếp cận. Thời điểm đó, tất cả các bộ môn đã có tài liệu dưới dạng bản thảo, tuy nhiên mới chỉ có bộ tài liệu môn Vật lý được sử dụng thí điểm. Theo đánh giá của các giáo viên và học sinh trực tiếp sử dụng, bộ tài liệu này rất hay và bổ ích.

Năm học 2014-2015, Sở GD&ĐT tiếp tục phát hành thêm Tài liệu dạy học Toán lớp 6 tập 1. Cũng giống như mục đích biên soạn môn Vật lý, môn Toán được biên soạn phù hợp với chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD-ĐT.

Năm 2016, Bộ GD-ĐT đã có văn bản đồng ý cho phép Sở GDĐT TP.HCM phối hợp NXB Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ SGK. Trong đó, Sở đóng vai trò hỗ trợ, định hướng chuyên môn, mời và tập hợp các thành viên hội đồng biên soạn; còn NXB thực hiện các công đoạn như biên tập, trình Bộ thẩm định…

Hai năm qua, Sở đã mời và tuyển chọn những chuyên gia, học giả hàng đầu của thành phố, những giáo viên giỏi, năng động, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, có nhiều kinh nghiệm.. tham gia vào việc biên soạn SGK.

Chính từ những bước khởi đầu này, có thể nói công tác biên soạn SGK riêng của TP.HCM về cơ bản đã được chuẩn bị từ khá sớm. Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, bộ SGK của TPHCM sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ. Bên cạnh đó, sẽ tinh giản về mặt kiến thức nhưng hiện đại và có tính ứng dụng cao, khắc phục các nhược điểm của những bộ sách hiện hành như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn.

Hình thức thể hiện cũng sẽ được chú trọng, xây dựng và thiết kế sinh động. Tinh thần của bộ sách sẽ là chú trọng để người học hiểu và làm, không đặt nặng việc học thuộc lý thuyết; chú trọng rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống; kết hợp giữa dạy chữ và dạy người...

Ngoài ra, hội đồng biên soạn sẽ đưa vào những nội dung sát với đặc thù riêng của TP.HCM về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, kinh tế... Đồng thời, tích hợp các chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống của thành phố cùng các tỉnh, thành khu vực phía nam.

Cấu trúc của bộ sách sẽ khác hoàn toàn với cấu trúc truyền thống, nội dung trong sách sắp xếp thành từng chủ đề, chủ điểm chứ không quy định cụ thể theo từng tiết. Điều đó giúp giáo viên chủ động trong việc tổ chức nội dung giảng dạy để phù hợp với thực tiễn lớp học, thực tiễn về phát triển công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh.

Nhận định về bộ SGK mới, ông Trần Mậu Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) cho biết, TP.HCM hoàn toàn có khả năng để biên soạn SGK phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội của thành phố, bớt đi tính hàn lâm mà đi sâu vào ứng dụng thực tiễn. SGK nên đa dạng, phong phú tùy vào hoàn cảnh kinh tế-xã hội của từng vùng, miền sẽ tốt hơn.

Cùng quan điểm này, cô Minh Nguyệt, giáo viên THCS quận 5 cho biết, việc TP.HCM biên soạn SGK dựa trên chương trình khung của Bộ GD-ĐT sẽ phù hợp với điều kiện, trình độ của học sinh thành phố, nội dung giảng dạy sẽ phù hợp và hấp dẫn hơn.

Sở GD-ĐT TP.HCM cũng thông tin, sau khi Hội đồng thẩm định quốc gia phê duyệt bộ sách được giảng dạy trong trường phổ thông, Sở không áp đặt các trường phải sử dụng sách của thành phố hay bất kỳ bộ sách nào. Các trường, đặt biệt là các tổ chuyên môn sẽ căn cứ vào mục tiêu giáo dục, năng lực truyền thụ, khả năng học sinh, điều kiện để lựa chọn sử dụng sách hợp lý.

Theo infonet.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm