Sai chính tả tràn lan - Chuyện nhỏ?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều người kêu, đọc thấy nhiều lỗi chính tả trên sách báo và mạng quá. Không rõ có phải do lượng văn bản - kể cả được in, hay được đưa lên mạng xã hội - ngày càng nhiều lên hay không? Hay do xuất hiện nhiều người chăm đi “bóc phốt” những người nổi tiếng? Hoặc do giáo dục phổ thông có vấn đề? Vv và vv… Nhưng rõ ràng đây là hiện tượng xã hội - văn hóa đáng nói.
Sai chính tả tràn lan - Chuyện nhỏ? ảnh 1
Một số lỗi chính tả của “sao” Việt.

“Sao” cũng sai!

Một cô giáo dạy Văn kể: “Học trò của tôi hay viết “giường như” chứ không phải “dường như”. Tôi đã sửa mấy lần nhưng các bạn vẫn y nguyên”. Phóng viên hỏi: “Học trò có ngượng khi bị cô giáo bóc lỗi chính tả?”. Người gắn bó hơn 20 năm với nghề chèo đò cười: “Nếu các em biết ngượng thì đã tích cực sửa lỗi. Học sinh bây giờ chẳng để tâm việc này”.

Trên mạng xã hội có cả “Hội những người sai chính tả” với trên 1.000 thành viên. Có thành viên đặt câu hỏi: “Đến giờ vẫn chưa biết Chuyện và Truyện khác nhau chỗ nào?”. Thành viên khác lại hỏi: “Xơ xác hay sơ xác mới đúng?”. Hoặc: “Lắp ráp hay lắp rắp vậy mọi người?”; “Phân biệt “chả” với “trả” thế nào?”… Thành Nhân, 20 tuổi, nhân viên nhà hàng, cho rằng: “Lỗi tại ngữ pháp Việt Nam. Khó quá cơ! “Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” nên ai rồi chẳng có lúc sai chính tả. Cứ thử xem các ngôi sao ở Việt Nam, họ viết sai rất chính tả rất nhiều”.

Sai chính tả tràn lan - Chuyện nhỏ? ảnh 2
Một số lỗi chính tả của “sao” Việt.

“Sao” Việt viết sai chính tả có vẻ như “chuyện thường ngày ở huyện”. Không cần chờ “sao” viết dòng trạng thái bằng tiếng Anh để bắt lỗi chính tả, ngay khi dùng tiếng Việt một số người nổi tiếng trong lĩnh vực ca hát, phim ảnh vẫn bị “soi” lỗi như thường. Mới đây, Trấn Thành gây tranh cãi khi viết bình luận trên mạng xã hội về tên nhân vật trong phim “Mai”: “… Nhưng bên kia là TRÙNG DƯƠNG. Tuy là ánh dương nhưng sẽ trùng xuống”. Khán giả bắt lỗi Trấn Thành vì hiểu sai nghĩa của từ “trùng dương” và lỗi chính tả: “Chùng xuống”, chứ không phải “trùng xuống”. Tất nhiên, sau đó Trấn Thành nhanh chóng sửa “trùng” thành “chùng”.

Giọng ca “Em gái mưa” từng hào hứng viết: “Song show đầu tiên tuyệt vời tại Mĩ rồi…”. Ở đây, Hương Tràm nhầm “xong show” với song sắt, song cửa… Lần khác cô lại bắt chước lời bà hoàng hậu độc ác thường xuyên soi gương thần trong truyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”: “Gương kia ngự ở trên tường!!! Thế gian ai nhắng được rường như ta”. Truyện cổ tích viết rằng: “Gương kia ngự ở trên tường/Nước ta ai đẹp được dường như ta?”. Hương Tràm nhớ câu hỏi của bà hoàng hậu nhưng lại quên viết đúng chính tả.

Hồ Ngọc Hà cũng từng vô tình hoặc cố tình nhầm “d”- “gi”. Người đẹp viết: “Ai là fan của những đôi lông mi dài, tơi và dữ cong lâu? Dơ tay?”. Có người bình luận: “Hồ Ngọc Hà có lẽ quên tiếng Việt có chữ “gi”? Không biết cô ấy viết “giận hờn” thế nào?”. Một mĩ nhân khác của làng giải trí lại nhầm “s”- “x”: “Xinh ra vốn dĩ hiền lành…”. Khán giả đặt câu hỏi vui: “Người đẹp xinh đẹp từ khi mới sinh ra hay cậy nhờ dao kéo?”.

Sai chính tả tràn lan - Chuyện nhỏ? ảnh 3
Một số lỗi chính tả của “sao” Việt.

Phu nhân của đạo diễn, nhà sản xuất mát tay Trấn Thành rất hay bị nhặt lỗi chính tả. Thí dụ cô viết lời cảm ơn người chị đã gửi cho cô món phở ngon như sau: “…Em sẽ trân trọng hút hết nước không chừa dọt nào”. Nhưng Hari Won được nhiều khán giả cảm thông vì cô mang hai dòng máu Việt Nam - Hàn Quốc, sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc. Ngược lại, người thủ vai “Quỳnh búp bê”, diễn viên Phương Oanh lại khiến khán giả lắc đầu, khi cô viết: “Nếu không thay đổi xa mạc, ta có thể làm sương rồng”. Một câu ngắn đã vấp hai lỗi chính tả: “Sa mạc” bị biến thành “xa mạc”; “xương rồng” bị biến thành “sương rồng”. Chắc Phương Oanh thích ca khúc “Giọt sương trên mí mắt” của cố nhạc sĩ Thanh Tùng?

Có người cho rằng: Ngày nay hiện tượng sai chính tả có vẻ phổ biến hơn trước. PGS.TS Phạm Văn Tình, nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, tác giả của nhiều cuốn sách về ngôn ngữ cho rằng: “Chưa có thống kê nào chứng thực điều đó. Nhưng vì không gian thể hiện về chữ viết hiện nay rộng hơn xưa, không chỉ dừng ở viết tay nên cảm giác hiện tượng sai chính tả nhiều, còn nhiều hơn hay không thì phải làm thống kê”.

Sai chính tả tràn lan - Chuyện nhỏ? ảnh 4

PGS-TS Phạm Văn Tình

Tại “đầu ra” hay tại mạng xã hội?

Có người đổ lỗi cho giáo dục ở nhà trường khiến sai chính tả trở thành “hội chứng”. Một cán bộ của một viện nghiên cứu ở Hà Nội phàn nàn: “Chỗ tôi đang làm có một bạn tốt nghiệp Đại học Luật, lại vừa học xong thạc sĩ, thế mà viết câu cú tiếng Việt không xong. Chất lượng đầu ra sợ thật”. Một nữ tiến sĩ công tác tại Viện Văn học kể chuyện nhà: “Con tôi cơ bản không sai chính tả. Chỉ sai ở những chỗ bạn ấy không hiểu, thí dụ “hương hỏa” hay “măng mọc sau mưa”…”. Phóng viên tò mò: “Có phải nhờ cha mẹ làm ngành nghiên cứu văn học uốn nắn nên con trai hiếm khi sai chính tả?”. Bà cười, đáp: “Bạn ấy tự điều chỉnh là chính. Ý thức cá nhân mới quan trọng”.

Nhưng ý thức viết đúng chính tả có khi cũng bị mạng xã hội làm lung lay. Có người than thở: “Mạng xã hội nhiều người viết sai chính tả quá. Xem trên đó một hồi, giờ mình viết cũng không chuẩn chính tả như trước nữa”. Thời mạng xã hội phát triển, người ta hay viết: “Thui” thay cho “Thôi”; “Lém” thay cho “Lắm”; “Rùi” thay cho “Rồi”… Có những người cố tình viết sai chính tả kiểu biến “gi” thành “d” như Hồ Ngọc Hà. Một nhà thơ hài hước bình luận: “Soi” chính tả trên mạng xã hội vất vả ngang đếm cát trên sa mạc. Anh từng “bắt” được một câu trên mạng, nhại theo một câu hát ăn khách một dạo: “Còn quý nhau là còn sai chính tả, chứ tôi mà viết đúng là bạn coi chừng”.

Sai chính tả tràn lan - Chuyện nhỏ? ảnh 5
Một số lỗi chính tả của “sao” Việt.

Theo PGS-TS Phạm Văn Tình, sai chính tả thường xuất phát từ hai nguyên nhân: Do vô tình hoặc cố ý: “Vô tình sai là hiện tượng thói quen. Đặc biệt trong trường hợp ngữ nghĩa và chính tả không đi với nhau. Theo nguyên tắc ngữ âm học, chính tả phải đi với chính âm. Đọc thế nào viết thế ấy. Nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Thí dụ, không mấy người uốn lưỡi khi đọc “trong trẻo”, “sạch sành sanh”… Hay “rung rinh” chẳng hạn, người Hà Nội không uốn lưỡi, chỉ một số vùng uốn lưỡi. Nếu cứ chiểu theo nguyên tắc ngữ âm học trong những trường hợp này sẽ bị viết sai”. Nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cũng đồng tình với ý kiến, mạng xã hội phát triển khiến hiện tượng sai chính tả nhiều hơn: “Họ cố tình viết sai chính tả để đùa vui hoặc lôi kéo sự chú ý”. Theo ông, điều này khó tránh trong thời buổi người người tham gia thế giới ảo: “Bây giờ người ta không chỉ viết sai chính tả để tạo sự khác biệt mà cách nói của người ta cũng khác đi. Họ muốn lạ hoá để gây ấn tượng”. Nhưng theo PGS- TS Phạm Văn Tình, cố tình viết sai chính tả trong một nhóm thì không sao nhưng để chế độ công khai ai cũng đọc được lại gây phản cảm, ảnh hưởng tới cộng đồng.

Nhà văn trẻ ít sai chính tả hơn?

Một nhà thơ làm công tác biên tập bài vở cho một ấn phẩm văn chương chia sẻ chuyện bếp núc trong nghề: “Nhiều nhà văn viết sai chính tả. Là người biên tập, đọc một bản thảo mà thấy nhiều lỗi chính tả nhiều khi phát cáu và không muốn dùng nữa dù người viết là ai. Với văn chương, chính tả cũng quan trọng như kiến văn vậy. Mỗi chữ đều có một nghĩa riêng, nên viết sai cũng có thể xem anh là người không hiểu ý nghĩa của chữ. Có nhà văn từng là biên tập viên văn xuôi của tờ báo chuyên về văn chương còn sai chính tả be bét”. Sau nhiều năm làm công tác biên tập bài vở anh nhận thấy: “Tình trạng sai chính tả thường thấy ở các nhà văn lớp trước. Lớp trẻ hiện nay ít sai chính tả nhưng lại sai ngữ pháp nhiều hơn”.

Một nhà văn nhìn nhận: Không nên đánh giá nặng nề với hiện tượng sai chính tả. Dưới góc nhìn của ông: “Người bình thường nói ngọng hay viết sai chính tả có thể bỏ qua, không cần thiết “chuyện bé xé ra to”. Thậm chí có nơi còn là văn hoá vùng miền”. Nhưng theo PGS-TS Phạm Văn Tình ý thức viết đúng chính tả là cần thiết: “Sai chính tả là hiện tượng vừa mang tính ngôn ngữ, vừa mang tính văn hoá. Có nhiều trường hợp viết sai chính tả người ta đọc vẫn hiểu nhưng thấy phản cảm, thấy người viết thiếu ngữ năng cần thiết, từ đó mất cảm tình với văn bản. Thí dụ, một bài thơ hay mà mắc một lỗi chính tả, lẫn lộn “Tr” với “Ch”, “R” với “D” đã làm ảnh hưởng chất lượng văn bản chuyển tải”. Nhà nghiên cứu nói thêm: “Chính tả là biểu hiện ngôn ngữ của một dân tộc, chưa nói của quốc gia. Viết sai chính tả sẽ bị đánh giá chất lượng tiếng dân tộc của anh có vấn đề”. Phóng viên hỏi: “Một số nhân vật là người của công chúng viết sai chính tả, theo ông họ nên làm gì để xoa dịu người hâm mộ?”. PGS-TS Phạm Văn Tình nói: “Theo tôi, nên cầu thị khi mắc lỗi chính tả và bị phát hiện. Việc này không có gì đáng xấu hổ. Ai nắm tay đến tối, ai gối tay đến sáng? Trong những nhân vật mắc lỗi chính tả thì người nổi tiếng phải lưu ý đầu tiên vì họ gây ra hiệu ứng đám đông”.

MỚI - NÓNG