Sài Gòn: Những ngày cận Tết có rất nhiều điều khiến lòng người rộn ràng, reo ca

Sài Gòn: Những ngày cận Tết có rất nhiều điều khiến lòng người rộn ràng, reo ca
HHT - Hổng biết nơi mấy bạn đang sống đón Tết sao chứ ở Sài Gòn, những ngày cận Tết có rất nhiều điều khiến lòng người rộn ràng, reo ca.

Rộn ràng những ngày cận Tết

Từ lúc đưa ông Táo về trời đến 30 Tết, Sài Gòn đông nghịt người xe, sôi nổi, rạo rực với không khí chuẩn bị đón Tết. Chỗ này chuẩn bị đường hoa, hội hoa Xuân, chỗ kia bày bán đủ thứ hàng phục vụ Tết từ dưa hấu, bánh mứt, trái cây… đến tràn ngập các loại hoa. Chẳng cần phải vô chợ mới mua được hàng Tết, bạn chỉ cần dạo quanh các con đường gần nhà, thế nào cũng lựa được chậu hoa, trái dưa hấu... ngay tại các sạp trên các vỉa hè. Trả giá thoải mái, thuận bán vừa mua. Ngày Tết dường như mọi luật lệ được “cho qua”, được xuề xòa, “Tết mà!”.

Sài Gòn: Những ngày cận Tết có rất nhiều điều khiến lòng người rộn ràng, reo ca ảnh 1

Chưa lúc nào Sài Gòn tươi như những ngày Tết, hoa từ trong nhà ra ngoài phố với đủ sắc màu của mai, đào, lan, cúc, vạn thọ... Và dù đất Sài Gòn chật hẹp, vẫn không ít nhà bập bùng ngọn lửa bên nồi bánh tét, bánh chưng.

Đặc biệt nhất là khu Chợ Lớn ngày cận Tết. Chưa đến Chợ Lớn là chưa biết mùi Tết à nha. Cả khu như nhuộm một màu đỏ của câu đối, bao lì xì, phụ kiện trang trí, lân sư rồng… Ở đâu cũng rộn ràng, người đứng ngoài xe chờ người vô mua kín cả con đường, nắng cháy da, mồ hôi nhễ nhại nhưng không thấy một ai than phiền. Tết mà!

Còn trong trung tâm thành phố, lại là một kiểu Tết khác: Đường phố được trang trí đầy màu sắc, mấy khu nhà cao tầng cũng tận dụng mặt tiền để bài trí nhiều câu chúc, hình ảnh những chú cún lộng lẫy... rất độc đáo và cũng rất ngộ nghĩnh. Tết có mặt khắp nơi, đôi khi chỉ là một nhành mai nhỏ trên chiếc xe ba gác chất đầy những món đồ cũ của các nhà dọn dẹp cuối năm bỏ lại, những guồng chân bỗng nhiên nhẹ nhàng và yêu đời hơn. Tết mà!

Khánh Huyền (du học sinh Nhật Bản) chia sẻ: “Tết ở Sài Gòn ồn lắm, đi đâu cũng thấy nhà nhà mở nhạc Xuân, trước Tết cả tháng. Rồi thì ăn tất niên mấy chặp, hàng quán lúc nào cũng đông nghẹt. Nhiều lúc mình thấy phiền sao á, nhưng khi qua Nhật, bỗng nhiên nhớ cái ồn ào ở Sài Gòn. Bên Nhật chỉ cho mở nhạc từ ngày 1/1 đến 3/1, chỉ 3 ngày. Hết Tết là phải giữ yên tĩnh trở lại. Còn Tết mình, có khi rộn ràng cả tháng trời. Nhớ lắm!”. Đúng là Tết ở Sài Gòn ồn thiệt, mà sao ai cũng ghiền cái ồn này vậy ta?

Sài Gòn: Những ngày cận Tết có rất nhiều điều khiến lòng người rộn ràng, reo ca ảnh 2

Và cái ồn lan tới tận những cung đường về quê... Cảnh kẹt xe của những xa lộ cũng là một “đặc sản” của người Sài Gòn.

Vắng hoe sáng Giao Thừa

Những ngày cận Tết ồn áo náo nhiệt là thế, nhưng chỉ cần bước qua buổi sáng ngày Giao Thừa là bỗng chốc cả Sài Gòn vắng tanh. Người về quê ăn Tết, người ở nhà cúng kiếng, bước ra đường yên bình và trong lành đến lạ. Có một dạo tôi thích nhất là chạy xe thong dong trên các con đường sạch sẽ, ít người vào trưa Giao Thừa, để hít một hơi căng lồng ngực và cảm nhận cái Tết đậm đà nhất. Đường tuy vắng nhưng hai bên lúc nào cũng hương khói, đồ ăn, những bông hoa đầy màu sắc, lâu lâu lại nghe: “1, 2, 3 dzô!!!” văng vẳng ở đâu đó, báo hiệu một mùa lễ hội đã tới.

“Tết nào mình cũng về quê, nhưng có lần vì công việc đột xuất nên không kịp mua vé tàu, thế là ăn Tết ở Sài Gòn. Mình thấy được ngủ nướng trong các ngày Tết cũng là mùi Tết Sài Gòn. 365 ngày sống ở đất Sài Gòn này, có lúc nào mình được ngủ nướng đến 9, 10 giờ sáng đâu. Vậy mà Tết thì thoải mái. Sau những đêm bù khú cùng bạn bè, chúc Tết, vui chơi gia đình, mình đánh một giấc đến giữa trưa hôm sau cũng chẳng phiền ai. Tết mà, ai nỡ la đâu chứ!” - Diễm Thu (quê Tiền Giang) kể lại.

Đức Anh (du học sinh Phần Lan) từng nếm Tết xa nhà, bùi ngùi: “Không có xứ nào ăn Tết vui như dân xứ mình đâu. Tớ là dân Sài Gòn, năm đầu tiên ăn Tết bên Phần Lan, tớ chỉ ngồi… khóc vì nhớ Sài Gòn, nhớ đường hoa, nhớ khu Chợ Lớn. Nhất là nhớ bạn bè, gia đình và không khí vắng lặng của Sài Gòn trưa Giao Thừa. Sau lần ăn Tết xứ người buồn não ruột đó, tớ nhất quyết cật lực học và làm việc để năm nào cũng được về Sài Gòn ăn Tết. Cỡ nào cũng phải về!”.

Sài Gòn: Những ngày cận Tết có rất nhiều điều khiến lòng người rộn ràng, reo ca ảnh 3

Tết Sài Gòn - hiện đại có, truyền thống có

Những năm trở lại đây, giới trẻ Sài Gòn không chỉ đón Tết với tinh thần hiện đại, mà còn rất truyền thống với tà áo dài Việt. Xu hướng mặc áo dài vào dịp lễ Tết hết sức rộn ràng, và xu hướng chọn may sắm áo dài càng trở nên tấp nập, đặc biệt là áo dài cách tân, vừa phù hợp với giới trẻ, vừa năng động, tiện lợi. Áo dài cách tân không chỉ được may bằng các loại vải mềm mại như áo dài truyền thống, mà còn được may bởi rất nhiều các loại vải khác nhau, phổ biến nhất là vẫn là gấm, lụa, linen, lanh, nhung… và bạn hoàn toàn có thể mang sneaker trong tà áo dài đỏ may mắn ngày Tết.

Bạn Thuỵ Vy (quận Tân Bình) thổ lộ: “Chọn mặc áo dài ngày Tết, các bạn nữ trở nên duyên dáng hơn. Mình với bạn bè cũng đã sắm được vài bộ áo dài, Tết này mùng một hẹn nhau xúng xính đi chùa, ra đường hoa chụp hình. Nôn nao lắm!”.

Những địa điểm bạn có thể chụp theo concept áo dài ở Sài Gòn: Khu nhà cũ đối diện Dinh Độc Lập (đi nhanh kẻo lỡ, vì khu này sẽ sớm bị giải tỏa), hẻm 144 Pasteur (khu sống ảo cực hot của teen Sài Gòn), hẻm Hào Sỹ Phường (206 Trần Hưng Đạo B, Quận 5, TP.HCM), nơi đây có nét sinh hoạt đậm chất Trung Hoa của người Việt gốc Hoa khiến bạn như đang lạc vào một cảnh phim TVB vậy.

Coi vậy lẹ vậy, mà Tết lại đã về rồi nè! 

TOTTOCHAN - Ảnh: Zing, VnExpress

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?