Sai số 30 điểm

0:00 / 0:00
0:00
TP - 30 điểm vẫn trượt đại học, thực ra đó chỉ là cách nói nhằm đẩy cao kịch tính của câu chuyện. Dù hiện tượng đây đó vẫn có, tại những ngành học có sự cạnh tranh khốc liệt.

Tôi cho rằng vấn đề không phải điểm số, mà là hai chữ "đại học".

Có những đại học "30 điểm vẫn trượt", và cũng vô vàn đại học thi mười mấy điểm đã có suất đỗ. Thậm chí tìm mọi cách đẩy vào trường. Vậy hai "đại học" ấy trong cùng một hệ thống giáo dục đào tạo, là thế nào? Khác gì và giống gì? Hệ thống đào tạo cũng như bộ máy sử dụng nhân lực sau đào tạo của những kiểu "đại học" ấy lại cùng dùng chung một chiến lược, một khuôn mẫu, một hệ thống pháp quy, phải chăng là có vấn đề?

Và nữa, những ai quan tâm đến nền đào tạo đại học ở ta đều dễ thấy, đó là những "điểm nóng" khó chen chân lại chủ yếu do khi học ra dễ xin việc, ấm chỗ, hoặc được bao cấp ăn học, bao cấp việc làm... Còn lại về mọi thứ từ cơ sở vật chất đến trình độ đào tạo, hàm lượng nghiên cứu cũng như sản phẩm/thành phẩm khoa học cụ thể ứng dụng vào đời sống thì không phải cách xa nhau quá nhiều.

Nhưng hai đứa trẻ cùng lều chõng, một 30 điểm, một 15-16 điểm, khác nhau nhiều chứ. Khác biệt rõ nhất là về nền tảng học vấn và khả năng tiếp nhận học thuật, về tố chất nghiên cứu. Có điều, khi được xếp chung vào một hệ hình, chiến lược đào tạo hầu hết sàn sàn như nhau, thì phần đông những tinh chất, tiềm năng hiếm có kia sẽ bị bào mòn, chưa hẳn sẽ tạo nên sự khác biệt trong quãng đường tiếp theo.

Sai số từ đó sẽ xảy ra. Đó là ra đời, người thăng tiến, được việc rất nhiều khi lại là những đứa trẻ mười mấy điểm. Nhưng liệu đó có thực sự là sai số, hay chính là một thứ quy luật làm nên số phận con người? Quy luật về tầm quan trọng của bao nhiêu kỹ năng khác ngoài việc học hành chữ nghĩa, công thức, con số. Quy luật muôn thuở về trường đời mà khi nhìn lại ai cũng đều thấm thía.

Từ câu chuyện 30 điểm vẫn trượt, nhiều người chúng ta đổ lỗi cho việc cộng điểm ưu tiên thái quá đã lấy mất đi cơ hội của thí sinh điểm cao thực chất. Nhưng có để ý những đại học lớn trên thế giới cũng rất ưu tiên cho điểm ưu tiên, mà bảng điểm học lực nhiều lúc còn phải xếp sau đấy thôi. Có điều ưu tiên ấy dành cho những cá nhân xuất sắc về thể thao, nghệ thuật, kỹ năng chia sẻ và dẫn dắt cảm hứng, trách nhiệm xã hội, cộng đồng.

Sự luẩn quẩn "con gà quả trứng" vẫn kéo dài, từ tinh thần tự chủ và quyền được tự chủ của các đại học, từ hệ quả dùng dằng giữa thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, từ sự thiếu đột phá, khai phóng sáng tạo mạnh mẽ thực sự trong đào tạo con người. Dẫn đến sai số, như những con điểm 30, và những đời người...

MỚI - NÓNG