Sức hấp dẫn từ các sàn điện tử Trung Quốc
Ưu điểm nổi bật của các trang thương mại điện tử (TMĐT) Trung Quốc chính là hàng hoá đa dạng với mức giá “hạt dẻ” so hơn các sản phẩm xuất xứ từ Hàn, Nhật, Mỹ. Từ quần áo, thực phẩm đến đồ gia dụng hay linh kiện điện tử, tất cả đều có thể mua được ở đây.
Một số sàn TMĐT được tín đồ shopping yêu thích là Taobao, 1688, Pinduoduo, Tmall. Mỗi địa chỉ mua sắm lại có đặc điểm khác nhau, chẳng hạn như Tmall tập trung các hãng nổi tiếng nên chỉ thích hợp cho những lần muốn “săn” đồ hiệu trong đợt sale lớn của Trung Quốc. Taobao là sàn thương mại điện tử phổ biến nhất, sở hữu lượng sản phẩm đa dạng có giá cả phải chăng, phù hợp với việc mua lẻ, trong khi trang web 1688 dành cho bạn nào muốn mua sỉ số lượng lớn. Tương tự như hai địa chỉ trên là Pinduoduo - nơi có khối lượng hàng hóa khổng lồ. Tuy nhiên, các sản phẩm trên Pinduoduo lại không được kiểm duyệt chặt chẽ như Taobao, nên đôi khi sản phẩm đến tay người nhận khác xa hình ảnh minh họa.
Để đặt hàng trên các nền tảng này, người mua cần có tài khoản và đơn vị vận chuyển từ Trung Quốc về kho hàng Việt Nam. Dù một số trang web/ app cho phép thanh toán bằng thẻ Visa/ Master, nhưng không phải lúc nào chúng mình cũng có thể thanh toán thuận lợi bằng phương thức này. Vậy nên hầu hết các tín đồ “săn” hàng đều chuẩn bị sẵn phương thức thanh toán nội địa của Trung Quốc.
Ngay từ khâu đặt hàng, nhiều bạn đã gặp khó khi số điện thoại Việt Nam không thể đăng ký tài khoản. Bên cạnh đó, một số phương thức thanh toán phổ biến ở Trung Quốc như ví Wechat, ví Alipay... đều yêu cầu thẻ ngân hàng nội địa của Trung Quốc. Vậy nên các dịch vụ bán tài khoản, giúp thanh toán kèm theo vận chuyển hàng từ Trung Quốc về kho Việt Nam đã nhanh chóng xuất hiện và được tận dụng tối đa. Một số đơn vị còn tạo app giúp người mua nạp tiền Việt Nam để mua tiền tệ Trung Quốc, sau đó tự đặt hàng và những đơn vị này sẽ lo khâu vận chuyển. Tuy nhiên với hình thức này, bạn cần đọc kỹ điều khoản của app trong trường hợp nạp thừa tiền, thay đổi tỷ giá.
Một hình thức khác dễ dàng và phổ biến hơn là order qua trung gian trên Facebook, Shopee. Trung gian thường là những cá nhân hoặc các đơn vị vận chuyển tranh thủ “cá kiếm”, họ sẽ chịu trách nhiệm về đơn hàng của bạn, giải quyết các vấn đề ngôn ngữ, vận chuyển, thất lạc đơn... Bạn có thể tự mình tìm hàng trên các nền tảng bên Trung Quốc và dẫn link để nhờ đặt hàng, hoặc đặt theo mẫu trong các đợt gom hàng của những người bán trung gian.
“Đặt hàng qua trung gian thì mình chỉ việc đợi hàng về thôi, không cần mất công theo dõi đơn, nhất là trong thời điểm việc vận chuyển hàng hóa vẫn còn bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Ngược lại, mình sẽ phải trả giá cao hơn khi tự đặt. Công thức tính giá thường thấy khi nhờ đặt qua trung gian là Giá sản phẩm trên web/ app x Tỷ giá + Tiền cân + Tiền công. Số tiền công mà các shop trung gian chia sẻ thường chỉ ở mức 15K - 20K/ sản phẩm, nhưng họ có thể lấy thêm lãi nhờ chênh lệch tiền cân nữa” - bạn Thu Hiền (Nghệ An) chia sẻ.
Tỉnh táo trước những rủi ro khi săn hàng Trung Quốc
Bạn chỉ cần đặt hàng qua trung gian hoặc tự mình đặt hàng trên các nền tảng bán hàng của Trung Quốc, “cú pháp” rất đơn giản đúng không? Nhưng thực tế có 1001 vấn đề nảy sinh khiến hội “ma mới” chẳng kịp trở tay. Nhà Hoa đã tổng hợp một số câu hỏi thường thấy nhất để giải đáp cho bạn rồi đây!
Đặt quần áo đúng size chiều cao - cân nặng là có ngay trang phục vừa in?
Không hề nhé, đó là lý do mà các shop thường cung cấp một bảng size đầy đủ kích cỡ chiều dài áo, chiều dài tay áo, ngực... Nhiều bạn trẻ Trung Quốc thường thích mặc áo rất rộng hoặc rất nhỏ, nên nếu đặt hàng theo size chiều cao và cân nặng, bạn có thể rơi vào cảnh rộng chỗ nọ, chật chỗ kia đó.
Tại sao hai mẫu giống nhau nhưng giá cả lại khác xa?
Nếu giá cả chỉ dao động dưới 100K, vấn đề nằm ở cách trung gian của bạn tính giá tiền công cao hoặc tỷ giá khác nhau. Nhưng nếu giá cả chênh lệch nhiều hơn, vậy một mẫu có thể là hàng thật, một mẫu lại là bản copy. Không chỉ hàng hiệu mới bị làm giả, mẫu trang phục hot trên các web/ app cũng bị “đạo” lại nhưng với chất liệu kém hơn, vậy nên bạn phải cẩn thật trước những mức giá quá hời.
Thấy đợt sale lớn là nhảy hố bất chấp?
Những thương hiệu lớn chỉ sale vào các dịp đặc biệt, nhưng các shop phổ thông lại thường xuyên có đợt giảm giá, vậy nên bạn không phải quá gấp gáp đâu nhé! Không giống khi mua hàng có sẵn, bạn cần cân nhắc đến tỷ giá khi đó có rẻ không (thường nằm trong khoảng 3.450 - 3.500 VNĐ cho 1 tệ), tiền cân ổn định, thời gian vận chuyển hàng quá lâu có ảnh hưởng không... Đợt sale lớn của các sàn thương mại điện tử bên Trung Quốc là 11/11, Black Friday, 12/12, ngày 8/1 Âm lịch.
Tuyệt chiêu “đãi cát tìm vàng” của các “già làng”
Dù có nhiều bất cập như chất lượng sản phẩm không đảm bảo, thời gian vận chuyển lâu... kho hàng hóa khổng lồ tại thị trường tỷ dân vẫn thu hút đội ngũ “săn” hàng. Bạn cần có một chút bí kíp để tránh tiền mất, tật mang.
Chỉ nên tin một nửa lời của trung gian thôi nhé, còn bạn vẫn cần phải tự mình đánh giá chất lượng sản phẩm. Đừng ngại yêu cầu link sản phẩm để tự kiểm chứng thông qua số lượt mua, review hình ảnh hoặc video ở shop bên Trung. Một số nền tảng cũng có cách xếp hạng các shop uy tín, bạn có thể tham khảo điều khoản của họ.
Bạn Minh Phương (Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: “Nhiều khi mình yêu cầu trung gian cho xem ảnh thật, nhưng hóa ra lại là ảnh thật do shop bên Trung chụp chứ không phải ảnh của trung gian. Mình từng đặt một chiếc áo khoác trần bông, nhưng khi hàng về mới biết trần bông chỉ là họa tiết áo, không phải hàng trần bông thật, nên cần phải xem kỹ review vì không có cơ hội đổi trả hàng”.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên cẩn thận trước những mức giá quá hời. Đặt hàng Trung Quốc chiếm ưu thế vì giá thành rẻ, nhưng không thể rẻ hơn mức 50% - 70% giá thị trường. Vậy nên nếu ham những sản phẩm có giá rẻ bất ngờ, kết quả nhận được sẽ í ẹ lắm. Bạn có thể mua hàng trong các đợt sale để nhận mức giá phải chăng, nhưng nhớ liên hệ trung gian trước khoảng 1 - 3 ngày hoặc tìm sẵn hàng để khi đó chỉ việc click, vì tốc độ tranh hàng sẽ còn “căng thẳng” hơn nhiều so với những lần “săn” hàng trên Shopee đấy!