Sản xuất công nghiệp suy giảm: Dồn sức tìm giải pháp gỡ khó

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Công Thương sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Như Ý
Bộ Công Thương sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Như Ý
TPO - Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, trước những phản ánh từ các doanh nghiệp và việc chủ động nắm bắt thông tin từ các thị trường, Bộ Công Thương xác định trong năm 2023 cũng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, gồm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất đồng thời thúc đẩy, kết nối doanh nghiệp vào các chuỗi sản xuất toàn cầu của các doanh nghiệp FDI.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm,tính chung hai tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 5,6%) do kinh tế thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, biến động khó lường, lạm phát các nước mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao, đơn hàng giảm, kim ngạch xuất khẩu giảm. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo giảm 6,9% (cùng kỳ tăng 6,1%).

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp hai tháng đầu năm của một số ngành trọng điểm cấp II giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất thiết bị điện giảm 50,7%; sản xuất kim loại giảm 12,2%; sản xuất trang phục giảm 11,7%; dệt giảm 11%; sản xuất phương tiện vận tải khác và sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác cùng giảm 8,6%; sản xuất xe có động cơ giảm 6%; sản xuất da và các sản phẩm liên quan giảm 5,3%.

Một số địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hoặc giảm so với tháng trước như: Quảng Nam giảm 38,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 18,2%; Vĩnh Long giảm 15,7%; Sóc Trăng giảm 15,5%; Lai Châu giảm 15,3%; Đà Nẵng giảm 10,4%; Bắc Ninh giảm 9,1%; Quảng Ngãi giảm 8,5%; Hà Giang giảm 6%...

“Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực trong hai tháng đầu năm 2023 giảm so với cùng kỳ năm trước: Ô tô giảm 18,3%; thép cán giảm 15,1%; quần áo mặc thường giảm 14,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên giảm 13,3%; xe máy giảm 12,4%; điện thoại di động giảm 9,6%. Đáng chú ý, xuất khẩu dệt may sang 2 thị trường chủ lực là Mỹ và EU sụt giảm mạnh trong khi các quốc gia nhập khẩu có những đòi hỏi khắt khe hơn từ các nhãn hàng so với trước. Việc Trung Quốc mở cửa cũng tạo ra nhiều áp lực đối với các quốc gia xuất khẩu dệt may như Việt Nam”, Bộ Công Thương cho hay.

Sản xuất công nghiệp suy giảm: Dồn sức tìm giải pháp gỡ khó ảnh 1

Bộ Công Thương sẽ có nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, tham gia chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI. Ảnh: Như Ý

Tập trung gỡ khó đầu ra, thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ

Về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, trả lời PV Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đã giao các đơn vị trực thuộc rà soát những tồn đọng ở các dự án công nghiệp lớn có vai trò quan trọng, tháo gỡ khó khăn để sớm đi vào vận hành. Cùng đó, các đơn vị được giao trách nhiệm sẽ bám sát tiến độ, tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản... nhằm gia tăng năng lực sản xuất mới và tạo chủ động nguồn cung nguyên, nhiên vật liệu, phát triển bền vững sản xuất.

Theo ông Đỗ Thắng Hải, trước những phản ánh từ các doanh nghiệp và việc chủ động nắm bắt thông tin từ các thị trường, Bộ Công Thương xác định trong năm 2023 cũng sẽ tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm để đạt mục tiêu tăng trưởng công nghiệp, gồm đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất; ưu tiên bảo đảm nguồn cung, đặc biệt là các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hoặc trong dài hạn để có chính sách thúc đẩy nguồn cung phù hợp.

“Giải pháp nữa là cần chủ động sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, qua đó bảo đảm chủ động nguồn cung ứng, gia tăng giá trị sản phẩm; chú trọng đầu tư các khu công nghiệp hỗ trợ. Theo dự báo, việc tiếp cận vốn tiếp tục là khó khăn nổi cộm trong năm 2023 đối với các doanh nghiệp, do đó Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn về vốn như: rà soát để tiếp tục thực hiện giãn hoãn, miễn giảm một số khoản thuế, phí và giải pháp về tiền tệ như hạ lãi suất, cho vay ưu đãi, duy trì lãi suất cho vay ở mức phù hợp để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo ổn định sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển sản xuất”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay.

Cùng với đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục triển khai các chương trình kết nối doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu. Cùng đó tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để đưa các dự án công nghiệp có vai trò quan trọng vào vận hành nhằm gia tăng năng lực sản xuất… Bộ Công Thương cũng sẽ xây dựng chương trình hỗ trợ, hợp tác đẩy mạnh tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp, tạo đầu ra cho các doanh nghiệp.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, tại thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương cũng đang tích cực, khẩn trương hoàn thiện dự án xây dựng Luật Phát triển công nghiệp nhằm thể chế hóa và triển khai các chỉ đạo tại Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022; đồng thời nỗ lực hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành thép, ngành sữa, ô tô, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp điện tử, công nghiệp thực phẩm, dệt may, da - giày… Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp trên sẽ tạo đà cho ngành sản xuất công nghiệp trong nước trụ vững và phát triển.

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...