'Sáng chế' của bệnh nhân tâm thần

Bệnh nhân tâm thần dệt chiếu. Ảnh H. Văn
Bệnh nhân tâm thần dệt chiếu. Ảnh H. Văn
TP - Những bình hoa nhựa cảnh, những tấm chiếu cói, áo quần do chính tay các bệnh nhân tâm thần làm ra. Đó là cách để họ tìm niềm vui và trở lại làm người bình thường.

> Tủ sách của chàng trai tật nguyền

Bệnh nhân tâm thần dệt chiếu. Ảnh H. Văn
Bệnh nhân tâm thần dệt chiếu. Ảnh H. Văn.
 

“Tất cả chú ý làm việc, không được nhìn ngó lung tung” - lời nhắc nhở của anh thợ cả Đặng Hưng Phú khiến những ánh mắt lơ đãng phải tập trung. Phú 45 tuổi, quê Hòa Tiến, Hòa Vang- là bệnh nhân thâm niên nhất ở Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (193 Nguyễn Lương Bằng, TP Đà Nẵng), và cũng là người đặc biệt “xin ở lại làm việc với các anh em” sau khi có kết quả hồi phục trở về nhà.

Mắc chứng tâm thần lúc chưa đầy 30 tuổi, rồi kiêm luôn cái án giết người thân. Người nhà hốt hoảng mang Phú nhập viện. Khi đã trong giai đoạn hồi phục, cũng như nhiều bệnh nhân khác, Phú được đưa tới khu làm việc như một phương cách điều trị cuối cùng và chuẩn bị trở về nhà.

15 năm gắn bó với bệnh viện, Phú đã xem đây là mái ấm thứ hai, nên viết đơn xin bác sĩ được ở lại. “Mình thấy ở đây rất vui. Anh em, các cô quản lý đều rất thân thiện. Mình sẽ ở lại để truyền nghề cho các anh em sau” - Phú nói.

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (quản lý Khu hướng nghiệp BV tâm thần Đà Nẵng) cho biết: Hầu hết bệnh nhân đều trong giai đoạn hồi phục. Bệnh viện cho các bệnh nhân lao động nhẹ vừa để ngăn chặn các dòng suy nghĩ không bình thường của bệnh nhân, vừa giúp họ vui và thấy mình có ích.

“Thực tế họ đã làm được nhiều hơn thế. Không chỉ lao động chăm chỉ mà còn rất biết yêu thương nhau, kiểu như những đứa trẻ vậy”- chị Thu nói.

Đôi mắt mơ màng trên khuôn mặt còn mang nhiều dấu ấn bệnh tật, Nguyễn Hữu Dưỡng (Quảng Trạch, Quảng Bình), vui vẻ: “Các cô dạy cho Dưỡng làm đấy, cả anh cả Phú nữa. Cô Thu nói chăm chỉ làm việc sẽ sớm được về nhà”.

Cách đây ba tháng Dưỡng mắc chứng tâm thần, được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị, rồi chuyển xuống khu lao động biện pháp. Ngày mới xuống Dưỡng lầm lì, chậm chạp, không biết gì. Nhưng giờ thì rất chăm chỉ, nghe lời và dễ hòa đồng hơn

Các sản phẩm của bệnh nhân như chiếu, hoa nhựa cảnh, quần áo bệnh nhân… không chỉ được sử dụng trong bệnh viện mà còn được trưng bày tại cổng vào bệnh viện. “Nhiều người vì tò mò, xúc động cũng mua khích lệ các bệnh nhân. Số tiền đó lại được bỏ vào quỹ hoặc mua đồ cho bệnh nhân” – chị Thu cho biết.

Đặc biệt, sáng tạo của thầy trò bệnh nhân là chiếc hộp kháng thủy, được sử dụng riêng để đựng bơm tiêm (chứ không để lộn với rác bệnh viện), an toàn cho xử lý rác bệnh viện.

Nhiều kỷ niệm, câu chuyện xúc động xung quanh các sản phẩm. Cách đây hơn một năm, bệnh nhân Nguyễn Anh Kiệt sau khi hoàn thành sản phẩm đầu tay của mình, liền hồ hởi chạy lên phòng giám đốc để khoe và tặng bình hoa cảnh. Còn bệnh nhân Chinh (Đà Nẵng) thì luôn miệng giục: “Cô ơi, tới giờ lao động rồi, cô cho em lao động biện pháp”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG