“Sáu giây từ trượt thành thủ khoa”: 12 năm đèn sách để được gì?

“Sáu giây từ trượt thành thủ khoa”: 12 năm đèn sách để được gì?
HHT - Từ “nghi án” với những học sinh học lực trung bình khá nhưng lại sở hữu điểm số cao hơn những học sinh giỏi nhất trường, vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia tại Hà Giang đã bị phanh phui.

Chưa hết, Lạng Sơn và Sơn La là những “điểm nóng” tiếp theo được Bộ GD-ĐT yêu cầu rà soát với những nghi vấn tương tự. Kỳ thi quan trọng nhất trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay lộ ra những kẽ hở cho sự bất công. Phải chăng điều này khiến cho những nỗ lực của những sĩ tử chân chính trở nên vô nghĩa? Rằng công sức mười hai năm đèn sách của chúng ta bỗng dưng chẳng còn giá trị gì khi những con điểm bị đánh tráo?

“Sáu giây từ trượt thành thủ khoa”: 12 năm đèn sách để được gì? ảnh 1

Cuộc chiến công bằng trong thi cử luôn căng thẳng

Cuộc họp báo của Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Hà Giang ngày 18/7 công bố thông tin gây sốc, 330 bài thi của 114 thí sinh thi tại Hà Giang đã được nâng từ 1 đến 8,75 điểm. Đứng đầu danh sách các môn có bài thi được nâng điểm là Toán (102 bài), rồi tới Lý (85 bài), Hóa (56 bài)… Điều tra từ Bộ Công an còn cho thấy ông Vũ Trọng Lương, Phó trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Giang chỉ mất… 6 giây để sửa điểm một bài thi!

Đây không phải là sự việc gian lận thi cử quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam. Năm 2006 có vụ án “chạy trường” diễn ra tại trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM). Năm 2011, vụ việc 11 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thỏa thuận nâng điểm tốt nghiệp môn Ngữ văn trong quá trình chấm chéo bài thi. Nhỏ lẻ hơn, qua mỗi kì thi, trên các diễn đàn thi thoảng lại xuất hiện những lời tố cáo giám thị chỉ bài cho thí sinh, thậm chí giựt bài một thí sinh nào đó để chỉ cho… nguyên phòng thi.

Tất nhiên gian lận thi cử không chỉ xảy ra ở Việt Nam. Tháng 5/2016, báo chí nước ngoài rầm rộ chuyện 8.000 học sinh Trung Quốc bị trục xuất khỏi các đại học tốp đầu ở Mỹ vì không trung thực trong thi cử và trình độ học vấn. Năm 2017, College Board đã phải công bố hủy kết quả thi SAT của hàng ngàn học sinh châu Á vì nghi ngờ đề thi đã bị tiết lộ từ trước.

“Sáu giây từ trượt thành thủ khoa”: 12 năm đèn sách để được gì? ảnh 2

Ma lực của con điểm

Hầu hết những vụ việc gian lận thi cử lớn đều xảy ra ở châu Á hoặc liên quan đến học sinh châu Á tại các trường đại học trên thế giới. Nguyên nhân chính là vì xã hội châu Á rất xem trọng điểm số và thành tích học tập. Chuyện một học sinh lớp 12 thi vào Đại học không chỉ là chuyện cá nhân của bạn ấy, mà là câu chuyện của cả gia đình, dòng họ. “Hay học thì sang, hay làm thì có”, “một người làm quan cả họ được nhờ” - truyền thống hiếu học khi quá được đề cao vô tình tạo áp lực lên mỗi gia đình, mỗi học sinh, khiến điểm số bỗng trở nên quyền lực, áp đảo mọi phương diện khác của cá nhân.

Bệnh thành tích trong giáo dục, thực tế, là căn bệnh của những người lớn: Phụ huynh, giáo viên, những người quản lý ngành giáo dục. Từ lớp một, cha mẹ đã lo chạy trường điểm, lớp chọn để nhắm cho con môi trường học mà họ tự cho là tốt nhất. Rồi áp lực của thầy cô các ngôi trường điểm phải giữ tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tốt nghiệp cao để duy trì tiếng tăm. Bạn L.P, cựu học sinh THPT K.L (Hà Nội) kể cô giáo Hóa của lớp bạn từng gặp bố mẹ bạn để thuyết phục bạn chuyển khối thi từ khối D sang khối A vì lớp bạn là lớp chọn khối A, thi khối A thì cô giáo có thể “yên tâm” về điểm của bạn hơn. Cô lo lắng bạn không đạt điểm thi ĐH cao nhưng lại không quan tâm bạn mong muốn học ngành nào, làm công việc gì.

Điểm cao, rồi sao nữa?

What you buy are who you are - “Bạn chính là những gì bạn mua sắm” là tên một bài báo đăng trên tờ Bloomberg. Thích mua sắm quần áo, bạn là người quan tâm đến thời trang. Là khách quen của các hiệu sách, bạn là người luôn muốn mở mang kiến thức, tìm hiểu thế giới xung quanh. Vậy khi bạn mua điểm, bạn là ai?

“Sáu giây từ trượt thành thủ khoa”: 12 năm đèn sách để được gì? ảnh 3

Trở lại với vụ 8.000 học sinh Trung Quốc bị đuổi, năm 2017 tổ chức giáo dục WholeRen đã thực hiện một cuộc khảo sát và chỉ ra: 51% trong số đó bị đuổi khỏi đại học Mỹ vì thành tích học tập yếu kém, 33% bị đuổi vì không trung thực trong học tập. 3/4 số học sinh này theo học ở những trường đại học trong Top 100 ở Mỹ.

Những con số này nói lên một điều: Mặc dù đậu vào những trường đại học tầm cỡ nhưng trình độ của các học sinh trên không đủ giúp họ duy trì con đường học vấn. Khi làm giả hồ sơ ứng tuyển, họ đã tự quăng mình vào một môi trường không phù hợp chỉ vì cái mác danh giá, và hậu quả phải trả chính là việc bị đuổi khỏi trường trong nhục nhã, phí hoài thời gian cùng tiền bạc.

Khi bạn mua điểm, bạn đã mua một ghế trong giảng đường không dành cho mình, sống cuộc sống không dành cho bạn, thậm chí ảo tưởng về năng lực của bản thân. Trong khi đáng lẽ bạn có thể vui vẻ là chính mình khi lựa chọn con đường phù hợp với thực lực của bản thân.

Vấp ngã trong một kỳ thi có thể giúp bạn nhìn nhận lại bản thân, rút ra kinh nghiệm để từ đó, là tiền đề cho thành công trong tương lai. Nho Khoa (cựu họ sinh THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) kể khi bạn vào lớp 6, cô Trâm (GV Toán) đã ra một đề bài kiểm tra “dằn mặt” để tất cả học sinh nhận ra mình không quá siêu sao, cần thoát khỏi căn bệnh tự cao. Chính những điểm số thấp chủn dành tặng cho những học sinh giỏi đã làm các bạn í nhận ra mình phải cố gắng nhiều hơn thế nào.

“Sáu giây từ trượt thành thủ khoa”: 12 năm đèn sách để được gì? ảnh 4

Shark Khoa của Thương vụ bạc tỉ mùa đầu tiên từng chia sẻ rằng anh có ba cột mốc trưởng thành đáng nhớ. Một trong số đó là khi bước vào một ngôi trường mới, nơi có quá nhiều bạn bè giỏi giang và anh rớt từ top 5 của lớp xuống hạng 36. Bạn phải học nhiều để đứng nhất, nhưng bạn học được nhiều hơn từ việc rớt hạng. Tất cả những người thành công, họ đều đứng lên từ thất bại. Và cú ngã là cần thiết để tiếp tục chiến đấu!

Vậy nên đừng để những câu chuyện bất công trong thi cử làm bạn nhụt chí. Hãy để dư luận, báo chí và các cơ quan chức năng làm công việc của mình trong cuộc chiến đảm bảo công bằng trong thi cử. Hãy tìm cho mình một lĩnh vực đam mê để học tập, trở thành người bạn muốn trở thành và hưởng niềm hạnh phúc được ngẩng cao đầu tự hào với những thành tựu do tự thân mình đạt được.

Theo Trích HHT 1269
MỚI - NÓNG
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm

Thực hư chuyện hai anh em đạp xe hơn 400km tìm mẹ: Gia đình đã tìm thấy con

Thực hư chuyện hai anh em đạp xe hơn 400km tìm mẹ: Gia đình đã tìm thấy con

HHT - Mới đây, mạng xã hội rầm rộ chia sẻ thông tin về 2 bé trai đạp xe từ Điện Biên xuống Hà Nội để đi tìm mẹ. Hai em được một người dân bắt gặp trong bộ dáng mệt mỏi, đói khát nên đưa vào nhà giúp đỡ. Tuy nhiên, theo xác minh mới nhất của Công an huyện Mai Châu, sự thật không đúng như lời kể của hai em.