Mới đây, cộng đồng mạng xôn xao khi một đoạn clip ghi lại hình ảnh một nữ sinh bị chủ shop giày tát thẳng vào mặt và dùng những lời lẽ xúc phạm, xỉ vả, thách thức khi cô gái đến đòi tiền lương. Sự việc trên khiến ai nấy không khỏi bức xúc vì hành động vô học, côn đồ của chủ shop, có rất nhiều người chia sẻ rằng mình cũng từng là nạn nhân của trò 'quỵt lương'.
Khi đi làm, ai cũng mong muốn bỏ ra công sức sẽ nhận được đồng lương xứng đáng, nhưng có rất nhiều cửa hàng làm ăn không minh bạch, sẵn sàng "đổi trắng thay đen", trừ lương nhân viên đủ kiểu hoặc thậm chí không trả tiền cho người lao động.
Bị trừ nửa lương, hăm dọa thuê giang hồ dằn mặt
Tối 20/9, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh một cửa hàng bán dày dép trên phố Nguyễn Quý Đức (Thanh Xuân, Hà Nội) đã quỵt lương và còn đánh nhân viên khi người này tới đòi, cùng với đó người chủ quán liên tục có những lời lẽ đe doạ thuê giang hồ đến xử lí bạn nữ này và thách thức không ai dám làm gì mình bởi có quan hệ rộng.
Đi rửa bát, bưng bê bị quán bánh canh quỵt lương
Tháng 5/2018, cư dân mạng từng phẫn nộ trước thông tin một cô gái từ Nghệ An ra Hà Nội làm thuê bưng bê, rửa bát cho quán Bánh đa cá rô đồng trên phố Văn Cao, Hà Nội bị quỵt lương. Theo lời kể của cô gái, thỏa thuận giữa cô và chủ cửa hàng là lương 3.500.000 đồng/tháng.
Sau một thời gian làm việc do bị áp lực công việc và tiền nong không sòng phẳng nên cô xin nghỉ. Nhưng chủ quán không cho nghỉ mà bắt làm đến bao giờ quán tìm được người khác thay thế thôi. Cô gái không đồng ý nên chủ quán rất tức giận, đã chửi bới, đe dọa và đuổi đi nhưng không trả tiền lương trong 2 tháng của cô gái.
Đi bán mỹ phẩm bị quỵt lương, chặn số điện thoại
Tháng 5/2019, một cơ sở mỹ phẩm ở thành phố Đà Nẵng bị tố quỵt tiền lương của rất nhiều nhân viên. Theo lời kể của người đăng bài, cô được giới thiệu đến phỏng vấn và đi làm tại đây với mức lương cơ bản là 3.000.000 đồng/tháng và được miễn phí dạy nghề, hỗ trợ tiền học.
Sau khi nghỉ làm, cô gái nhiều lần nhắn tin hỏi tiền lương, shop hứa hẹn sẽ trả nhưng hoàn toàn không trả. Thậm chí còn bắt cô gái này trả thêm tiền học việc cho mình rồi sau đó block luôn số điện thoại của cô gái.
Đi bán quần áo bị quỵt lương
Mới đây, một tài khoản Facebook vì quá bức xúc với hành động của chủ shop giày ở Nguyễn Quý Đức nên đã chia sẻ lại câu chuyện đi làm thêm bị quỵt lương của mình. Theo lời kể của cô gái, làm việc ở shop quần áo rất vất cả, có những ngày hàng hóa về nửa đêm, cô gái vẫn phải cật lực làm việc. Đến khi nghỉ làm cô bị chủ shop quỵt nửa tháng lương, nhưng cô không đòi tiền mà âm thầm nghỉ việc. Cho đến bây giờ shop quần áo đó vẫn liên tục tháng nào cũng treo biển tuyển nhân viên.
Đi dạy gia sư bị cha mẹ học sinh quỵt lương với lý do "để con mang cặp sách nặng đi học"
Theo chia sẻ của một cô giáo dạy Toán tại Hà Nội, cô từng bị 'xù' tiền vào đúng dịp Tết bởi lí do "để con của phụ huynh mang cặp sách nặng đến trường". Công sức dạy gia sư trong gần 2 tháng của cô giáo chỉ vì một lí do hết sức vô lý mà bị quỵt hết tiền lương. Phụ huynh học sinh này còn bắt cô giáo bồi thường vì không sát sao, kiểm soát con mình mang nhiều sách vở đi học.
Đã đi làm ai cũng mong muốn tìm được một nơi làm việc tốt, thu nhập cao và được tôn trọng. Thế nhưng xã hội phức tạp, ngoài những cơ sở, cửa hàng làm ăn nghiêm túc, có chữ tín thì vẫn còn những nơi làm ăn chộp giật, quỵt tiền nhân viên, người lao động. Bởi vậy, khi chúng ta đi làm hãy tìm hiểu kĩ về nơi mình làm việc, chọn những đối tác, cửa hàng, trung tâm uy tín để cống hiến, tránh tình trạng làm việc vất vả mà kết quả là bị quỵt lương.