Thừa ồn ào, thiếu sức hút
Dịp cuối năm vừa rồi, người hâm mộ lẫn nghệ sĩ có dịp “chạy” show giải thưởng không ngưng nghỉ. Dù khá sôi động trên mặt trận truyền thông, thế nhưng các giải thưởng của năm nay phần lớn không còn giữ được sức nặng về giá trị, thay vào đó lại sa đà khá nhiều vào việc chạy đua khách mời, dàn sao hội tụ và các màn trình diễn phụ họa là chính.
Đầu tiên cần kể đến giải thưởng “lão làng” Làn Sóng Xanh. Đêm kỉ niệm 20 năm của giải thưởng này tại sân vận động Quân khu 7 (TP.HCM) trôi qua nhạt nhòa với lượng khán giả cực kì ít ỏi. Mặc dù năm nay có những thay đổi đáng ghi nhận như việc giải thưởng khá cập nhật, sẵn sàng loại những cái tên kì cựu (như Đông Nhi/ Isaac) ra khỏi Top 5 ca sĩ được yêu thích nhất vì cả hai thiếu nổi bật năm 2017. Tuy vậy, việc không quy tụ được dàn ca sĩ “thế hệ vàng” như Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Đan Trường, Lam Trường, Phương Thanh... cộng với dàn dựng kiểu lần lượt lên hát đã khiến show diễn kém hút hẳn.
Tiếp theo đó, lễ trao giải Mai Vàng bình thường im ắng nay được dịp ồn ào chỉ vì màn cầu hôn gây tranh cãi của Trường Giang với Nhã Phương. Việc đêm trao giải bị cắt thời lượng phát sóng là một điểm trừ khá lớn về khâu quản lý kịch bản. Chưa kể, các giải thưởng lại có những tiêu chí trao giải có phần trật nhịp so với thực tế showbiz. Có thể kể đến giải nhóm hát thuộc về P336 (một nhóm trẻ theo mô hình nam - nữ chưa có nhiều thành tựu), hay MV được yêu thích thuộc về Mẹ (chỉ có 66K lượt xem) của ca sĩ nhí Võ Khánh Ngọc.
Ở phân khúc “trẻ” hơn, Zing Music Awards là cái tên nổi lên gần đây bởi tầm ảnh hưởng của BXH âm nhạc Zing Mp3. Nếu các năm trước, ZMAs ghi điểm với sân khấu hoành tráng, cá biệt #ZMAs2016 có kinh phí lên đến triệu đô cùng sự tham gia của GOT7, thì năm nay lễ trao giải này lại “buồn ngủ” đến bất ngờ. Theo một số thông tin, việc thay đổi ê-kíp đã khiến phần dàn dựng sân khấu và cả phần âm nhạc không đặc sắc bằng các mùa trước. Màn xuất hiện mờ ảo của Bảo Anh hay phần liên khúc rất ấn tượng của Đông Nhi vẫn không giúp ZMAs ghi điểm trong mắt giới trẻ. Đó là chưa kể giải thưởng còn quá dễ đoán và thiếu sự tò mò.
Cuối cùng, không thể không nhắc đến hai giải thưởng thuộc hàng “tân binh” là Keeng Young Awards (lần đầu), V Live Awards (lần 2). Không quá chú trọng đến việc tôn vinh người đoạt giải, hai buổi lễ này mang tính quảng bá thương hiệu là chính. V Live có điểm cộng là mời được GOT7 sang Việt Nam trình diễn và công tác thảm đỏ chuẩn quốc tế.
Công nhận đóng góp của nghệ sĩ sao cho hợp lòng?
Câu hỏi đặt ra là các giải thưởng có thật sự đóng góp gì cho nền âm nhạc Việt hay không? Nó có phải là thước đo thành công để nghệ sĩ tự hào hay chỉ đơn giản là đến hát rồi nhận một chiếc cúp mang về.
Quay lại nhiều năm trước, lễ trao giải HTV Awards (đã tạm ngưng)/ Làn Sóng Xanh khi đó khá đình đám. Tạo được hiệu ứng trong cộng đồng fan để họ nhắn tin, bình chọn cũng như đồng hành cùng các lễ trao giải. Cá biệt hơn, các những giải thưởng quan trọng còn khiến fan cãi nhau khi thần tượng bị “hụt” như lần Mỹ Tâm tại HTV Awards 2012). Ví dụ này cho thấy giải thưởng có kết nối và tạo được sự trân trọng từ cả nghệ sĩ và khán giả. Để đoạt được giải thưởng cần sự xứng đáng. Trong khi hiện tại, các giải thưởng đang dần đánh mất đi sự hào hứng của cộng đồng fan. Cá biệt một số giải thưởng chỉ dừng lại ở việc căn cứ độ phủ sóng của nghệ sĩ/ mối quan hệ về thương mại để trao giải.
Nhìn nhận khách quan, nghệ sĩ vẫn rất vui khi được vinh danh, nhưng như vậy giải thưởng dần mất đi giá trị cốt lõi của mình - sự uy tín. Chúng ta quan sát các lễ trao giải như Grammy, Oscar, Quả Cầu Vàng không phải chỉ để xem ngôi sao, mà bởi các giải thưởng đem lại cảm giác tin tưởng. Bước ra từ giải thưởng đó, bạn có thể được nhìn bằng cặp mắt khác. Các giải thưởng ở showbiz Việt hiện chưa thiết lập được một trật tự gì mới trong showbiz. Thậm chí một số giải thưởng khi dính nghi án mua giải còn khiến các nghệ sĩ e dè.
Khán giả vẫn mong đợi những lễ trao giải trong mơ
Bây giờ các lễ trao giải Việt Nam cần phải chọn: Nếu giải chỉ là phụ thì hãy để trình diễn là chính. Nếu cảm thấy tạo nên quyền lực của chính giải thưởng là quá sức, hãy tạo nên những sân khấu trong mơ cho khán giả. Thực tế, việc các lễ trao giải mang tính trình diễn là xu thế tất yếu. Lí do là vì hiện tại sự dài dòng, trao thưởng không được nhớ nhiều bằng các màn trình diễn có thể được chia sẻ lại nhiều lần.
Thứ hai, ngôi sao sản sinh ra không đủ nên quanh đi quẩn lại cứ trao hoài gây nhàm chán. Bạn có nhận ra đi hết lễ này đến lễ khác chỉ có các gương mặt như Sơn Tùng M-TP, Soobin Hoàng Sơn, Tóc Tiên, Noo Phước Thịnh, Vũ Cát Tường, Đông Nhi... Đó là lý do để khán giả mong đợi những màn dàn dựng hơn là giải thưởng thuộc về ai. Bạn còn nhớ Hà Anh Tuấn trong gala WeChoice Awards 2016 chứ? Một giải thưởng ít liên quan đến âm nhạc nhưng gây tiếng vang bởi loạt mash-up hit đình đám. Tuy nhiên, đến gala WeChoice Awards 2017, do gồng gánh không hết quá nhiều “nguồn cảm hứng”, lại đầu tư các màn trình diễn (dù ý nghĩa) nhưng chưa thật đã tai nên hiệu ứng sau trao giải không lớn. Bài học là đừng tham lam và dài dòng, đến cuối cùng, lễ trao giải vẫn cần tính giải trí được cài cắm khéo léo.
Nghệ sĩ đã làm nhạc hay, đã được trăm triệu view YouTube, thì khi họ bước vào lễ trao giải, hãy biến sân khấu ấy thành “thánh đường”, biến ước mơ xem trình diễn đích thực cho khán giả thành sự thật. Dần dần, việc ai nhận giải không còn quan trọng bằng việc khi tìm kiếm các màn trình diễn, khán giả sẽ thêm tên giải thưởng vào bên cạnh bài hát. Là Tóc Tiên MAMA, Đức Phúc - Hòa Minzy - Erik MAMA, và những cái tên còn lại đang chờ đợi dành cho một lễ trao giải thỏa mãn nhu giải trí của khán giả trong tương lai.
KoKo