Sĩ tử vượt vũ môn, cha mẹ cũng bước vào "cuộc chiến"

Sĩ tử vượt vũ môn, cha mẹ cũng bước vào "cuộc chiến"
HHT - Không chỉ những cô cậu học trò cuối cấp mà cả cha mẹ, người thân đều lo lắng, bồn chồn trong suốt kỳ thi đầy áp lực.

Trong nhà từng có 2 chị lớn đi thi đại học, đến lượt mình, Hà Trang (18 tuổi, Nghệ An) hào hứng vì những ngày ôn luyện năm nay, cô được “nếm trải” cảm giác hạnh phúc khi cả nhà ưu ái, chăm sóc.

Đêm trước ngày con thi môn đầu tiên, mẹ Trang thấp thỏm. Biết con gái hay đau bụng mỗi khi căng thẳng, bà bỏ thêm vào túi đồ đi thi lọ berberin và thuốc dạ dày.

Sợ sáng mai con dậy muộn, trong nhà có bao nhiêu điện thoại, đồng hồ, mẹ Trang đem ra cài báo thức hết.

Không chỉ riêng nhà Trang mà các gia đình khác có con chuẩn bị bước qua dấu mốc quan trọng này đều có chung tâm trạng bồn chồn. Mọi thành viên đều cố gắng hỗ trợ, dành sự ưu ái để sĩ tử có điều kiện tốt nhất.

Sĩ tử vượt vũ môn, cha mẹ cũng bước vào "cuộc chiến" ảnh 1
Những ngày con đi thi, cha mẹ cảm thấy lo lắng, hồi hộp không kém.

Cả nhà cùng "chiến"

“Dạo sắp thi, mình nhận được nhiều biệt đãi như 'bà hoàng'. Ăn cơm xong chị gái tự động dọn mâm, rửa bát, mình chỉ việc nghỉ một chút rồi học bài. Thằng em mới 6 tuổi thường ngày quậy phá như rươi, hét hò ỏm tỏi dạo này cũng biết ngoan hẳn", Hà Trang nói với PV.

Thỉnh thoảng em cô đang chơi ở đâu bỗng chạy tới bàn học, chìa ra hộp sữa chua hay cái bánh, bảo: "Chị Trang học mệt không? Trí cho chị Trang này".

Gia đình Trang có 3 dì là giáo viên dạy Văn, 2 dượng dạy Toán. Từ đầu năm lớp 12 đến những ngày cuối cùng của thời gian ôn tập, các dì, dượng thường gọi điện dặn dò, hướng dẫn Trang cách ôn tập, làm bài, gom tài liệu hay từ những năm trước đưa cho cháu.

"Mọi người không thể hiện nhưng mình biết cả gia đình cũng hồi hộp không kém gì đứa sắp ‘lên thớt’ là mình", cô bày tỏ.

Ngày đầu Trang đi thi (25/6), mẹ cô tỉnh giấc sớm, gọi con dậy chuẩn bị. Đang nấu ăn dưới bếp, chốc chốc bà lại đi lên hỏi han: “Nhớ xem lại thẻ dự thi xem có sai gì không nhé”, “Tối qua mẹ bỏ thêm vào cho 2 cái bút rồi nhá”, “7h vào thi đúng không con?”.

Sĩ tử vượt vũ môn, cha mẹ cũng bước vào "cuộc chiến" ảnh 2
Các ông bố, bà mẹ hướng ánh mắt về phía cổng trường thi trông ngóng con bước ra.

Có em trai năm nay thi tốt nghiệp lớp 12, cả mấy tháng rồi, Hoàng Ánh (23 tuổi, Lạng Sơn) lo lắng hơn cả người sắp vượt vũ môn.

Cô kể: “Em mình đăng ký thi vào ĐH Phòng cháy Chữa cháy, hồ sơ xét tuyển phức tạp hơn trường thông thường. Mình lục tung hết các trang, tra cứu thông tin giúp nó, chỉ sợ thiếu sót. Mỗi lần thấy có tài liệu ôn thi hay quy định mới, mình liền gửi về cho em”.

Đang làm việc ở Hà Nội, Ánh không ở gần, giúp đỡ nhiều, chỉ có thể “hỗ trợ từ xa”.

Càng gần ngày thi, 9X thường xuyên gọi điện về nhà nhắc nhở, hỏi em còn thiếu gì, cần thêm gì, dặn dò đủ thứ. Cách hôm thi 3 ngày, biết em chưa có đồng hồ, cô lại tất tả chạy đi mua rồi gửi về cho kịp.

Thời gian em trai ôn luyện, cha của Ánh cũng bỏ thói quen xem phim muộn. Hết chương trình thời sự 19h, ông tắt tivi để cậu con trai yên tĩnh học bài.

Dù quan tâm nhưng cả cha mẹ và Ánh không thể hiện sự chiều chuộng ra mặt vì sợ em trai áp lực, nghĩ rằng phải thi điểm cao để đáp lại sự chăm sóc của mọi người.

Sĩ tử vượt vũ môn, cha mẹ cũng bước vào "cuộc chiến" ảnh 3
Sau mỗi buổi thi, cảnh phụ huynh đón con tay bắt mặt mừng khiến nhiều người có mặt xung quanh cũng thấy vui.

Những ngày chuẩn bị thi đại học trước đây, Quỳnh Quỳnh (sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền) được mẹ ưu tiên cho việc học.

“Trong nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ mình bị tật ở chân, đi lại khó khăn, mỗi lúc trở trời là đau nhức. Thế mà suốt mấy tháng mình ôn thi, việc gì mẹ cũng giành làm hết, lúc nào cũng bảo mẹ không sao, mẹ khỏe. Hồi đó mình sợ nhất là thi không đậu khiến mẹ buồn”, cô chia sẻ.

Mỗi tối, thấy con học khuya, mẹ cô lại nấu đồ ăn cho, không quên dặn con nhớ ngủ sớm để giữ sức khỏe. Bà đợi con gái tắt đèn đi ngủ rồi mới yên tâm chợp mắt.

"Không đậu cũng không sao cả"

Hơn 9h sáng 25/6, Trang làm xong bài thi môn Ngữ văn. Thấy con gái bước ra khỏi phòng thi, cha của Trang vẫy tay gọi: “Mệt không con, về nhà ăn cơm, nghỉ chút, mẹ nhắn nấu món cá kho con thích rồi. Mà chiều thi mấy giờ ấy nhỉ?”.

Cha cô không giục hỏi đề bài, không bảo xem đáp án đúng được mấy phần, chỉ dặn con giữ tinh thần làm bài môn khác.

Trang nhớ mấy hôm trước ngày thi, cô lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng. Có lần, cả nhà ngồi với nhau, Trang hỏi: “Nhỡ con thi trượt thì có sao không ạ?”.

Cha cô chỉ tay ra góc ao cuối vườn, trêu: “Lo gì, thấy cái ao không? Thi trượt về cha sẽ cho con cái chỗ đó, đầu tư vốn chục con vịt, nuôi đi rồi sang năm muốn thi lại thì thi. Nhà mình đâu có thiếu đất”.

Cả nhà phá ra cười với nhau. Trang cũng không còn quá nhiều áp lực.

Sĩ tử vượt vũ môn, cha mẹ cũng bước vào "cuộc chiến" ảnh 4
Gia đình là điểm tựa để những học sinh cuối cấp tự tin, mạnh mẽ hơn trước "cuộc chiến" thi cử.

Tháng 6/2015 là khoảng thời gian Phương Lan (22 tuổi, Hà Giang) không thể nào quên được. Gia đình cô làm ăn thất bát, phá sản, cha mẹ không ngày nào thiếu những trận đập bàn đập ghế vì cãi nhau.

Biến cố xảy ra đúng thời điểm ôn thi đại học, cô không có tâm trí nào để "nhét" chữ vào đầu. Làm việc ở xa nhà, mẹ cô thường xuyên gọi điện động viên cô.

Tháng 7, mẹ Phương Lan gác lại mọi công việc, từ trang trại của gia đình ở Móng Cái (Quảng Ninh) về Hà Giang đưa cô đi thi để con gái không thấy thiệt thòi với chúng bạn.

Biết cô buồn tủi, mẹ vẫn trấn an: “Không sao đâu, mọi chuyện sẽ ổn hết. Cứ cố gắng thi, không đậu cũng không sao cả, mẹ nuôi con được”.

Ngồi sau lưng mẹ trên chiếc xe máy đến điểm thi, cô gái 18 tuổi lúc đó chỉ chực bật khóc trước sự mạnh mẽ của mẹ.

Con gái thi xong đại học, cha mẹ Lan ly hôn. Sau này cô càng thương bởi biết rằng thời gian đó muốn con an tâm thi cử, mẹ đã chịu nhiều khổ tâm.

Gia đình là điểm tựa vững chắc trên đường đời

Huyền Phương (23 tuổi) nhớ lại ký ức 2 mùa ôn thi đại học cách đây 4-5 năm. Năm 2014, ứng tuyển vào trường Báo chí nhưng không đậu, gia đình động viên cô năm sau thi lại.

Lần thứ 2, Phương đăng ký chuyên ngành Ngữ văn của ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm ấy, cha vẫn là người đưa cô đi thi.

Hình ảnh người cha gầy gò, da sạm đen vì nắng ngồi trên chiếc xe máy nhìn hướng vào sân trường thi chờ con luôn khiến cô cay mắt mỗi khi nhớ lại.

“Cha mẹ chưa từng một lần chê trách, nặng nhẹ chuyện mình thi trượt. Nhờ mọi người động viên, cả ông bà ngoại quan tâm nhiều nữa, mình mới đủ tinh thần để thi thật tốt lần 2. Gia đình là điểm tựa vững vàng giúp mình lúc nào cũng an tâm”, 9X bày tỏ.

Trong lòng cô luôn muốn nói lời cảm ơn chân thành đến cha mẹ, những người sẵn sàng chấp nhận những khiếm khuyết, nâng đỡ cô khi thất bại.

Hà Phương cho rằng trải qua những ngày thi cử đầy căng thẳng, sẽ có người cười tươi với kết quả tốt, cũng có người nuối tiếc khi vuột tay khỏi tên ngôi trường mình mơ ước. Nhưng đó là điều bình thường mà chúng ta nên sẵn sàng đối mặt.

"Dù thất bại cũng không sao cả bởi luôn có những người thân yêu ủng hộ, yêu thương", Hà Phương nói. 

Theo news.zing.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Sự thật loạt ảnh gây xót xa giữa đợt lũ: Gia đình 3 người sơ tán là dàn dựng

Sự thật loạt ảnh gây xót xa giữa đợt lũ: Gia đình 3 người sơ tán là dàn dựng

HHT - Giữa lúc miền Bắc đang chịu ảnh hưởng nặng do đợt mưa lũ từ cơn bão số 3 (bão Yagi), nhiều hình ảnh người dân chạy lũ được chia sẻ khiến cư dân mạng xót xa. Tuy nhiên, có những bức ảnh, clip "ngàn like" không phải sự thật. Điển hình như ảnh gia đình 3 người chạy lũ ở xã Ngọc Linh (Hà Giang) hay clip em bé Mèo Vạc khóc nức nở vì mẹ bị lũ cuốn trôi.
Chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối đến 5 trường đại học tại TP.HCM

Chương trình Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối đến 5 trường đại học tại TP.HCM

Với mục đích nâng cao nhận thức người tiêu dùng trong việc phân loại và tái chế chai và lon đã qua sử dụng, xây dựng thói quen nhỏ góp phần tạo tác động to lớn để hướng tới tầm nhìn “Vì một thế giới không rác thải”, Báo Tiền Phong và Coca-Cola Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình “Chai nhựa tái sinh, hành trình tiếp nối” tại 5 trường đại học ở TP.HCM.