Sinh viên mang di sản bản sắc và hiện đại lên sàn diễn thời trang

0:00 / 0:00
0:00
Qua sự sáng tạo của sinh viên, các nhà thiết kế trẻ, những di sản như được tái sinh, mang đến những giá trị mới đã tạo nên một đêm diễn thu hút sự tham gia của đông đảo khách mời là các đơn vị trường học, các chuyên gia thời trang, nhà thiết kế, sinh viên và người yêu thời trang...

Fashion Show “Hanoi Fashion Journey” (Hành trình thời trang Hà Nội) vừa diễn ra là sự kiện đầu tiên của Diễn đàn Sinh viên thời trang Việt Nam kết nối giữa nhiều trường trong đó có Trường Đại học Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2023 do Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội tổ chức nhằm thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Sinh viên mang di sản bản sắc và hiện đại lên sàn diễn thời trang ảnh 1
BST “Lặng” tác phẩm “Lặng lẽ Sapa” của NTK Ngọc Linh

Concept chủ đạo của show diễn là “Dòng chảy”, lấy cảm hứng từ những chuyến tàu gắn liền với dòng thời gian của đất nước, nhằm nhấn mạnh những di sản trong cuộc sống đương đại, được kế thừa, kết nối sáng tạo. Trong đó còn là những di sản công nghiệp của thành phố vẫn đang ngủ yên và chờ được đánh thức. Với 6 chuyến tàu thời trang đưa khách đi qua 6 trạm không gian, thời trang khác nhau – tương ứng với 6 trường tham dự, mang tới trải nghiệm có một không hai, đi xuyên không qua từng bộ sưu tập (BST) đầy cảm xúc, mãn nhãn.

BST Lạc của NTK Nguyễn Trà My lấy cảm hứng từ góc nhìn của một người nước ngoài khi tới Việt Nam. Kết hợp độc đáo giữa những văn hoá truyền thống và sự hiện đại trên nền vải jean. Mang tới một sự đối lập và mới lạ cho bộ áo dài - trang phục đặc trưng của đất nước Việt Nam. Chính điều này đã tạo nên sự độc đáo của bộ sưu tập Lạc. Không chỉ vậy các thiết kế còn được tái chế từ những vải jean vụn cũ, mang trong mình sự độc nhất vô nhị. Và gắn liền với thông điệp bảo vệ môi trường là ý nghĩa tiếp theo lan toả đến mọi người về ý thức và tinh thần. Từ những chiếc jean cũ, những miếng vải nhỏ đã được cắt ghép khéo léo tạo thành hình ảnh các di tích, di sản văn hoá ở từng địa danh nổi tiếng tại Việt Nam.

Hay như vẻ đẹp giao thoa giữa các nền văn hóa không giới hạn của NTK Hoài Thu với BST “Thời vàng son” lấy ý tưởng từ nghệ thuật ca kịch Cải Lương – một nét đẹp văn hóa Nam Bộ. Hình ảnh các giai đoạn thăng trầm của một cô đào kép đã được khắc họa rõ nét qua BST. Qua đó, thể hiện cả 1 quá trình hình thành và phát triển đỉnh cao rồi lụi tàn của Cải lương, nhưng vẫn nhen nhóm trong thời kì hiện đại.

Những BST từ các NTK là sinh viên đã đem đến giá trị vẻ đẹp với dòng chảy lịch sử, văn hóa, cuộc sống nhằm tôn vinh giá trị di sản Việt Nam bằng ngôn ngữ thời trang. Thông qua đó, thể hiện sự quan tâm, trân trọng, kế thừa và phát huy những giá trị di sản, làm bật sự tái sinh di sản, mang đến những giá trị mới đầy lôi cuốn.

MỚI - NÓNG