Trước kia, dịch cúm thường diễn ra vào mùa Thu - Đông, nhưng trong những năm gần đây, cúm bùng phát gần như vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, không chỉ ở nước ta mà ở Mỹ hay châu Âu cũng vậy. Hiện tại, số ca nhiễm cúm A “trái mùa” ở Hà Nội cũng đang tăng cao, và có bệnh nhân trở nặng. Tại sao các chuyên gia y tế trên thế giới cũng lo ngại về cúm A hơn các loại cúm khác?
Bình thường, chúng ta chỉ hay nghe nói đến cúm A và cúm B nhưng thực tế có đến 4 "dòng" virus cúm lớn, là A, B, C và D. Cúm C và D nghe hơi “xa lạ”, bởi cúm C có triệu chứng rất nhẹ và không làm bùng dịch, còn cúm D không (chưa) xuất hiện ở con người. Chỉ có virus cúm A và B là xưa nay vẫn “chịu trách nhiệm” cho các đợt dịch cúm mùa ở con người mà thôi.
Dịch cúm mùa trước đây thường xảy ra vào mùa Thu - Đông. Ảnh: PHE. |
Cả cúm A và cúm B đều dễ lây, nhưng nếu bạn từng để ý những người xét nghiệm cúm ở các trung tâm y tế, bạn sẽ thấy các nhân viên y tế tỏ ra lo lắng hơn hẳn khi xác nhận rằng bệnh nhân nhiễm cúm A. Tại sao vậy?
Vì cúm A (trong cúm A lại chia ra nhiều loại nhỏ, như cúm H1N1 hay H3N2) mới là loại phổ biến nhất, gây ra nhiều ca bệnh nhất, lại có triệu chứng nghiêm trọng, mệt mỏi hơn cúm B và dễ khiến người bệnh trở nặng, dễ phải nhập viện hơn. Thậm chí, (virus) cúm A cũng biến đổi nhanh hơn cúm B về các đặc điểm di truyền, kháng nguyên…; và cúm A mới dễ gây ra những đợt bùng dịch lớn.
Cúm A khiến nhiều người phải nhập viện hơn là cúm B. Ảnh: Fuse/ Getty. |
Chưa hết, theo trang MedicineNet, các nhà nghiên cứu cho rằng hầu hết người trưởng thành đều đã có miễn dịch khá tốt với cúm B (có thể vì virus cúm B ít biến đổi hơn virus cúm A) nên nếu có nhiễm thì triệu chứng cũng ở mức nhẹ thôi. Còn trẻ em chưa có miễn dịch tốt nên dù nhiễm cúm A hay cúm B cũng đều có thể có triệu chứng nặng nề. Tất nhiên, cả cúm A lẫn cúm B đều có thể dẫn tới những tình huống nguy hiểm đến tính mạng ở một số người, do cơ địa, do bệnh nền, miễn dịch kém…
Nhiều trẻ mắc cúm điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Hà Minh/TPO |
Và vì cả cúm A lẫn cúm B đều dễ lây nhiễm như nhau nên hiện nay, cách tốt nhất để phòng bệnh vẫn là tăng cường sức đề kháng, rửa tay, ăn chín uống sôi và tiêm vắc-xin, như đối với nhiều loại bệnh do virus khác.
Sở Y tế Hà Nội cho biết trên địa bàn Hà Nội có 252 bệnh nhân mắc cúm A điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, các bệnh nhân này phân bố tại 23/30 quận, huyện, thị xã. Sở Y tế Hà Nội nhận định, bệnh cúm hiện nay đang có xu hướng tăng. Số ca mắc cúm tập trung nhiều nhất ở nhóm dưới 5 tuổi là 44,1%, tiếp theo là nhóm tuổi 18-49 tuổi chiếm 39,7%, nhóm tuổi 6-18 tuổi chiếm 11,8% và ít nhất là nhóm tuổi trên 50 tuổi chiếm 4,4%.