Khoảng 12h20 khi đang ngồi tại tòa nhà tầng 4 Báo Tiền Phong, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, chị Lưu Trinh cảm nhận rõ rung chấn của động đất, máy tính của chị bị rung nhẹ còn bản thân thấy hoa mắt chóng mắt.
Anh Lê Văn Quân ở tòa nhà số 2 Lê Văn Thiêm chia sẻ, anh cũng cảm nhận thấy đèn trên trần bị rung, người hoa mắt. Phần lớn người dân sống ở tòa nhà đều cảm nhận rất rõ rung chấn của lần động đất này.
Không giống như các trận động đất trước, chỉ các tầng cao tòa nhà mới cảm nhận được. Lần này, ở tầng thấp người dân Hà Nội cũng cảm nhận rõ.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần xác nhận, vào 12 giờ 14 phút 51 giây (giờ Hà Nội) trưa nay, một trận động đất có độ lớn 5.3 xảy ra tại vị trí có tọa độ (20.83 độ vĩ Bắc, 104.65 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 14 km. Động đất xảy ra tại khu vực tỉnh Sơn La. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4 vùng chấn tâm.
Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Theo TS Lê Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên – Mường Lay, kéo dài khoảng 200 km thường xuyên hoạt động, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.
Tại đây từng ghi nhận nhiều trận động có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên; năm 1983, xảy ra trận động đất 6,7 độ richter tại thị trấn Tuần Giáo và năm 2001, xảy ra trận động đất 5,3 độ richter tại thành phố Điện Biên Phủ.
Ônng Xuân Anh khuyến cáo đây là nơi người dân cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng được yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.
Trước đó cuối năm 2019, chuỗi các trận động đất khá lớn đã xảy ra tại Trùng Khánh, Cao Bằng, trong đó có trận động đất gây dư chấn tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.